Kiến Nghị của “Những Nạn Nhân COVID-19 Wuhan Toàn Cầu” đòi điều tra Trung Quốc và bồi thường
Tường An
2020-04-29
Hình minh hoạ. Một bức hình chụp Chủ tịch Tập Cận Bình theo tranh biếm hoạ của hoạ sĩ Rebel Pepper trên tường trong một cuộc biểu tình ở Hong Kong hôm 26/4/2020 ReutersKiến Nghị của “Những Nạn Nhân COVID-19 Wuhan Toàn Cầu” đòi điều tra Trung Quốc và bồi thương00:00/06:19
Hàng chục cá nhân là những người Việt Nam ở trong và ngoài nước đã tham gia soạn thảo một kiến nghị được công bố hôm 30/4/2020, yêu cầu quốc tế điều tra Trung Quốc về dịch bệnh COVID-19 và có những bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân.
Dịch bệnh COVID-19 gây ra bởi virus corona chủng mới, xuất phát từ thành phố Vũ Hán (Wuhan) – Trung Quốc vào cuối năm ngoái đã nhanh chóng lan ra toàn thế giới trong vài tháng. Tính đến nay toàn cầu đã ghi nhận khoảng hơn 3 triệu người nhiễm bệnh và hơn 200.000 ca tử vong.
Bản kiến nghị mở trên mạng để thu thập chữ ký, hướng tới Liên Hiệp Quốc, các toà án quốc tế, dân biểu quốc hội các quốc gia, các tổ chức nhân quyền và dân sự.
Bản kiến nghị cáo buộc Bắc Kinh đã che giấu thông tin về dịch bệnh, ngăn cản các điều tra quốc tế về dịch bệnh và chậm chạp trong phản ứng đối phó. Cộng thêm vào đó là sự chậm trễ trong phản ứng của Tổ chức Y tế Thế giới.
Tất cả những điều này đã “khiến người dân toàn cầu phải chịu những hậu quả nặng nề do virus Vũ Hán gây nên và khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng, đe doạ cuộc sống của hàng triệu người khác trên toàn thế giới”, bản kiến nghị có đoạn viết.
“Các quốc gia và nạn nhân trực tiếp cũng như gián tiếp (của dịch bệnh COVID-19) đang nghi ngờ và muốn biết nguyên nhân thực sự và có một cuộc điều tra”, trích kiến nghị.
Từ giữa tháng 2, một số người Việt gồm nhiều đại diện các tôn giáo, hội đoàn, tổ chức từ Việt Nam ra đến hải ngoại đã cùng ngồi lại với nhau để soạn thảo một Kiến Nghị Thư nhằm tố cáo tội ác do Trung Quốc gây ra qua đại dịch COVID-19. Đại diện cho Văn Phòng Liên Lạc các Hội Đoàn Người Việt tại Pháp, ông Nguyễn Sơn Hà cho biết :
“Đại dịch COVID19 đã gây tê liệt toàn cầu, vì lý do đó, chúng tôi đã phối hợp toàn cầu với nhau : từ Á châu, Úc, Mỹ, Canada, Âu Châu và Việt Nam. Chúng tôi đều đồng ý rằng chúng ta đều là nạn nhân, người Việt chúng ta cần phải hành động một cái gì đó. Các anh em liên lạc với nhau, tất cả cùng đồng ý làm một cái gạch nối để phát động chương trình làm một thỉnh nguyện thư, không chỉ riêng cho người Việt Nam, mà cho tất cả các nạn nhân trực tiếp và gián tiếp trên toàn thế giới”
Ông Nguyễn Văn Bon, Chủ tịch Cộng đồng người Việt Tự Do Liên bang Úc Châu, tham gia kiến nghị thư nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do:
“Cái thứ nhất, chúng ta đòi phải minh bạch : nguồn gốc nó xảy ra từ đâu. Thứ hai, khi đã xác nhận nguồn gốc rồi thì ai chịu trách nhiệm ? Và kế đến ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại đó ? Như quý vị thấy, Thủ tướng Úc đứng ra kêu gọi một cuộc điều tra độc lập, đòi phải minh bạch việc này. Một lá phiếu dân chủ để tạo nên một cái thế, một sức mạnh để cho một quốc gia hay đại diện của một tổ chức nào đó học phải làm tròn trách nhiệm, bồn phận theo ý nguyện của người dân. Tôi nghĩ rằng đây là một công việc có ý nghĩa, không phải chỉ riêng người Việt Nam mà những ai có một giá trị nhân bản đều phải làm cả”
Trước khi có kiến nghị thư của cộng đồng người Việt đòi điều tra Trung Quốc về dịch bệnh COVID-19, nhiều lãnh đạo và dân biểu các quốc gia phương Tây bao gồm Mỹ, Đức, Pháp, Úc, đã lên tiếng bày tỏ sự nghi ngờ về sự minh bạch thông tin dịch bệnh COVID-19 của Trung Quốc. Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm 21/4 đã có cuộc điện đàm với một loạt các lãnh đạo các nước Mỹ, Pháp, Đức để hối thúc một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus corona chủng mới.
Hai tiểu bang Missouri và Mississippi của Hoa Kỳ mới đây cũng đã nộp đơn kiện Bắc Kinh vì làm sai lệch thông tin dịch bệnh, yêu cầu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm trước những thiệt hại về người và kinh tế ở các tiểu bang này.
Hình minh hoạ. Nhân viên sân bay kiểm tra hàng đến từ Trung Quốc bao gồm khẩu trang tại sân bay ở thành phố Nice, Pháp hôm 13/4/2020 AFP
Từ Nam California, chuyên về Legal Analyst (Phân Tích/Nghiên Cứu về Luật trong các vụ án) cho Học viện SeaLaw Institute, luật sư Vũ Đức Văn chia sẻ:
“Cá nhân tôi đã tham dự trong một cái tinh thần là một nạn nhân của dịch bệnh corona virus. Bởi vì thứ nhất là tôi đã mất công ăn việc làm suốt hơn 2 tháng qua và chịu nhiều hệ liệt của tất cả những sự mất việc làm đó, gia đình chúng tôi phải chịu mất hết tất cả những tự do riêng tư trong gia đình, phải mất hết tất cả sự tự do đi lại, phải mất hết nguồn kinh tế sống hàng ngày. Chúng tôi là những nạn nhân.
Tôi nghĩ Pétition này mang tính chất giáo dục, truyền đạt một thông điệp đến tất cả những nạn nhân, những người phải chịu ảnh hưởng của corona virus. Một thông điệp để gửi đến tất cả những người dân trên toàn thế giới này ai cũng thấy mình là nạn nhân chứ không phải là người bàng quan đứng nhìn. Vì thế chúng tôi vẫn nghĩ rằng cái thông điệp đầu tiên lúc này là để vận động ý thức của toàn dân trên toàn cầu cùng đứng lại với nhau để tạo được một tiếng nói chúng cho những người có trách nhiệm gây ra đại dịch này phải chịu trách nhiệm về lương tâm, về pháp luật trước công luận quốc tế”
Ngoài việc gây ra hàng trăm ngàn cái chết và đưa thế giới vào cơn khủng hoảng kinh tế, Trung quốc còn vô trách nhiệm trong việc cung cấp trang thiết bị y tế hay các kit xét nghiệm virus COVID19 chất lượng không đảm bảo. Cũng theo luật sư Vũ Đức Văn các tổ chức vẫn có thể kiện các công ty Trung quốc về những thiệt hại này :
“Rõ ràng tất cả những cái sự dối trá về thương mại, những cái vô đạo đức của công ty thương mại của chính quyền Trung Hoa, nó rơi vào cái diều khoản gọi là Commercal Activity, được ghi trong đạo luật miễn trừ mà không tính đến. Hiện thời các vấn đề đó đã được ghi vào cái đơn kiện của tiểu bang Missouri và tiểu bang Mississippi”
Trong những tuần qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã phải trả lại các thiết bị y tế do Trung Quốc cung cấp trong đại dịch do chất lượng không đảm bảo. Chính phủ Anh mới đây đã đòi Trung Quốc phải trả lại tiền cho khoảng 3,5 triệu bộ xét nghiệm kháng thể mua từ Trung Quốc do phát hiện lỗi. Một loạt các nước Châu Âu trước đó cũng báo cáo các hàng khẩu trang, xét nghiệm mua từ Trung Quốc bị lỗi.
Trước những cáo buộc từ phương Tây, Bắc Kinh nhiều lần khẳng định nước này luôn đảm bảo minh bạch thông tin và sẵn sàng hợp tác với các nước trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Mới đây, Đại sứ Trung Quốc tại Úc là Thành Cạnh Nghiệp đã gọi những kêu gọi điều tra Trung Quốc là “nguy hiểm”, và doạ tẩy chay Úc nếu Canberra yêu cầu mở cuộc điều tra.