31/03/1905: Khủng hoảng Morocco lần thứ nhất

31/03/1905: Khủng hoảng Morocco lần thứ nhất

\"\"

Nguồn: The First Moroccan Crisis, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1905, Hoàng đế Wilhelm của Đức đã đến Tangiers để tuyên bố ủng hộ vương quốc Morocco, kích động sự giận dữ của Pháp và Anh trong sự kiện gọi là Khủng hoảng Morocco lần thứ nhất, một điềm báo rằng cuộc xung đột lớn hơn giữa các quốc gia châu Âu đang đến gần – đó chính là Thế chiến I.

Hoàng đế Đức không có bất kỳ mối quan tâm thực sự nào đối với Morocco; chính phủ Đức cũng không. Mục đích cốt yếu của việc ông xuất hiện là để phá vỡ Liên minh Anh-Pháp, được thành lập vào tháng 04/1904. Entente Cordiale (Hiệp ước Thân mật), tên gọi sau này của liên minh, ban đầu không nhằm mục đích liên minh chống lại Đức, mà nhằm dàn xếp các cuộc cạnh tranh đế quốc lâu dài giữa Anh và Pháp ở Bắc Phi.

Theo các điều khoản của thỏa thuận, Anh có thể theo đuổi lợi ích của mình ở Ai Cập, trong khi Pháp được tự do mở rộng về phía tây từ Algeria vào Morocco, lãnh thổ độc lập cuối cùng trong khu vực. Pháp sau đó đã ký một thỏa thuận với Tây Ban Nha nhằm phân chia Morocco thành các khu vực phạm vi ảnh hưởng, và đương nhiên người Pháp nhận phần lớn hơn.

Tức giận vì bị loại khỏi các quyết định liên quan đến Bắc Phi, Đức tin rằng Hiệp ước Anh-Pháp đang hướng tới việc tạo ra một thế cân bằng ngoại giao mới tại châu Âu. Một hội nghị quốc tế đã bảo đảm nền độc lập của Morocco vào năm 1880; nhưng giờ đây người Đức thấy rằng liên minh giữa hai quốc gia mạnh nhất Châu Âu đang đe dọa sẽ phủ nhận kết quả này, và do đó cũng đặt ra một thách thức đối với ảnh hưởng của chính Đức ở Châu Âu và trên toàn thế giới.

Với rất nhiều hào nhoáng, Wilhelm cuối cùng cũng đặt chân tới Tangiers vào ngày 31/03/1905 sau khi con tàu của ông phải đương đầu với những cơn gió mạnh trên đường đến Bắc Phi . Trong bài diễn văn mở đầu, ông tuyên bố rằng mình xem Quốc vương Morocco như người cai trị một đế chế tự do và độc lập, không chịu sự kiểm soát của nước ngoài, và bản thân ông sẽ luôn luôn đàm phán với Quốc vương Marocco. Ông cũng tuyên bố rằng mình hy vọng Đức sẽ có lợi thế trong thương mại và giao thương với Morocco cũng như các nước khác.

Sự xuất hiện ồn ào của Wilhelm, đánh dấu bước chuyển đổi mạnh mẽ khỏi chính sách đối ngoại của Đức dưới thời huyền thoại Otto von Bismarck, người với tư cách Thủ tướng đã thống nhất đế chế Đức vào năm 1871 và ủng hộ các cử chỉ hòa giải với Pháp cũng như với các đối thủ châu Âu khác như một phần trong chính sách đối ngoại của Đức.

Mặc dù Đức có ý định hành động mạnh mẽ ở Morocco để tạo ra một vùng đệm chia rẽ Pháp và Anh, nhưng thực tế việc này lại có tác dụng ngược, làm tăng cường mối quan hệ giữa hai nước do sự nghi ngờ chung của họ đối với Đức. Những gì bắt đầu như một tình bạn đơn thuần, sau Khủng hoảng Moroccan thứ nhất, đã trở thành một liên minh quân sự không chính thức, bao gồm các cuộc đối thoại giữa chính phủ Anh và Pháp cùng các viên chức quân sự và sau đó là việc kí kết một thỏa thuận phòng thủ tương hỗ với một nước thứ ba, Nga.

Sau sự xuất hiện của Wilhem, một hội nghị quốc tế đã được triệu tập tại Algeciras, Tây Ban Nha, vào tháng 01/1906 để đi đến thỏa thuận về Morocco. Văn kiện sau đó đã trao cho Pháp quyền kiểm soát các vấn đề liên quan đến Morocco, nhưng đảm bảo sự bình đẳng về tự do thương mại và kinh tế cho mọi quốc gia, đồng thời cấm bất kỳ hành động thực dân từ bất kỳ nước nào mà không tham khảo ý kiến với các bên ký kết khác.

Khủng hoảng Morocco lần thứ hai nổ ra vào tháng 04/1911, khi Pháp đưa quân vào nước này, tuyên bố sẽ bảo vệ Morocco chống lại các cuộc bạo loạn đã nổ ra ở Fez, nhưng thực ra hành động đó đã vi phạm các điều khoản của Công ước Algeciras. Đáp trả, Đức đã gửi tàu chiến Panther cập cảng Agadir vào ngày 21/05, làm gia tăng lòng thù hận giữa hai quốc gia và giữa các đồng minh của họ với nhau nói chung.

Diễn ra chỉ hơn hai năm trước khi Thế chiến I bùng nổ, rõ ràng hai cuộc khủng hoảng ở Morocco là minh chứng cho thấy cân bằng quyền lực truyền thống ở châu Âu đã chuyển sang các khối quyền lực lớn hơn, với một bên là Đức bị cô lập tương đối – chỉ nhận được sự hỗ trợ nửa vời từ Áo-Hung và Ý – và bên còn lại, là Anh, Pháp và Nga.

Bài Liên Quan

Leave a Comment