Sau APEC đến lượt G20 bị cuộc đọ sức Mỹ-Trung chi phối

Sau APEC đến lượt G20 bị cuộc đọ sức Mỹ-Trung chi phối

 
\"\"

Tổng thống Donald Trump phát biểu tại lễ ký hiệp định tự do mậu dịch Mỹ-Canada-Mêhicô, tại Buenos Aires, Achentina, ngày 30/11/2018. REUTERS/Kevin Lamarque

 

(Trọng Nghỉa / RFA)  –  Thượng đỉnh G20 khai mạc vào hôm nay 30/11/2018 tại thủ đô Achentina, nhưng mọi người đang chờ đợi kết quả cuộc đàm phán giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị.
Mong đợi của các nước là hai cường quốc đạt được một thỏa thuận nào đó để xuống thang tranh chấp thương mại, nhưng căn cứ vào các động thái gần đây nhất của tổng thống Mỹ, khả năng đó bị cho là khá xa vời.
Cuộc tiếp xúc giữa hai ông Trump và Tập vào ngày mai 01/12 rất quan trọng vì đây là lần đầu tiên mà lãnh đạo hai cường quốc kinh tế nhất và nhì thế giới gặp nhau, kể từ khi Washington áp đặt thuế quan trên 250 tỷ đô la hàng nhập từ Trung Quốc và Bắc Kinh đã trả đũa.
Trung Quốc từng hy vọng là có thể thuyết phục được ông Trump ngừng leo thang cuộc chiến, nhưng hy vọng này gần đây đã trở nên khá mong manh với một loạt tuyên bố cứng rắn của tổng thống Mỹ.
Chỉ vài ngày trước khi lên đường tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Achentina, ôngTrump cho biết mức thuế quan hiện hành là 10% trên 200 tỷ đô la hàng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng theo kế hoạch vào đầu năm tới, lên thành 25%.

Ông đồng thời đe dọa đánh thuế tiếp lên lượng hàng nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc trị giá 267 tỷ đô la.
.

Và hôm qua, ngay trước khi lên máy bay qua Achentina, tổng thống Mỹ đã tuyên bố mập mờ với các phóng viên là chính Trung Quốc mới là bên tìm kiếm thỏa thuận với Mỹ, chứ ông « không biết là có nên thỏa thuận không ».
Quan điểm cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc còn thể hiện qua việc ông Navarro, cố vấn thương mại rất chống Trung Quốc của ông Trump, thoạt đầu không có tên trong bữa ăn tối mà tổng thống Mỹ khoản đãi ông Tập Cận Bình, sau cùng sẽ có mặt trong đoàn Mỹ.
Trong bối cảnh đó, rõ ràng nếu muốn thuyết phục Washington đừng tăng tỷ lệ thuế quan từ 10 lên 25% vào ngày 01/01/2019, ông Tập Cận Bình sẽ phải có những nhượng bộ đáng kể.
Trước mắt, Bắc Kinh vẫn duy trì một giọng điệu cứng rắn, cho thấy là họ không quỵ lụy Washington. Nhật báo Anh Ngữ China Daily, cơ quan ngôn luận đối ngoại của Bắc Kinh, hôm nay đã cho rằng Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận tại Áchentina, nhưng với điều kiện là Mỹ phải chừng mực trong đàm phán nhằm giảm nhiệt.
Quan điểm này từng được đại sứ Trung Quốc tại Washington nêu bật hôm thứ Ba vừa qua khi ông cho biết là Trung Quốc đến hội nghị G20 với hy vọng đạt được một thỏa thuận với Mỹ, nhưng ông cũng cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng nếu các « thành phần cứng rắn » tại Mỹ cứ chia rẽ hai nước.
Theo ông Thôi Thiên Khải, Trung Quốc và Mỹ có trách nhiệm hợp tác với nhau vì lợi ích của nền kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh kể trên, giới chuyên gia phân tích không mấy lạc quan về triển vọng thỏa thuận Mỹ-Trung tại G20.
Theo chuyên gia Julian Evans-Pritchard thuộc hãng tham vấn Capital Economics : « Kịch bản nhiều khả năng nhất là ông Tập Cận Bình không nhượng bộ đủ, do đó cuộc họp ở G20 sẽ không có kết quả ».
Cùng phân tích như trên, bà Valérie Mercer-Blackman, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á cho rằng « Mỹ và Trung Quốc vẫn còn cách xa nhau trong các vấn đề dẫn đến tranh chấp thương mại. Vì vậy, chúng tôi không quá lạc quan ».
Theo chuyên gia này, « bất đồng hai bên đã sâu sắc đến mức không đồng ý được với nhau tại cuộc họp APEC… Từ đó đến nay, hai bên dường như không có thêm đề xuất cụ thể nào để hóa giải ». Do vậy, khả năng hai ông Trump, Tập thỏa thuận được với nhau ở G20 là điều khó thể tưởng tượng.
Nguồn: RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment