Chuly sưu tầm
Bên dòng Tchépone.
Nguyên Tấn Hưng.
Nó là một nhánh nhỏ từ sông Mekong, ngoằn ngoèo qua chiều ngang nước Lào, rồi dọc theo biên giới Lào Việt? Hay từ nhiều khe trên núi hợp thành? Tôi dốt Địa lý, không biết cái đoạn sông tôi từng xuôi chơi trên chiếc thuyền nhỏ, đi bộ băng qua nhiều lần khi nước cạn, là chỗ nào trên bản đồ, cuối cùng cũng chỉ đoán nó ở đâu đó gần Lao Bảo. Một dòng sông ẩn sâu trong rừng núi đến nỗi không có được cái tên trên bản đồ thế giới, nhưng đối với tôi, nó là hình ảnh rõ nét nhất trong các dòng sông kỷ niệm còn lưu giữ.
Từ ngày còn nhỏ tôi biết mình đa cảm, có lẽ vì đa cảm nên cũng đa tình. Thời đó tình yêu còn êm đềm lãng mạn, những mối tình nồng nhiệt lắm cũng chỉ bùng cháy trong lòng thôi, chứ bên ngoài thì nhiều lắm là những lời e ấp, nói không hết câu, với ánh mắt dịu dàng ẩn nét thương thương, vậy là đủ cho một mối tình đáng ghi nhớ trong đời rồi, có ước mơ thì chỉ như nhà thơ Đinh Hùng “mộng dưới hoa”; những câu “anh yêu em” chỉ có thể thấy ở những dòng phụ đề Việt ngữ trong phim, người tình ngày đó không cần những lời lẽ nghèo nàn như vậy. Tám năm quân ngũ tôi đi nhiều nơi, yêu nhiều người, trong đó có một hình ảnh mà sau này luôn nhắc nhớ mỗi khi tôi lang thang trong vùng kỷ niệm, dù chúng tôi gặp nhau chỉ chừng mươi lần. Hình ảnh khó quên không phải vì người đó có nét gì đặc biệt, cũng không phải vì đó là người tôi yêu nhiều nhất, điều này chắc chắn là không phải, không thể “nhất” được vì tôi chưa bao giờ yêu ai nhiều “thứ nhì”. Có lẽ hình ảnh khác biệt vì đó là một cô gái Lào, cô gái có đôi mắt tròn sáng mà trong ký ức tôi, hình ảnh cô gái luôn hiện trên nền rừng xanh êm ả, bên dòng Tchépone mơ màng.
Trong thời quân ngũ tôi ăn tết Khe sanh hai lần, năm mới ra trường và năm Mậu Thân. Khác với lần sau, khi chiến trường đã ác liệt với những cảnh địa ngục trần gian, lần đầu tôi đến Khe sanh là vùng rừng núi của Thiên đàng với hoa cà phê thơm ngát, khói tỏa bên các mái nhà sàn, đồi núi thơ mộng hai bên đường đèo im vắng, những chiếc cầu sắt lát gỗ cao trên các dòng suối chảy tràn qua những tảng đá đen bóng, với dòng sông hiền hòa êm trôi dưới tàn lá rủ.
Vừa bước xuống phi trường, hình ảnh trận đánh cận chiến trong đêm đen như mực ở Ba lòng đã rời khỏi tâm trí tôi, khung cảnh ở đây cho tôi cảm giác bình yên hoang dã. Có phải vì cái khung cảnh như thơ này làm tôi bay bổng, muốn tìm một hình ảnh lãng mạn chăng? Dù sao năm đó tôi chỉ là một cậu bé mới lớn trong bộ quân phục sĩ quan, lòng còn đầy ắp những câu thơ Lưu Trọng Lư, Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa…
Nhiều chiến hữu khi đặt chân tới Khe sanh, than thở như bị lưu đày, nhưng tôi lại thấy như một đặc ân, những ngày đó tôi được xa rời “cõi đời ô trọc”. Bọn lính tráng chúng tôi chẳng có gì quan trọng để làm ngoài việc ăn uống, ngủ, rong chơi ngắm nắng tràn trên đỉnh đồi, mây chiều như tranh vẽ lên nền trời xanh, cả những ngày mưa bay cũng chẳng ai mong sớm dứt, súng chỉ để bắn cá dưới suối.
Mấy ngày đầu tôi cùng vài anh lính đi lang thang vào các làng Thượng, nhìn họ sinh sống hoặc trao đổi gạo muối lấy gà, trứng… Khi đã thuộc lòng những làng đó, chúng tôi vào làng người Lào, đó là Bản Phường, bản được gọi Phường cũ vì bên kia sông Tchépone, phần đất Lào có một Bản Phường khác, gọi là Phường mới. Ở đây chúng tôi không đổi chác gì, chỉ tới thăm hỏi, chuyện vãn với dân làng. Từ khi quen biết, tôi trở lại làng này gần như mỗi ngày, mọi người ở đây đối xử dịu dàng thân thiện như trong gia đình. Tôi thường đến thăm một “nghệ nhân” lớn tuổi, tôi thích gặp ông vì những tác phẩm tạo hình rất hoang sơ của ông. Có thể nếu sống ở một thành phố nào đó thì tác phẩm ông đã khác, ở đây ông chỉ có những chất liệu tự nhiên: gốc cây khô, rễ tre già, vỏ bầu… thường được làm màu nâu đen bóng bằng cách hun khói bếp, tất cả chỉ để tự thưởng thức, và tặng người yêu thích chúng. Dù vậy những tác phẩm đó thật sự lôi cuốn tôi, nó làm ngôi làng nhỏ bé bên sông thêm nét lãng mạn.
Một buổi sáng như thường ngày, vào Bản Phường, bước vào nhà người nghệ sĩ, tôi gặp một người khách lạ mỉm cười cúi chào, cô gái khoảng mười bảy trong chiếc xiêm xanh áo trắng, đang ngồi với con gái ông. Đã lâu quá rồi, giờ tôi không còn nhớ cảm giác tôi lúc đó, mà ngay lúc đó chắc tôi cũng chẳng thể biết nó ra sao, cảm giác khi gặp được hình ảnh tôi chờ đợi từ ngày đến Thiên đàng này. Cô gái sáng rực giữa chốn hoang sơ thơ mộng, nụ cười hồn nhiên tươi mát, đôi mắt trong như ẩn chứa cả rừng cổ tích thần tiên.
Tôi vụng về thốt lời chào hỏi, nhưng cô gái chỉ cười. Cô Phà, con gái người nghệ sĩ cho tôi biết là cô bạn không biết tiếng Việt. Người Lào ở Phường cũ đều nói được tiếng Việt, nhưng ở Phường mới chỉ người lớn tuổi mới biết, họ ít khi qua sông vào Việt nam. Phà làm thông ngôn, tôi được biết bạn Phà là Tà Keo, nhà ở bên kia sông Tchépone, bản Phường mới. Sau này tôi mới hiểu Tà Keo tiếng Lào nghĩa là “người Việt”, có lẽ cha mẹ đặt tên vậy vì thấy cô đẹp như người Việt chăng? (nhiều người Lào cho là người Việt đẹp). Hôm đó tôi ra về vui hơn mọi ngày, tôi cảm thấy đã có được hình ảnh cuối cùng đầy đủ cho một bức tranh Thiên đàng.
Về đơn vị tôi hỏi và biết có một người lính nói sành tiếng Lào, tôi nhờ anh ta dạy. Tôi chỉ học nói, bằng cách ghi phiên âm những từ thông dụng. Ngôn ngữ Lào cũng loại độc âm như tiếng Việt, ngữ pháp không khác gì, nên tôi học khá nhanh, chỉ một tuần tôi có thể nói nhiều câu giản dị, đủ chào hỏi, xã giao với những con người mộc mạc như dân bản Phường. Với vốn liếng ngôn ngữ một tuần chăm chỉ, tôi rủ một người lính vào bản Phường cũ, quá giang, tìm bản Phường mới.
Xuôi hạ lưu, theo đường mòn bờ sông vài mươi phút chúng tôi gặp ngôi chùa bản Phường mới. Biết là ngôi chùa nhờ tôi nhìn thấy hai vị sư mặc áo vàng, với quả chuông đồng lớn, chứ hình dáng không giống những ngôi chùa tôi từng thấy, đó là một ngôi nhà sàn lớn tọa lạc giữa khoảng sân rộng đất đỏ, bên những cây cổ thụ im lìm, không bóng khách thập phương. Hai vị sư ngồi nhàn nhã trên hành lang, giữa không gian tịch mịch đầy ánh nắng.
Không dám khuấy động không khí tĩnh lặng, chúng tôi đi sâu vào làng, hỏi thăm nhà Tà Keo. Ngôi làng không có ranh giới với rừng hoang, hăm lăm ngôi nhà sàn rải rác trên vùng đất rộng, giữa các nhà là sân, đường mòn với các hàng cây. Thỉnh thoảng gặp dân làng, mọi người nghe hỏi thăm Tà Keo đều nhiệt tình chỉ đường, có người nói tiếng Việt, người nói tiếng Lào, ai cũng vui vẻ thân thiện.
Đó là một buổi viếng thăm đầy bất ngờ đối với gia đình và cả Tà Keo. Gia đình Tà Keo có cách cư xử thật dễ chịu: Nhà chỉ có cha mẹ với Keo, sau dăm ba câu xã giao, hai ông bà có việc ra ngoài, để con gái tiếp khách. Về sau tôi nghe mấy người lính từng quen tập quán người Lào nói họ luôn như vậy, khách đến nhà thăm con gái là niềm vui của gia đình, họ thường ra khỏi nhà cho khách tự nhiên, tôi thấy đúng như những lần sau đến thăm Keo.
Từ khi biết nhà Tà Keo, tôi ít có thời gian đi thăm những nơi khác nữa. Lần sau tôi được chỉ đường đi tiện hơn, đi đường bộ qua cầu biên giới, đến đúng bản Phường mới, lội qua sông. Đoạn sông này nước cạn vì có đá cuội kín đáy, lúc nước đầy thì ngang thắt lưng, cạn thì chỗ sâu nhất chỉ đến đầu gối, vì vậy mỗi khi đến gặp Tà Keo tôi ướt sũng.
Ngày đó tôi khờ khạo quá. Đối với tôi những chuyến đi chơi như vậy là hứng thú phiêu lưu, thêm nét lãng mạn cho những ngày sống với núi rừng thơ mộng, nhưng với Tà Keo, một cô gái ngây thơ mới lớn, hình ảnh một chàng trai đến thăm mình phải băng rừng lội suối như vậy thì làm sao khỏi xúc động? Thật là một lỗi lầm lớn của tôi, nhưng tôi chưa dừng lại ở đó.
Sau nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện giữa khung cảnh nên thơ yên vắng, rì rào tiếng gió nhẹ, sóng xa, chắc chắn là tôi thật sự có yêu cô gái, nhưng cái tình cảm yêu thương của tôi lúc đó là tình yêu mơ mộng, chỉ là nhớ mong, rồi tìm đến để được gặp mặt, chứ không hề nghĩ gì hơn nữa, làm như cô gái chỉ là một đóa hoa, không có ước muốn, không biết hy vọng. Đã vậy tôi còn độc ác, đúng ra là một lỗi lầm, nhưng thật khó tha thứ. Có lẽ nguyên nhân là vì cái vốn tiếng Lào của tôi nghèo nàn quá, chỉ một ít từ ngữ giản dị, làm sao nói được nhiều điều? Học được bao nhiêu tôi đã mang ra “thực tập” gần hết, mà cái động từ đầu tiên tôi học lại chưa nói lần nào! Vậy là trong một thoáng bồng bột, không suy nghĩ, tôi thốt ra cái câu vô duyên mà thời đó người tình chẳng cần nói nên lời!
Đối với cô gái mười bảy tuổi, sống hồn nhiên giữa những con người chân thật, thì câu tỏ tình như vậy nó quan trọng dường nào. Tôi nói câu tỏ tình với một tinh thần vô trách nhiệm, chỉ như quét một nét sơn lên bức tranh chơi cho đẹp, nhưng đối với cô gái thì đó là lời cầu hôn! Về sau khi nhớ lại bản Phường, tôi nhận thấy ở đó chỉ có người lớn tuổi với trẻ con, ngoài Tà Keo không thấy ai là thanh niên thiếu nữ, thì ra ở tuổi đó con trai đã rời nơi hẻo lánh để đi làm xa hoặc nhập ngũ, con gái đã theo chồng. Chắc năm đó Tà Keo đang chờ người trong mộng đến mang mình đi. Câu tỏ tình của tôi có lẽ là đoạn đẹp nhất trong giấc mơ cô gái. Tà Keo cúi xuống, má ửng hồng, không nhìn tôi, cô gái nhỏ nhẹ bằng cái ngôn ngữ giản dị của tôi: “Anh cưới em đi!”.
Một câu đề nghị ngoài chờ đợi của tôi, nhưng chính tôi đã dẫn tình trạng đến chỗ này! Tôi không biết phải tiếp tục câu chuyện thế nào, cũng chẳng thể im lặng mãi. Hình như tôi vẫn chưa cảm nhận hết sự nghiêm trọng, lại tiếp tục sai lầm, tôi hỏi: “Anh phải làm sao để cưới em? Anh dẫn cha mẹ đến, mua một con trâu với hai mươi lăm con gà. Để làm gì vậy? Để đãi làng”.
Tôi thấy thương cô gái quá và tự trách mình. Tất nhiên là khi thốt lên câu tỏ tình thô thiển đó tôi hoàn toàn không lừa dối, nhưng tôi không suy xét sau câu nói thì sự việc đến đâu. Tôi chưa chuẩn bị một cuộc sống gia đình, không thể mang vợ theo khắp chiến trường, cũng không thể để vợ ở nơi nào đó chờ chồng như hòn vọng phu. Trong khi cô gái đang dệt mộng thì tôi xấu hổ, ân hận vì câu nói vô trách nhiệm của mình. Tôi không dám nói đó là việc không thể thực hiện, cả hai im lặng, cô gái chờ đợi, tôi lúng túng. Cuối cùng tôi hẹn sẽ trở lại, cô gái tiễn tôi ra cửa như mọi khi, mỉm cười mắt long lanh, đứng trên sàn nhà nhìn theo tôi đến khuất sau tàn cây.
Hôm sau tôi đi chợ Khe sanh, một người bạn giới thiệu một bạn mới, anh ta nói chắc chúng tôi sẽ hợp nhau lắm. Quả thật tôi với Giác gặp nhau là thân ngay, về sau tôi biết Giác chính là nhân vật “Người về từ cõi chết” của Nguyên Vũ. (Nhưng sau này Giác đã “chết từ chỗ sống”, bị bắn tỉa tại Bà rịa). Chúng tôi cùng khóa, cùng tuổi, cùng lãng mạn, háo thắng. Từ ngày gặïp nhau, những ngày ở Khe sanh chúng tôi ít khi rời nhau, về sau gặp lại ở Huế và về Sàigòn cũng vậy. Nơi rừng núi thơ mộng đó, mọi câu chuyện chúng tôi đều xảy ra bên những chai bia, rượu đế, rượu thuốc, vì vậy tôi ít thời gian tỉnh táo để ray rứt về lỗi lầm của mình.
Nhưng rồi tôi không thể trốn mãi câu trả lời, và có lẽ thâm tâm tôi không muốn câu chuyện bên dòng Tchépone thiếu đoạn kết. Tôi trở lại bản Phường sau gần hai tháng “chạy trốn”.
Tôi theo đường cũ, đi bộ qua cầu biên giới, lội qua sông, rồi bước lên bờ mà trong lòng vẫn chưa biết mình sẽ nói gì với cô gái. Hai vị sư vẫn ngồi nhàn nhã giữa không gian tĩnh mịch. Qua chùa một đoạn tôi gặp hai người đàn bà lớn tuổi, tôi chào dù không nhớ đã gặp họ chưa, hai bà chào rồi cười nói: “Tà Keo sắp lấy chồng rồi!” Họ cũng biết đùa, tôi cười đi tiếp. Một đoạn lại gặp dân làng, chào nhau xong lại có người nói: “Tà Keo sắp lấy chồng rồi!” Vậy là không phải họ đùa? Không biết lúc đó cảm giác tôi ra sao, nghĩ gì. Tôi mừng cho cô gái, hay có nuối tiếc? Khó tưởng tượng là tôi vui được. Tôi bước tiếp bằng những bước đi khó kiểm soát.
Nơi yên tĩnh này tiếng hót một con chim sâu cũng vang rất xa, có lẽ những câu đối đáp như vậy loang xa lắm, những lần trước khi sắp đến nhà Tà Keo là tôi luôn thấy cô đã ra ngoài đón tôi rồi, nhưng hôm đó nhà im vắng như không người. Tôi gọi Tà Keo, không tiếng trả lời. Bước lên bậc thang vào tận cửa tôi mới thấy Tà Keo đang ngồi trên sàn quay tơ, lần đầu tiên tôi thấy cô làm việc này. Keo không ngước nhìn, không chào, không pha trà, tay quay đều như không biết có khách. Tôi nhẹ nhàng ngồi xuống ghế, im lặng. Một lúc sau tôi hỏi: “Em sắp lấy chồng hả? Dạ phải. Ai vậy? Lính Lào.” Cô gái nói mà vẫn không ngước nhìn tôi, nét mặt không một cảm xúc rõ ràng, hình như là một cố gắng đè nén, sự cố gắng quá sức một cô gái ngây thơ nơi hoang sơ này, nó toát ra ngoài, xâm chiếm toàn thân tôi. Một nỗi buồn đau, tổn thương trầm trọng. Cả hai im lặng chịu đựng, hơi thở tôi như ngừng lại, cô gái vẫn quay đều tay. Phải chi tôi không phải là một sĩ quan đang mang trách nhiệm, phải chi tôi là người sinh ra nơi hẻo lánh này?
Sự yên lặng nghẹt thở không chịu nổi, tôi lên tiếng, lại thêm một câu không đáng nói chút nào: “Em có thương anh không?” Như đến lúc phải tuôn ra nỗi oán trách, nhưng Tà Keo vẫn nhỏ nhẹ bằng ngôn ngữ giản dị của tôi: “Em thương anh mà anh không thương em!”
Biết nói sao, làm sao một cô gái suy nghĩ giản dị ngây thơ như Tà Keo có thể tin một người thương yêu người ta mà không hỏi cưới? Tôi thấy ngượng nghịu, không thể tha thứ cho mình. Dù sao tôi là một người tuổi trưởng thành, cũng có chút dạn dày sương gió rồi, sao nỡ đùa giỡn với tấm lòng trong trắng chân thật như vậy? Cả hai chúng tôi im lặng rất lâu như đẫm mình trong nỗi buồn, không gian vẫn trong vắt vắng lặng, thoang thoảng tiếng sóng xa đưa theo gió nhẹ, vài tiếng hót một con chim đâu đó càng làm ngôi làng thêm hoang vắng.
Cuối cùng tôi chào về, Tà Keo không trả lời, không ngước nhìn, không tiễn đưa. Tôi lững thững bước xuống thang, đầu trống rỗng hướng về bờ sông. Trời xế chiều, chúng tôi đã ngồi yên quên giờ cơm. Gần đến chùa, cổ họng tôi tự nhiên muốn hét lớn lên, không thể kìm chế, tôi hét lên. Trời ơi! Cái câu vô duyên đó nói nhỏ đã chẳng hay ho gì rồi, mà có ai trên đời lại la um sùm lên như vậy? Tôi la lên: “Tà Keo ơi! Anh yêu em…”
Có tiếng mấy người đàn bà cười lập lại tiếng hét của tôi: “Ai hắc noòng lai! Ai hắc noòng lai!…”. Tôi rất quí dân làng, nhưng thật tình tôi thấy mấy tiếng cười đó không đúng lúc chút nào.
Chiều hôm đó nước sông chảy dữ dội hơn mọi ngày, đường về dài hơn. Mấy người lính lấy làm lạ thấy tôi đi chơi về vẻ không vui. Tôi đi thẳng đến chỗ ngủ, cởi giày, để nguyên quần áo, kéo chăn trùm kín đầu. Họ gọi ăn cơm, tôi giả vờ ngủ say.
Nguyên Tấn Hưng, Khóa 16 Thủ Dức.