Đảng lại kiên định với “Kinh tế tập thể, Hợp tác xã” !

Đảng lại kiên định với “Kinh tế tập thể, Hợp tác xã” !

Cao Nguyên
2020-04-01

\"Hình

Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 6/2/2020: Poster tuyên truyền cho Đảng cộng sản Việt Nam trên đường phố Hà Nội

Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng vừa thay mặt Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ký bản kết luận về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX.

Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu cần phải “tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt về bản chất của kinh tế tập thể, hợp tác xã, đồng thời khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.”

Hợp tác xã – nỗi ám ảnh của người dân Việt

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói với RFA rằng trước hết phải xác định từ ngữ “kinh tế tập thể” mà ông Vượng nói là gì. Ví dụ, hợp tác xã là một hình thức của kinh tế tập thể, nhưng một công ty, một tập đoàn tư nhân cũng là kinh tế tập thể.

Bởi vì ở Việt Nam có nhiều thuật ngữ không rõ ràng. Điển hình là “Nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa”, cho tới nay vẫn chưa ai có thể giải thích rành rẽ về cụm từ đó:

“Cái đó cần ông Vượng nói rõ ra là ông muốn nói đến kinh tế tập thể là như thế nào, chứ theo Kinh tế học thì tôi chưa thấy từ ngữ “kinh tế tập thể”. Đó là một từ ngữ mới, chỉ có kinh tế thị trường hay là kinh tế của các quốc gia theo Xã hội Chủ nghĩa. Còn nếu mà kinh tế tập thể thì đây là một từ mà tôi không quen nghe.”

\"Hình

Hình minh hoạ. Một nông dân ở cánh đồng tại xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc hôm 20/2/2020 AFP

Tiến sỹ Mạc Văn Trang cho rằng sở dĩ chỉ thị này của ông Trần Quốc Vượng thu hút chú ý dư luận là vì nền kinh tế tập trung hay hợp tác xã từng là nỗi “ám ảnh” của người dân Việt Nam trong suốt gần ba thập kỷ:

“Tôi thấy trên mạng bình luận nhiều lắm. Cái kinh tế tập thể là thiết yếu theo nghị quyết của Bộ Chính trị làm cho nhiều người rất là sợ hãi. Bởi vì cái chữ “kinh tế tập thể, hợp tác xã” ở Việt Nam diễn ra từ năm 1960 cho đến những năm 1986. Trong gần 30 năm, nó khủng khiếp quá. Người ta nghĩ rằng hợp tác xã, kinh tế tập thể là khủng khiếp lắm, vì kết quả đã làm cho toàn dân phải đói.

Tôi nghĩ rằng do mặc cảm, thành kiến đối với chữ “hợp tác xã”. Bây giờ chắc là không phải lập lại các hợp tác xã như hồi xưa nữa. Có thể cái hợp tác xã bây giờ giống như như quyền tự do lập hội. Những người dân tự do liên kết với nhau, góp ruộng, góp công sức để người ta làm ăn tập thể.”

“Hợp tác xã không phải là mô hình của một nền kinh tế tân tiến”

Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX, ban hành từ năm 2002, xác định “kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã, là nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, phấn đấu đưa kinh tế tập thể tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong GDP của nền kinh tế.”

Việt Nam mình sau khi thống nhất đất nước rồi thì có vấn đề hợp tác xã, đem tất cả đất đai của dân chúng vào trong hợp tác xã. Nó không đi đến đâu cả, không phát triển được. – Bùi Kiến Thành

Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, hợp tác xã gắn với một thời kỳ trong lịch sử phát triển kinh tế của đất nước cũng như lịch sử kinh tế trên thế giới, mà thời kỳ đó đã lùi xa rồi. Nó có ảnh hưởng nhất định đối với một giai đoạn của nền kinh tế, chứ không phải trong nền kinh tế hiện đại bây giờ:

“Việt Nam mình sau khi thống nhất đất nước rồi thì có vấn đề hợp tác xã, đem tất cả đất đai của dân chúng vào trong hợp tác xã. Nó không đi đến đâu cả, không phát triển được. Rõ ràng nó biến ra thành một nền kinh tế thất bại, nên dần người ta bỏ nó đi thay bằng chính sách Đổi Mới với nền kinh tế nhiều thành phần, mà trong đó thành phần kinh tế tự do lần lần phát triển. Rõ ràng, nó không phải là một mô hình gì để chúng ta nâng cao lên.

Tôi không phủ nhận vai trò của hợp tác xã trong một khung cảnh nào đó của một nền kinh tế hay trong một bước tiến nào đó của nền kinh tế. Nhưng hợp tác xã không phải là mô hình của một nền kinh tế tân tiến phát triển.

Đối với tôi là một người nghiên cứu kinh tế, tôi thấy rằng hợp tác xã không phải là mô hình chủ đạo của một nền kinh tế phát triển được, chỉ là ở trong một thời đại nào đó thôi.

Đừng đặt nặng một cái gì, phải đi từ cái nhỏ lên cái lớn. Cái nào cũng có phần việc, có vai trò riêng của nó. Một nền kinh tế phát triển phải có đủ mọi tầng lớp để nó phát triển lên.”

Tiến sỹ Mạc Văn Trang cho rằng mô hình hợp tác xã cũng không phải là không tốt. Hiện nay, ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, nhiều người đã kết hợp với nhau để canh tác rồi. Tuy nhiên, sự hợp tác phải dựa trên sự tự nguyện chứ không phải bị ép buộc, cũng không cần phải ra nghị quyết, chỉ cần tôn trọng quyền Tự do lập hội của người dân là được:

“Những người nông dân sẽ tổ chức sản xuất theo mô hình mới chứ không phải giống như hồi xưa. Như hồi xưa thì hãi quá. Hiện nay, ở Đồng bằng Sông Cửu Long, những người trông cây trái, người chăn nuôi cũng đã có hình thức hợp tác rồi. Nhưng cái đó là tự nguyện, không ép buộc, không phải là do chi bộ lãnh đạo nữa. Bây giờ hợp tác là trên tình thần cộng đồng, cùng phát triển.

Thế còn về nghị quyết thì tôi thấy làm lạ, bởi vì xu thế tất yếu thì tự người dân có luật tự do lập các tổ chức xã hội dân sự, người ta sẽ tự biết cách liên kết với nhau, học tập nhau, tại sao lại cần phải đến nghị quyết để làm cho người dân phải hoang mang.”

Khẳng định về đường lối chính trị

Ông Trần Quốc Vượng cũng thay mặt Bộ Chính trị giao Chính phủ xây dựng chiến lược để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, trình Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII xem xét, để ban hành nghị quyết mới.

Theo tiến sỹ Mạc Văn Trang, việc bộ Chính trị tiếp tục ra nghị quyết mới là vì Chủ nghĩa Xã hội xưa nay luôn phải lấy thành phần kinh tế tập thể và kinh tế nhà nước làm chủ đạo:

“Việc xây dựng Chủ nghĩa xã hội từ trước đến nay thì nó bao gồm kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể là chủ đạo.

Kinh tế quốc doanh như Vinashin, Vinalines và nhiều tập đoàn làm tan nát cả đất nước, huỷ hoại biết bao nhiêu nguồn lực, gây ra nhiều tổn thất ghê gớm. Người dân người ta nghe đến kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể là người ta hãi hồn rồi. Nhưng tôi nghĩ điểm này là họ không nhạy cảm chính trị, không hiểu tâm lí xã hội. Đáng lẽ ra không cần nghị quyết gì cả, chỉ cần khuyến khích các hội đoàn, người ta tự thấy mô hình nào đẹp, hiệu quả thì người ta sẽ học tập. Thế thôi.”

Về đường lối “phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ của hệ thống chính trị”, luật sư Lê Công Định bình luận trên trang cá nhân rằng giới lãnh đạo đảng cầm quyền Việt Nam vẫn đang điều hành nền kinh tế hiện đại bằng tư duy của các lãnh tụ Cộng sản thuộc thế hệ hơn 100 năm trước:

“Nếu kinh tế tập thể và hợp tác xã là hai loại hình tự nhiên được hình thành từ nhu cầu tất yếu của thị trường và là xu thế tất yếu của nền kinh tế quốc gia thì sao phải \”tăng cường tuyên truyền, quán triệt về bản chất\” của nó?

Khôi hài hơn, nếu sự tồn tại của chúng là tất yếu thì cần gì phải xem việc phát triển loại hình kinh tế đó là \”nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị”?

Chỉ thị về kinh tế tập thể và hợp tác xã được ông Vượng ký vào thời điểm mà báo chí trong nước đăng tải nhiều bài viết về tình trạng có nhiều hợp tác xã không phát triển được.

Hồi đầu năm 2020, trang Vĩnh Phúc online, cơ quan ngôn luận của tỉnh Vĩnh Phúc cho biết tỉnh này có khoảng 700 hợp tác xã. Nhưng một nửa trong đó chỉ hoạt động mang tính hình thức. Thậm chí, có nhiều hợp tác xã phải làm đơn “xin” để được giải thể vì hoạt động cầm chừng, khó vay vốn, không tìm được hướng đi trong sản xuất kinh doanh.

Bài Liên Quan

Leave a Comment