21/04/1989: Sinh viên bắt đầu biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn

21/04/1989: Sinh viên bắt đầu biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn

\"\"

Nguồn: Chinese students begin protests at Tiananmen SquareHistory.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1989, sáu ngày sau cái chết của Hồ Diệu Bang, nhà lãnh đạo có tư tưởng cải cách của Đảng Cộng sản Trung Quốc, khoảng 100.000 sinh viên đã tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh để tưởng nhớ ông và bày tỏ sự bất bình với chính quyền Trung Quốc. Ngày hôm sau, trong buổi lễ tưởng niệm Hồ Diệu Bang được tổ chức tại Đại Lễ đường Nhân dân cạnh Quảng  trường Thiên An Môn, đại diện nhóm sinh viên đã mang theo đơn kiến nghị, quỳ tại bậc thang Đại lễ đường và yêu cầu được gặp Thủ tướng Lý Bằng. Chính phủ Trung Quốc từ chối cuộc gặp này, dẫn đến cuộc bãi khóa của nhiều trường đại học trên khắp đất nước, cùng với đó là lời kêu gọi cải cách dân chủ rộng rãi.

Phớt lờ những cảnh báo của chính phủ về việc sẽ đàn áp bạo lực bất kỳ cuộc biểu tình rầm rộ nào, sinh viên từ hơn 40 trường đại học đã bắt đầu tuần hành đến Thiên An Môn kể từ ngày 27/04. Tham gia với họ còn có nhiều công nhân, trí thức và viên chức, và đến giữa tháng 5, đã có hơn một triệu người biểu tình tại quảng trường nơi Mao Trạch Đông từng tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949.

Ngày 20/05, chính phủ chính thức tuyên bố thiết quân luật ở Bắc Kinh; quân đội và xe tăng được điều tới để giải tán người biểu tình. Tuy nhiên, rất nhiều sinh viên và người dân đã chặn đường đoàn quân, và đến ngày 23/05, các lực lượng của chính phủ buộc phải rút về ngoại ô Bắc Kinh.

Sang ngày 03/06, khi đàm phán nhằm chấm dứt biểu tình rơi vào bế tắc và các lời kêu gọi cải cách dân chủ ngày một leo thang, quân đội đã nhận được lệnh từ chính phủ Trung Quốc: phải giành lại Thiên An Môn bằng mọi giá. Đến cuối ngày hôm sau, quân đội Trung Quốc đã dùng vũ lực “dọn sạch” Quảng trường Thiên An Môn và đường phố Bắc Kinh, làm chết hàng trăm người biểu tình và bắt giữ hàng ngàn người biểu tình cùng những người nghi bất đồng chính kiến khác. Trong những tuần sau cuộc đàn áp của chính phủ, một số lượng chưa xác định các nhà bất đồng chính kiến đã bị xử tử, và các nhà lãnh đạo cứng rắn đã siết chặt việc kiểm soát đất nước.

Cộng đồng quốc tế đã phẫn nộ trước sự kiện này, các lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ và các quốc gia khác áp đặt đã khiến nền kinh tế Trung Quốc rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, đến cuối năm 1990, thương mại quốc tế đã hoạt động trở lại, một phần nhờ vào việc Trung Quốc trả tự do cho hàng trăm nhà bất đồng chính kiến.

Bài Liên Quan

Leave a Comment