Virus corona: Châu Âu học được gì từ châu Á?
Helier CheungBBC News
Số ca nhiễm virus corona ở phương Tây đang tăng vọt và nhiều quốc gia đã công bố các biện pháp quyết liệt, bao gồm đóng cửa trường học và giới nghiêm.
Vụ dịch đã tấn công nhiều quốc gia ở châu Á vài tuần trước đó – và một số nước đã được ca ngợi vì kiềm chế được số ca nhiễm. Ví dụ, Singapore, Hong Kong và Đài Loan đều giữ số ca nhiễm tương đối thấp – mặc dù nằm gần Trung Quốc đại lục.
Họ đã làm gì khác biệt – và có bài học nào cho các quốc gia khác không?
Bài học thứ nhất: Xem đó là việc quan trọng, và hành động nhanh chóng
Các chuyên gia y tế đồng tình về các biện pháp tương tự để ngăn chặn dịch bệnh – xét nghiệm rộng rãi, cách ly những người nhiễm và khuyến khích cách ly xã hội. Các biện pháp như vậy hiện đang được áp dụng ở các mức độ khác nhau ở phương Tây – nhưng điểm khác biệt chính là nhiều quốc gia đã không hành động nhanh chóng.
\”Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã mất một cơ hội\”, Tikki Pangestu, cựu giám đốc chính sách nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói. \”Họ đã có hai tháng kể từ khi dịch xảy ra ở Trung Quốc, nhưng có định kiến rằng \’Trung Quốc ở rất xa và sẽ không có gì xảy ra\’.\”
Trung Quốc là nước đầu tiên báo cáo với WHO các trường hợp \”nhiễm viêm phổi kỳ lạ giống Sars\” từ 31/12/2019. Vào thời điểm đó chưa có ca lây nhiễm từ người sang người nào được khẳng định, và người ta còn biết rất ít về virus này, nhưng trong vòng ba ngày Singapore, Đài Loan và Hong Kong đều triển khai đo thân nhiệt ở các khu vực biên giới – Đài Loan kiểm tra khách trên các chuyến bay từ Vũ Hán trước khi họ xuống máy bay.
Khi các nhà khoa học hiểu hơn về loại virus này, nó đã trở nên rõ ràng rằng những người không có triệu trứng vẫn có khả năng làm lây nhiễm. Vì vậy xét nghiệm là tối quan trọng.
Bài học thứ hai: Làm xét nghiệm trở nên đại trà, và giá cả phải chăng
Các ca nhiễm ở Hàn Quốc thoạt đầu tăng vọt. Nhưng nước này đã nhanh chóng phát triển bộ xét nghiệm virus – và hiện đang xét nghiệm cho hơn 290.000 người. Hàn Quốc thực hiện khoảng 10.000 xét nghiệm mỗi ngày, miễn phí.
\”Cách mà họ tăng tốc và sàng lọc người dân quả rất đáng chú ý,\” Ooi Eng Eong, một giáo sư trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm khẩn cấp tại Đại học Quốc gia Singapore, nói.
Hàn Quốc có một hệ thống chứng thực nhanh chóng đang hoạt động, áp dụng cho các xét nghiệm bệnh truyền nhiễm, sau khi bùng phát hội chứng hô hấp Trung Đông bùng lên năm 2015 làm 35 người chết.
Ngược lại, việc xét nghiệm ở Mỹ bị trì hoãn – các kit xét nghiệm ban đầu bị lỗi, và các phòng xét nghiệm tư thì khó khăn để chứng thực các xét nghiệm của mình. Nhiều người gặp trở ngại khi muốn được xét nghiệm, và chúng thường rất đất. Thậm chí, xét nghiệm miễn phí cho mọi người đã được thông qua trong luật.
Trong khi đó, Anh Quốc nói rằng chỉ những người nhập viện sẽ được xét nghiệm thường xuyên. Điều này khiến Anh khó để xác định các ca với triệu chứng nhẹ.
Giáo sư Pangestu thừa nhận rằng ở một số nước, không có đủ các kit xét nghiệm. Tuy nhiên, ông nói rằng việc xét nghiệm đại trà như \”ưu tiên hàng đầu\”, và nói thêm rằng \”xét nghiệm những người có triệu chứng, không cần phải nhập viện nhưng vẫn có khả năng làm lây nhiễm virus thậm chí còn quan trọng hơn.\”
.
Bài học thứ ba: Truy tìm và cách ly
Chỉ xét nghiệm những người có triệu chứng là không đủ – cần truy tìm những người tiếp xúc với họ – đó là chìa khóa.
Singapore đã truy tìm hơn 6.000 người có tiếp xúc với người bệnh – định vị họ bằng CCTV, cho họ làm xét nghiệm, và yêu cầu họ tự cách ly cho tới khi có kết quả rõ ràng.
Ở Hong Kong, việc truy tìm được thực hiện đối với những người tiếp xúc với người bệnh hai ngày trước khi ai đó có triệu chứng.
Họ cũng thực hiện các biện pháp khác để đảm bảo rằng những người được yêu cầu cách ly thực sự ở nhà.
Ở Hong Kong, những người mới đến từ nước ngoài được yêu cầu đeo một vòng điện tử để theo dõi di chuyển của họ, trong khi ở Singapore, những người tự cách ly được kiểm tra vài lần một ngày, và được yêu cầu gửi ảnh chứng minh nơi họ đang ở.
Singapore có các hình phạt nặng – bao gồm cả án tù – cho bất kỳ ai vi phạm lệnh \”ở nhà\”. Người vi phạm sẽ bị tước quyền cư trú.
Nhiều quốc gia ở phương Tây sẽ khó áp dụng các biện pháp như vậy do dân số đông hơn và quyền tự do dân sự lớn hơn.
\”Chúng tôi có thể làm những gì chúng tôi đã làm vì đất nước chúng tôi nhỏ\”, giáo sư Ooi nói. \”Để sao chép toàn bộ những gì chúng tôi đang làm sẽ không có ý nghĩa gì, nó phải được điều chỉnh cho phù hợp với từng quốc gia.\”
Bài học thứ tư: Cách ly xã hội sớm
Cách ly xã hội được coi là cách tốt nhất để kiềm chế dịch.
Nhưng các biện pháp được đưa ra càng muộn thì chúng càng cần phải được áp dụng một cách cực đoan hơn. Tại Vũ Hán, Trung Quốc, nơi virus được cho là khởi phát, năm triệu người đã rời khỏi thành phố trước khi lệnh giới nghiêm bắt đầu. Điều này khiến chính phủ phải thực hiện lệnh phong tỏa lớn nhất trong lịch sử loài người.
Cả Ý và Tây Ban Nha đều buộc phải áp lệnh đóng cửa quốc gia sau khi số ca mắc tăng lên hàng ngàn. New York và California đã ra lệnh cho cư dân ở nhà, ngoại trừ khi cần phài đi làm các việc thiết yếu như mua đồ tạp hóa.
Ngược lại, các trường học vẫn đang hoạt động ở Singapore, mặc dù các cuộc tụ họp đông người nơi công cộng đã bị hủy bỏ. Ở Hong Kong, các trường học đã bị đóng cửa và người lao động được khuyến khích làm việc tại nhà – nhưng các nhà hàng và quán bar vẫn mở.
Giáo sư Ooi tin rằng sự khác biệt là do các chính phủ đã nhanh chóng thực hiện việc cách ly xã hội như thế nào.
\”Vào thời điểm nhiều nước tăng cường các biện pháp kiểm soát, số lượng ca nhiễm quá lớn\” đến mức cần có những bước quyết liệt, ông nói.
Cách ly xã hội bị ảnh hưởng bởi các quyết định của chính phủ về cấm các cuộc tụ họp hoặc đóng cửa trường học, nhưng nó cũng phụ thuộc vào những người sẵn sàng tham gia. Đó là lý do tại sao thông điệp cho cộng đồng – và thái độ cá nhân – là rất quan trọng.
Bài học thứ năm: Thông tin đầy đủ cho công chúng
\”Trừ khi bạn có được sự hợp tác của công chúng, các chính sách của bạn có thể không được tuân thủ và việc thực thi không thể đi xa hơn\”, Giáo sư Pangestu nói. \”Điều quan trọng là chỉ ra rằng các chính sách dựa trên bằng chứng khoa học.\”
Trung Quốc đã bị chỉ trích vì chậm thừa nhận sự bùng phát của dịch. Nước này cho phép một họp chính trị lớn diễn ra ở Vũ Hán ngay cả khi mối lo ngại gia tăng. Chính quyền cũng trừng phạt các bác sĩ đã cố gắng cảnh báo về dịch bệnh những người khác – gây ra sự giận dữ sau khi một bác sỹ chết vì virus.
Kể từ đó, Trung Quốc được ca ngợi vì làm chậm sự lây lan của virus một cách hiệu quả, sau khi áp dụng lệnh phong tỏa quy mô lớn và nâng cao năng lực bệnh viện. Nhưng các nhà chỉ trích nói rằng các biện pháp cực đoan như vậy được thực hiện do Trung Quốc ban đầu đã phản ứng chậm.
Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump thường mâu thuẫn với các quan chức y tế về mức độ nghiêm trọng của vụ dịch và số lượng bộ dụng cụ xét nghiệm hiện có. Chính phủ cũng không thể cung cấp thông tin về số người đã được xét nghiệm, vì nhiều phòng xét nghiệm tư nhân không cung cấp dữ liệu cho CDC.
\”Phản ứng với dịch bệnh bao gồm việc minh bạch – điều đó ngăn mọi người hoảng loạn và tích trữ mọi thứ\”, giáo sư Ooi nói.
Một số chính phủ đã sử dụng công nghệ để cập nhật thông tin chi tiết cho cư dân. Hong Kong cung cấp bảng điều khiển trực tuyến về tất cả các trường hợp – bao gồm bản đồ hiển thị các tòa nhà nơi có các ca nhiễm. Hàn Quốc đưa ra cảnh báo di động cho mọi người biết nếu họ ở gần bệnh nhân.
Tại Singapore, chính phủ được ca ngợi vì truyền thông minh bạch về coronavirus, bao gồm cả bài phát biểu của thủ tướng khuyến khích người dân ngừng việc hoảng lên tích trữ hàng hóa. Các biện pháp của nước này đã được người dân ủng hộ rộng rãi – việc này là nhờ thực tế Singapore có một lịch sử lâu dài nhấn mạnh trách nhiệm tập thể đối với an ninh quốc gia. Và truyền thông Singapore không có xu hướng thách thức tin tức từ nhà nước.
Bài học thứ sáu: Đó cũng là thái độ của từng cá nhân
Thật quá đơn giản để nói, như một số người từng nói, rằng nngười châu Á có thể tuân thủ các mệnh lệnh của chính phủ hơn. Ở Hong Kong, niềm tin của công chúng vào chính phủ rất thấp – và đã có nhiều tháng biểu tình chống chính phủ. Nhưng, tại một trong những thành phố đông dân nhất thế giới, nhiều người đã tự nguyện cách ly xã hội – một số thậm chí tránh các cuộc tụ tập Tết Nguyên đán, tương đương với việc người châu Âu bỏ qua các sự kiện Giáng sinh.
Giáo sư Pangestu tin rằng trong khi người Hong Kong không tin tưởng chính phủ, \”họ rất tự hào về Hong Kong và coi dịch bệnh là mối đe dọa đối với bản sắc của [lãnh thổ]\”.
Trong khi đó, Karin Huster, một y tá ở Sattle, đồng thời là điều phối viên lĩnh vực khẩn cấp cho Tổ chức Bác sĩ không biên giới, đã dành một tháng ở Hong Kong để đào tạo về virus corna. Bà nhận thấy nhiều người có \”ý thức trách nhiệm cá nhân\” mạnh mẽ bởi vì họ nhớ vụ dịch Sars năm 2003 đã tấn công lãnh thổ này nặng nề như thế nào.
Điều đó cũng được thấy trong việc sử dụng khẩu trang phổ biến ở một phần của châu Á, mà bà Hustler nói được coi là một dấu hiệu của \”sự tôn trọng đối với người khác\”.
Bà nhận thấy rằng thỉnh thoảng mọi người sẽ tránh đi vào thang máy vì bà không đeo khẩu trang. Ngược lại, ở nhiều nước phương Tây, người ta đặc biệt được khuyên không nên đeo khẩu trang và nhiều người châu Á đã bị quấy rối vì đeo khẩu trang.
Các chuyên gia ở châu Á đồng ý rằng đeo khẩu trang kém hiệu quả hơn nhiều so với các biện pháp khác như rửa tay. Nhưng có nhiều ý kiến khác nhau về việc đeo khẩu trang vẫn còn giá trị.
Benjamin Cowling, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Hồng Kông, lập luận: \”Khẩu trang không phải là viên đạn ma thuật chống lại virus corona, nhưng nếu mọi người đeo khẩu trang, có lẽ nó có thể giúp ích, cùng với tất cả các biện pháp khác [như rửa tay và cách ly xã hội ], để giảm lây nhiễm.\”
\”Bằng chứng hiện khá ít, nhưng chúng tôi cho rằng chúng có tác dụng đó, bởi vì đó là sự bảo vệ mà chúng tôi dành cho nhân viên y tế.\”
Khi nói đến cách ly xã hội, bà Huster nói: \”Tôi nghĩ ở Mỹ, mọi người rất cá nhân – sẽ khó khăn hơn một chút để chúng tôi hy sinh \’tự do\’ của mình.\”
Trước đây bà đã làm việc về dịch Ebola, nơi mọi người cũng được yêu cầu rửa tay thường xuyên hơn và giữ khoảng cách, và nói rằng thách thức lớn nhất \”là khiến mọi người hiểu sự cần thiết phải thay đổi cách sinh hoạt của họ\”.
Tất cả điều này là đủ để ngăn chặn virus?
Các chuyên gia tin rằng các biện pháp tích cực hơn được áp dụng ở các nước phương Tây sẽ làm chậm thành công tốc độ lây nhiễm theo thời gian. Nhưng, để hiểu được thách thức tiếp theo sau đó, họ cũng có thể học từ châu Á. Mặc dù đã kiềm chế được virus, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Hong Kong hiện đang phải đối mặt với làn sóng lấy nhiễm thứ hai, được thúc đẩy bởi những trở về từ nước ngoài.
Và không rõ sự bùng phát này có thể kéo dài bao lâu.
Giáo sư Ooi rất lạc quan, vì số lượng nhiễm bệnh mới bắt đầu giảm trong vòng hai đến ba tuần sau khi lệnh phong tỏa được thực hiện tỉnh Hồ Bắc. Mặc dù lệnh phong tỏa của Trung Quốc là \”quyết liệt\”, ông tin rằng các quốc gia có các biện pháp nhẹ nhàng hơn cũng có thể ngăn chặn sự bùng phát trong vòng vài tuần.
\”Phong tỏa nên đóng vai trò là nguồn cảm hứng cho các quốc gia khác ngay bây giờ – thật đau đớn nhưng nó có thể được thực hiện.\”
Ngược lại, Giáo sư Cowling lo lắng rằng nếu biện pháp phong tỏa kết thúc quá sớm, việc lây nhiễm cục bộ có thể bắt đầu lại.
\”Tôi không biết liệu cách ly xã hội có thể được duy trì trong khoảng thời gian nó cần được duy trì hay không. Chúng ta không thể thực sự thư giãn cho đến khi có vaccine – có thể mất khoảng 18 tháng\”, nhưng \”mọi người ở Hong Kong đã khá mệt mỏi sau hai tháng bị phong tỏa.\”
\”Phong tỏa kéo dài đang gây tổn hại cho nền kinh tế, trong khi một dịch bệnh gây hại cho sức khỏe cộng đồng thì không có nhiều sự lựa chọn tốt hơn.\”