Vụ Đồng Tâm: Luật sư nói các ông Hiểu, Chức mang thương tích, còn sống
03/03/2020
Hai luật sư hôm 3/3 cho biết các ông Bùi Viết Hiểu và Lê Đình Chức “vẫn sống” và mang trên người một số thương tích, sau khi bị bắt trong vụ cảnh sát Việt Nam đột kích vào xã Đồng Tâm, Hà Nội, hồi đầu tháng 1.
Ông Hiểu và ông Chức cùng 20 người khác bị công an bắt hôm 9/1 và bị khởi tố sau đó 4 ngày trong vụ án được nhà chức trách gọi là “đặc biệt nghiêm trọng”. Trong khi đó, giới hoạt động vì tiến bộ xã hội lại xem vụ việc là một “tội ác rất lớn” của phía chính quyền.
Tranh chấp đất sát với sân bay Miếu Môn giữa người dân Đồng Tâm, với chính quyền trở nên gay gắt từ năm 2017, lên đến đỉnh điểm là cuộc đột kích cách đây gần 2 tháng.
Trong vụ này, thủ lĩnh nông dân Lê Đình Kình, 84 tuổi, bị thiệt mạng khi cảnh sát cơ động đột kích trước lúc trời sáng vào các ngôi nhà của ông và con cháu ở xung quanh.
Ba viên cảnh sát cũng chết trong vụ này, nhà chức trách cáo buộc các con cháu ông Kình ném bom cháy vào 3 người này khi họ rơi xuống một “giếng trời” trong quá trình diễn ra cuộc đột kích.
Luật sư Hà Huy Sơn hôm 3/3 cho VOA biết ông Bùi Viết Hiểu, người được xem là nhân vật số 2 sau thủ lĩnh Lê Đình Kình, hiện vẫn còn sống và có một số thương tích.
“Tôi gặp ông Hiểu khi tham dự buổi hỏi cung với điều tra viên. Ông Hiểu nói rằng từ khi tạm giam ông ko bị đánh đập, tra tấn”, luật sư Sơn kể lại với VOA.
Ông Hiểu, 77 tuổi, cho hay trong tháng 1 ông trải qua ba cuộc phẫu thuật vì bị thủng tá tràng, đứt đại tràng và vỡ xương bàn chân, hiện ông đang phải đeo túi hậu môn nhân tạo, theo lời luật sư Sơn.
Khi được VOA hỏi liệu các thương tích này là do đạn bắn hay nguyên nhân nào khác, luật sư trả lời rằng ông chưa thể cung cấp thông tin vụ việc vẫn trong giai đoạn điều tra. Ông Sơn nói thêm ông được con gái ông Hiểu “mời” bào chữa cho bị can này.
Hơn 20 bị can trong đó có ông Hiểu bị khởi tố về các tội danh giết người, tàng trữ vũ khí trái phép và chống người thi hành công vụ, luật sư Hà Huy Sơn nói với VOA. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện nay, chưa rõ nhà chức trách sẽ áp các điều khoản và mức hình phạt cụ thể thế nào đối với các bị can, theo lời luật sư.
Về hai bị can khác là các con trai ông Lê Đình Kình, luật sư Lê Văn Hòa trong cùng ngày 3/3 thông báo với gia đình của họ rằng ông Chức “vẫn sống chứ không chết như tin đồn”, và ông Công không có vấn đề gì bất thường về thể chất và sự minh mẫn.
Viết trên Facebook cá nhân, luật sư Hòa cho biết ông cũng đã dự cung cùng công an Hà Nội với hai bị can kể trên và gia đình họ có thể “yên tâm”.
Tuy nhiên, ông Hòa cho hay ông Chức bị “vỡ đầu” trong vụ đột kích rạng sáng 9/1 và vết thương này gây hiện tượng “có lúc nhớ lúc quên” và nửa người bên trái “vẫn bị liệt”. Mặc dù vậy, ông Chức nói rằng tình trạng liệt nửa người “có dấu hiệu đỡ hơn”, luật sư Hòa thuật lại trên trang cá nhân.
Trong khi đó, ông Lê Đình Công đi lại và có trí nhớ “bình thường”, ngoài ra, các vết thâm trên mặt có thể thấy trong video “thú tội” được đài VTV chiều hồi tháng trước “nay không còn nữa”, luật sư cho biết.
Vài tuần sau khi vụ Đồng Tâm xảy ra, giáo sư toán học Hoàng Xuân Phú, người thường lên tiếng phản biện về các vấn đề chính trị-xã hội ở Việt Nam, đưa lên mạng hai bài phân tích mang tên “Tội ác Đồng Tâm” dài tổng cộng 66 trang.
Trong đó hai bài này, giáo sư Phú, hiện cũng là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Kỹ thuật Đức, liệt kê nhiều bằng chứng để khẳng định người dân Đồng Tâm “hoàn toàn vô tội”, ông Lê Đình Kình bị công an “tra tấn và giết hại hết sức man rợ”, và ba công an bị chết thiêu “không thể” do nhân dân Đồng Tâm gây ra mà là việc làm của công an “nhằm đổ tội cho dân Đồng Tâm”.
Theo quan sát của VOA, sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan báo chí thuộc chính quyền đưa ra các phát ngôn và nhiều bài viết dài thể hiện quan điểm rằng công an không đàn áp người dân Đồng Tâm, một số người địa phương đã sai khi “chống người thi hành công vụ”, và việc các nhà hoạt động “phát tán” thông tin về vụ Đồng Tâm là hành động “chống phá”.
Giới hoạt động và những người ủng hộ nhân dân Đồng Tâm bác bỏ những quan điểm nêu trên và kêu gọi “điều tra độc lập” với hy vọng chỉ có như vậy mới “bảo vệ được sinh mạng mong manh” của những người dân đang bị giam giữ, hiện đối mặt với mức án cao nhất có thể lên đến “tử hình”.