90 giờ sinh tử: Cuộc giải cứu chưa từng có trong lịch sử NASA
Thứ Tư, 15 Tháng Tư 20203:00 SA
Đã 5 thập kỷ có lẻ kể từ ngày người Mỹ làm được điều mà lịch sử và thế giới chưa từng thiết lập: Vượt qua hành trình 384.400 km ngoài không gian để đưa người đổ bộ Mặt Trăng – Vệ tinh tự nhiên duy nhất và lớn nhất của Trái Đất – Thiên thể đầu tiên ngoài vũ trụ có dấu chân của loài người.
Nhờ chiến tích vũ trụ vĩ đại đó, ngày 20/7/1969 [cùng với Neil Armstrong, Apollo 11 và NASA] đã đưa nước Mỹ trở thành siêu cường vũ trụ, vượt qua Liên Xô trong cuộc chạy đua chinh phục không gian thời kỳ Chiến tranh Lạnh (1946-1991) kéo dài hơn 4 thập kỷ. [Thực tế cho đến thế kỷ 21 này, chưa một quốc gia nào tái lập được thành tích \”vô tiền khoáng hậu\” đó].
Thừa thắng xông lên, Chương trình Apollo của NASA tham vọng tiếp tục đưa người trở lại Mặt Trăng để tìm hiểu sâu hơn nữa về vệ tinh có khối lượng bằng 2% Trái Đất này.
Trong hành trình đó, Apollo 13 đã gặp nạn. Nỗ lực thứ 3 đưa người trở lại Mặt Trăng của NASA (tính từ Apollo 11 năm 1969) đã thất bại. Vì sao sứ mệnh Apollo 13 phóng ngày 11/4/1970 lại bất thành? Phi hành đoàn 3 người sống hay đã hy sinh? Hậu quả tưởng chừng chỉ xảy ra trên Mặt Trăng đó có khả năng âm ỉ hủy hoại Trái Đất ra sao? Mời độc giả cùng History Channel theo dõi.
Gần 56 giờ sau khi được dòng tên lửa đẩy mạnh nhất lịch sử Saturn V SA-508 phóng đi từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy lúc 19h ngày 11/4/1970, sứ mệnh Apollo 13 đổ bộ Mặt Trăng được đánh giá là chuyến bay vào không gian suôn sẻ nhất trong Chương trình Apollo của NASA.
Phi hành đoàn Apollo 13 gồm 3 người là: Chỉ huy sứ mệnh là James A. Lovell, Jr. – Phi công Mô-đun Chỉ huy (mật danh Odyssey) là John L. Swigert, Jr. – Và phi công Mô-đun Mặt Trăng (mật danh Aquarius) là Fred W. Haise, Jr..
Thành viên phi hành đoàn Apollo 13 năm 1970. Ảnh: NASA
Tính đến 21h ngày 13/4/1970, ở khoảng cách cách Trái Đất 321.868 km, mọi chuyện đều diễn ra theo kế hoạch. Phi hành đoàn còn chúc các thành viên thuộc phòng Mission Control (Điều khiển Sứ mệnh) thuộc Trung tâm tàu vũ trụ có người lái (nay là Trung tâm vũ trụ Johnson) ở Houston, bang Texas một buổi tối tốt lành.
10 phút sau, một sự cố đã xảy ra khiến toàn bộ kế hoạch đáp xuống Mặt Trăng (tại vị trí gần miệng núi lửa Fra Mauro) đổ xuống sông xuống bể. Cuộc đua lên Mặt Trăng của NASA biến thành cuộc đua đầy tuyệt vọng của NASA để cứu sống phi hành đoàn 3 thành viên.
\”Houston. Khẩn cấp. Chúng tôi gặp rắc rối rồi…\”
Để cung cấp dưỡng khí, năng lượng trong chuyến bay, tàu vũ trụ của Apllo 13 đã mang theo 2 bể chứa hydro lỏng và 2 bể chứa oxy lỏng.
Khi phi hành đoàn cách Trái Đất 321.868 km (nghĩa là chỉ còn cách Mặt Trăng 63 km), Seymour Liebergot – kỹ sư thuộc phòng Mission Control tại mặt đất – phát hiện tín hiệu cảnh báo áp suất thấp tại bể chứa oxy lỏng ở Mô-đun Chỉ huy (Odyssey).
Một lúc sau, toàn bộ tàu vũ trụ của Apollo 13 rung chuyển. Đèn tín hiệu và âm báo vang lên liên hồi ở Mô-đun Chỉ huy và phòng Mission Control, khi đó áp suất oxy liên tục giảm, điện cũng bị mất. Phi công của Odyssey liên lạc khẩn cấp về Trái Đất, thông báo: \”Houston. Khẩn cấp. Chúng tôi gặp rắc rối rồi…\”
Phần thiệt hại của tàu vũ trụ sau vụ nổ. Ảnh: NASA
Vừa dứt lời, bể chứa oxy của Odyssey phát nổ. Ủy ban điều tra thảm họa Apollo 13 về sau xác định: Một tia lửa từ dây dẫn bị hở trong bình oxy (do lỗi sản xuất và thử nghiệm trước khi bay) đã gây ra hỏa hoạn, làm nổ tung bể chứa oxy của Mô-đun Chỉ huy Odyssey.
Vụ việc nhanh chóng gây ra hậu quả nặng nề: Mất đi nguồn nhiên liệu, Odyssey bị tê liệt hoàn toàn. May mắn thay, tàu vũ trụ vẫn còn một Mô-đun khác chứa bể chứa oxy là Mô-đun Mặt Trăng Aquarius (dự kiến sẽ tách ra khỏi tàu vũ trụ để đáp xuống Mặt Trăng).
Chỉ huy sứ mệnh và phi công Mô-đun Mặt Trăng điên cuồng xử lý các thông tin và nhập lệnh để khởi động Aquarius nhằm cung cấp năng lượng cho tàu cũng như cho các phi hành đoàn. Trong khi đó, phi công Mô-đun Chỉ huy John L. Swigert, Jr. đang làm mọi cách để tắt Odyssey nhằm bảo tồn năng lượng cho phần còn lại của tàu vũ trụ.
13 phút sau vụ nổ, chỉ huy sứ mệnh là James A. Lovell, Jr. liếc ra ngoài cửa sổ và thấy có gì đó đáng lo ngại. \”Chúng tôi đang trút thứ gì đó vào… vào không gian\” – anh ấy báo cáo về Trái Đất. Đây là một loại khí. Do hai bình oxy nằm trong cùng một phần của tàu vũ trụ, vụ nổ cũng đã làm hỏng bình kia và nó đã bắt đầu rò rỉ oxy vào không gian.
Không có nguồn nhiệt, nhiệt độ trong cabin nhanh chóng giảm xuống gần mức đóng băng. Một số thực phẩm không thể ăn được. Phi hành đoàn cũng phân phối nước để đảm bảo Mô-đun Aquarius – hoạt động lâu hơn so với thiết kế – sẽ có đủ chất lỏng để làm mát phần cứng của nó.
Điều tồi tệ chưa dừng ở đó, Aquarius chỉ được thiết kế để chứa 2 người và không có lá chắn nhiệt. Trong khi đó, chỉ huy Apollo 13 nhận được lệnh đưa cả đoàn trở về Trái Đất càng sớm càng tốt.
Trước tình hình nghặt nghèo của phi hành đoàn Apollo 13, Houston huy động lực lượng khẩn cấp để thực hiện sứ mệnh giải cứu Apollo 13 chưa từng có trong lịch sử NASA:
Bước đầu, Houston ra lệnh cho Apollo 13 di chuyển lập tức từ Mô-đun Chỉ huy Odyssey (nơi có bình oxy vừa phát nổ) sang Mô-đun Mặt Trăng Aquarius.
Theo kế hoạch từ trước đó, Aquarius sẽ không được khởi động cho đến khi 2 phi hành gia sẵn sàng tách khỏi tàu vũ trụ để đáp xuống Mặt Trăng. [Thông thường, chỉ huy sứ mệnh và phi công lái Mô-đun Mặt Trăng sẽ đáp xuống vệ tinh, còn phi công Mô-đun Chỉ huy sẽ ở lại quỹ đạo Mặt Trăng].
Nhưng, trước sự cố \”ngàn cân treo sợ tóc\” này, Aquarius buộc phải mang theo cả 3 phi hành gia; cung cấp dưỡng khí và năng lượng cho cả 3 trong vòng 90 giờ, cho đến khi họ có thể chuyển trở lại Mô-đun Chỉ huy Odyssey bị hư hại để tái nhập vào bầu khí quyển của Trái Đất (vì Aquarius không có lá chắn nhiệt, nên nếu mô-đun này lao vào bầu khí quyển Trái Đất sẽ chẳng khác nào ngọn đuốc khổng lồ).
Sau khi họ thực hiện một vụ cháy quan trọng để điều hướng tàu vũ trụ quay trở lại Trái Đất, phi hành đoàn đã tắt tất cả các hệ thống không quan trọng trên tàu vũ trụ để giảm mức tiêu thụ năng lượng và cắt giảm mức tiêu thụ nước của họ thấp nhất, để có đủ nước làm mát cho Aquarius.
Tại mặt đất, Giám đốc sứ mệnh Gene Kranz đã chuyển sự tập trung sang nhiệm vụ làm thế nào để phân phối năng lượng và nước đủ cho phi hành đoàn và tàu vũ trụ trong hành trình trở về Trái Đất.
Vấn đề tiếp tục phát sinh khi Aquarius có thể cung cấp đủ oxy cho phi hành đoàn, nhưng cùng lúc đó lượng khí CO2 cũng tăng lên. Bài toán được các kỹ sư NASA mặt đất giải quyết bằng \”hộp thư\” tự chế. Dụng cụ ngẫu hứng này chứa lithium hydroxit (LiOH) lấy từ Mô-đun Chỉ huy, có khả năng lọc CO2 khỏi Aquarius.
Phòng Mission Control tại mặt đất làm việc bất kể ngày đêm để hỗ trợ giải cứu phi hành đoàn Apollo 13. Ảnh chụp ngày 13/4/1970. Nguồn: NASA
Các thành viên khác trong phòng Mission Control làm việc ngày đêm để hỗ trợ phi hành đoàn Apollo 13.
Trải qua 90 giờ sinh tử, phi hành đoàn Apollo 13 đã có chuyến trở về Trái Đất đầy khó khăn. Dù sinh mạng được bảo toàn nhưng toàn bộ phi hành đoàn bị sụt cân, thiếu nước và phi công của Aquarius là Fred W. Haise, Jr. bị nhiễm trùng thận. Dầu vậy, Aquarius nhỏ bé đã hoàn thành sứ mệnh không tưởng của nó, bảo vệ thành công cả 3 người trước khi tách ra khỏi tàu vũ trụ và rơi vô định vào bầu khí quyển Trái Đất.
Ngày 17/4/1970, sau khi các kỹ sư ở Houston thành công trong việc cung cấp năng lượng cho Odyssey trở lại, phi hành đoàn đã chuẩn bị cho giai đoạn cuối của hành trình đến Trái Đất bằng cách tách khỏi Mô-đun Aquarius. Nó đã hoàn thành sứ mệnh có 1-0-2 đưa cả đoàn trở về Trái Đất an toàn.
Cuối cùng, vào lúc 11:53 sáng cùng ngày, phần còn lại của tàu vũ trụ Apollo 13 đã quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất, chạm xuống Thái Bình Dương.
Vì có rất nhiều kinh nghiệm quý giá đã đạt được trong quá trình giải cứu 3 phi hành gia của Apollo 13, NASA đã xếp Sứ mệnh Apollo 13 là một thất bại thành công. Bắt đầu từ nhiệm vụ Apollo 14, mỗi tàu vũ trụ sẽ được cung cấp thêm pin cũng như bình oxy dự trữ thứ ba để cung cấp không khí cho các phi hành gia. Hơn 8 nhiệm vụ Apollo về sau không có sự cố nào tương tự xảy ra nữa.
Phi hành đoàn Apollo 13 sau khi rơi xuống Thái Bình Dương đang chờ tàu cứu hộ. Ảnh: Time Life Pictures / NASA / The LIFE Picture Collection / Getty
Một sự cố không mong muốn khác xảy ra đối với Trái Đất sau sứ mệnh Apollo 13 là: Trong phần còn lại của Apollo 13 rơi xuống đại dương có một máy phát nhiệt điện đồng vị phóng xạ (RTG). RTG chứa 3,9 kg chất phóng xạ plutonium-238 đã chìm xuống vùng Tây Nam Thái Bình Dương, cụ thể tại Rãnh Tonga sâu từ 6000 đến 9000 mét, với lượng phóng xạ khổng lồ có thể tồn tại trong vài nghìn năm.
Bất cứ thứ gì còn lại của Apollo 13, sau khi rơi xuống bầu khí quyển Trái Đất, sẽ được tìm thấy tại nơi an nghỉ của nó gần 10 km dưới những con sóng trong Rãnh Tonga. Hy vọng rằng, lượng phóng xạ gần 4kg này sẽ không rò rỉ ra đại đương.
Đối với các phi hành gia của Apollo 13, phi công lái Mô-đun Mặt Trăng ngày nào Fred W. Haise, Jr. về sau được giao nhiệm vụ chỉ huy sứ mệnh Mặt Trăng Apollo 19. (Tuy nhiên, sứ mệnh này và 2 sứ mệnh Apollo khác đã bị hủy do ngân sách thiếu hụt của NASA). Về sau, ông là phi công lái chiếc tàu con thoi Enterprise trong các chuyến bay thử nghiệm.
Năm 1994, phi công Mô-đun Chỉ huy (mật danh Odyssey) là John L. Swigert, Jr. được bầu vào Quốc hội. Tuy nhiên, trước khi làm nghị sĩ, ông đã mất vì bệnh ung thư xương.
Cùng năm 1994, chỉ huy sứ mệnh Apollo 13 ngày nào là James A. Lovell, Jr. đã cùng nhà báo Jeffrey Kluger viết một cuốn sách về chính sự nghiệp vũ trụ của Lovell, chủ yếu tập trung vào các sự kiện của sứ mệnh Apollo 13. Cuốn sách có tên \”Lost Moon: The Perilous Voyage of Apollo 13\” (Houghton Mifflin, 1994) đã trở thành nguồn cảm hứng của bộ phim \”Apollo 13\” (1995) với sự tham gia của nam tài tử Hollywood nổi tiếng Tom Hanks. Bộ phim đã giành được hai giải Oscar và được quay với sự hợp tác của NASA.
Lễ kỷ niệm 50 năm sứ mệnh Apollo 13 sẽ được NASA tổ chức vào ngày 11/4/2020.
Bài viết sử dụng nguồn: History, NASA, Space.Com