Làm sao kiện Trung Quốc vì khủng hoảng đại địch virus corona?

Làm sao kiện Trung Quốc vì khủng hoảng đại địch virus corona?

Đăng ngày: 18/05/2020

\"Các
Các báo lớn tại Pháp ngày 18/05/2020 dành nhiều sự chú ý vào sự kiện Tổ Chức Y Tế Thế Giới bắt đầu họp đại hội đồng với tâm điểm vẫn là Trung Quốc, nơi xuất phát dịch bệnh. Covid-19. AFP/Archivos

Anh Vũ

Đại dịch virus corona và những hậu quả nhiều mặt, vẫn là đề tài chính trên các báo Pháp ra hôm nay 18/05/2020. Các báo lớn dành nhiều sự chú ý vào sự kiện Tổ Chức Y Tế Thế Giới bắt đầu họp đại hội đồng với tâm điểm chú ý vẫn là Trung Quốc, nơi xuất phát dịch bệnh Covid-19.

Trang thế giới của nhật báo Libération có bài: \”Điều tra của  WHO: Trung Quốc bị chỉ mặt\” cho thấy trong trận đại dịch này, Bắc Kinh đang ngày càng bị tấn công nhiều mặt. Đi đầu là Hoa Kỳ với những cáo buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm làm lây lan virus corona.  Và đây sẽ là một trong những vấn đề gây tranh cãi trong phiên họp đại hội đồng của WHO, bắt đầu từ hôm nay.

Tờ báo  ghi nhận: \”Cả thế giới mong đợi một cuộc điều tra lớn về xử lý khủng hoảng dịch Covid-19. Sau nhiều tuần bị áp lực từ mọi phía, hôm 08/05 Trung Quốc cuối cùng đã chấp nhận về nguyên tắc cuộc điều tra \’đánh giá tình hình\’ dưới sự bảo trợ của Tổ Chức Y Tế Thế Giới\”.  Thế nhưng Bắc Kinh vẫn cố gỡ gạc nói rằng cuộc điều tra này phải diễn ra vào thời điểm thích hợp là sau đại dịch và bước tiến hành phải được các cấp điều hành của WHO thông qua trước và thủ tục này không chỉ nhằm vào riêng Trung Quốc mà liên quan đến cả cách xử lý khủng hoảng ở mọi nước.

Tờ báo cho biết \”nhiều tuần qua, chính quyền Trump, các nghị sĩ, luật sư Mỹ và nhiều chính phủ các nước khác, nhiều định chế, chuyên gia tổ chức xã hội dân sự đã lên tiếng chỉ trách nhiệm thuộc về chính quyền Trung Quốc. Người này thì muốn tìm ra thủ phạm, người khác thì hy vọng đòi được Bắc Kinh bồi thường và có những người cũng chỉ muốn rút ra những bài học từ trận đại dịch Covid-19\”. Tất cả các cáo buộc đều cho rằng Bắc Kinh đã cố tình che đậy nạn dịch ngay từ đầu.

Cơ sở pháp lý nào để kiện Trung Quốc ?

Nhưng Libération đặt câu hỏi: Cấp cơ quan có thẩm quyền nào có thể tiếp nhận vụ kiện vừa mang tính pháp lý nhưng đồng thời cũng mang tính chính trị này?

\”Tội ác về y tế\” không tồn tại trong hệ thống pháp lý quốc tế, mà WHO cũng không có cấp pháp lý nào để phán xử. Tuy nhiên tờ báo nhận thấy trong thời gian xảy ra đại dịch, nhiều lần Tòa Hình Sự Quốc Tế La Haye (CPI) được nhắc đến như là định chế có thể tiếp nhận vụ kiện Trung Quốc này.

Trong quá khứ gần đây CPI cũng đã tiếp nhận nhiều hồ sơ kiện theo hướng đó nhưng chỉ phán xử các cá nhân về tội ác diệt chủng, chiến tranh hay chống nhân loại, CPI không có thẩm quyền và cũng không thể chứng minh được chế độ Trung Quốc có ý đồ gây hại cho thế giới trong nạn dịch này.

Có một định chế pháp lý khác cũng đóng tại La Haye là Tòa Công Lý Quốc Tế (CIJ) của Liên Hiệp Quốc, nhưng Tòa chỉ phân xử các bất đồng giữa các quốc gia. Về khả năng này, các chuyên gia luật quốc tế được Libération trích dẫn cũng đánh giá là không khả thi vì sẽ không có nước nào đối mặt với Trung Quốc đứng ra kiện vì biết đâu có ngày trận dịch khác bùng phát ở nước mình.

Mặc dù không có cấp thẩm quyền nào thì có một văn bản khung có thể làm cơ sở cho các thủ tục pháp lý trong trường hợp dịch Covid: Quy Định Y Tế Quốc Tế (RSI) của WHO.  Đó là văn bản luật ra 2005 nhằm \”phòng chống các bệnh dịch lây lan trên phạm vi quốc tế, hành động tránh trở ngại cho thông thương quốc tế\”.

Trong một báo cáo hồi đầu tháng Tư, liên quan đến dịch virus corona công ty tư vấn Anh Quốc Henry Jackson Society (HJS) ghi nhận: \”Nếu, trong trận dịch này, đảng Cộng Sản Trung Quốc đã hoàn thành nghĩa vụ theo RSI, phần lớn tai họa hiện nay đã có thể tránh được. Nhưng dường như đảng Cộng Sản Trung Quốc đã không rút ra bài học từ dịch SARS (2002-2003)\”. Các luật gia đều cho rằng, trên phương diện Nhà nước, Trung Quốc thực tế đã không tuân thủ các nghĩa vụ ghi trong Quy Định Y Tế Quốc Tế.

Dù các tố cáo về trách nhiệm của Trung Quốc trong trận dịch Covid-19, vào đòi bồi thường thiệt hại đã có nhiều từ giới chính trị hay các tổ chức xã hội dân sự, đặc biệt ở Mỹ, nhưng không đơn giản để có được phán quyết pháp lý nhằm vào Trung Quốc.

Theo Libération chỉ còn lại giải pháp là một nước hay một nhóm nước đơn phương trừng phạt theo kiểu như đã làm với Nga sau vụ sáp nhập Crimée 2014. Ở khía cạnh này, tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa bắt Bắc Kinh phải trả giá bằng các đòn áp thuế vào hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.

Đài Loan đi tìm chỗ đứng trong WHO

Cũng tại đại hội đồng của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, một vấn đề gai góc  được dư luận quan tâm đó là tư cách thành viên trong WHO mà Đài Loan đấu tranh để có.

Hòn đảo ly khai từ năm 1949 và luôn bị Hoa Lục coi là 1 tỉnh này đang tìm kiếm một cơ hội để khẳng định vị thế một quốc gia thực thụ trong một định chế quốc tế, qua đại dịch Covid-19.

Với bài báo: \”WHO : Đài Loan thách thức Bắc Kinh giữa lúc Trung –Mỹ đọ sức\”, Le Figaro ghi nhận: \”Một Đài Loan nhỏ bé, dân chủ , tấm gương ứng phó với Covid-19, đang thách thức một nước Trung Quốc chuyên chế, với việc đòi có được vị trí quan sát viên tại Tổ Chức Y Tế Thế Giới\”. Đòi hỏi của Đài Loan được My ủng hộ tất nhiên khiến Bắc Kinh bực tức.

Từ đầu trận dịch này, đảo Đài Loan với 23 triệu dân, chỉ có 440 ca nhiễm và 7 trường hợp tử vong. Đây là một thành công đáng để cho nhiều nước lớn học hỏi. Nhưng Bắc Kinh thì không hề hài lòng khi họ đang mở chiến dịch tán dương thành tích xử lý khủng hoảng virus corona, nhằm che khuất các cáo buộc về trách nhiệm để dịch lây lan khắp thế giới.

Chuyên gia Mathieu Duchâtel, phụ trách khu vực châu Á Viện Montaigne của Pháp phân tích: \”Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã tặng cho Đài Loan một không gian quốc tế ngoài mong đợi từ cuối thế kỷ 20. Đó là điều mà Bắc Kinh lo lắng\”. Trong cuộc đấu tranh này Đài Loan có được sự ủng hộ của đồng minh Mỹ.

Tuy nhiên cuộc chiến ngoại giao của Đài Loan rất gay go, kết quả dường như đã biết trước. Tổng giám đốc của WHO không có quyền mời Đài Loan vào tổ chức mà quyền quyết định thuộc các thành viên tham gia đại hội. Mà các thành viên thì hầu hết đều bị Bắc Kinh khống chế bằng các mối quan hệ làm ăn hay ngoại giao.

Mặc dù vậy, Le Figaro ghi nhận đây là một \”thách thức lịch sử\” cho Đài Loan. Không có chân trong Liên Hiệp Quốc, nếu được hưởng quy chế quan sát viên của một tổ chức quốc tế như WHO thì Đài Bắc có quyền được chia sẻ thông tin về đại dịch. Từ 2009 đến 2016, Bắc Kinh đã nhượng bộ cho chính quyền Mã Anh Cửu, được cho là thân Bắc Kinh, được hưởng quy chế này, nhưng đến thời bà Thái Anh Văn, người chủ trương độc lập cho Đài Loan, thì Bắc Kinh ngay lập tức gây sức ép để đẩy Đài Loan ra khỏi WHO. Với Bắc Kinh, điều kiện duy nhất để Đài Loan gia nhập WHO là thừa nhận thỏa thuận 1992, tức là phải tôn trọng nguyên tắc 1 nước Trung Quốc, điều mà chính quyền của bà Thái Anh Văn không thể chấp nhận.

Vậy là \”thách thức lịch sử đã đẩy 23 triệu dân hòn đảo ra bên lề của con đường sức khỏe giữa đại dịch\”, Le Figaro kết luận.

Covid-19 : Cuộc chiến y tế – địa chính trị

Cũng liên quan đến mặt trận ngoại giao y tế, nhật báo La Croix có bài \”Trận chiến chống virus corona cũng là trận chiến địa chính trị\”.

Bài viết ghi nhận một thực tế đang diễn ra trong trận dịch Covid-19 này là một số nguyên thủ quốc gia như Donald Trump hay Emmanuel Macron, không còn ngại nhảy vào mặt trận các cuộc thử nghiệm lâm sàng trị Covid-19. Lý do là vì vấn đề điều trị hay vac-xin mang những thách thức được mất về địa chính trị rất lớn, không riêng với Pháp, Mỹ mà với cả nhiều nước lớn khác, trong đó phải kể đến cả Trung Quốc.

Bên ngoài, ai cũng hô hào các nhà khoa học thế giới phải phối hợp hành động để đẩy lùi virus corona. Nhìn chung thì các nhà khoa học cũng đã có chia sẻ các nghiên cứu của mình. Nhưng thực chất bên trong đang diễn ra cuộc cạnh tranh giành giật các thành tựu nghiên cứu về cho nước mình.

Tờ báo nhấn mạnh, không phải ngẫu nhiên mà một số nguyên thủ quốc gia thường hay thay vị trí của các bác sĩ hay các nhà khoa học để thông báo tiến triển từng bước liệu pháp chữa trị bệnh hay nghiên cứu vac-xin,

Đến giờ chưa thể nói thành công khoa học đẩy lùi đại dịch Covid-19 thuộc về ai, nhưng có điều chắc chắn nước nào triển khai đầu tiên sản xuất vac-xin phòng ngừa virus corona sẽ có được uy tín quốc tế rất lớn, chưa nói đến nguồn lợi về tài chính.

La Croix kết luận: \”Một trận chiến để cứu mạng người. Nhưng cũng để giữ hoặc để trở thành cường quốc hàng đầu thế giới, có khả năng cứu vớt phần còn lại của thế giới\”.

Trở lại với trang nhất các báo Pháp

Liberation lấy chủ đề chính: \”Được giảm phong tỏa cũng không dễ gì\”. Tờ báo lấy ý kiến của nhiều người dân sau khi gỡ bỏ phong tỏa cho thấy, trong khi mà một phần đông dân Pháp tìm lại được niềm vui tự do đi lại, thì một số không ít lại tỏ ra khó khăn khi được giải tỏa vì nỗi lo sợ dịch bệnh bên ngoài và có phần tiếc nuối nhịp sống chậm trong phong tỏa vì Covid-19. Giờ họ đang lại phải dần dần thích ứng với cuộc sống tự do.

Le Monde chú ý đến mối liên hệ giữa nhập cư với các thầy thuốc tham gia chống đại dịch. Tờ báo dẫn các số liệu thống kê mới đây ở nhiều nước cho thấy: Hơn 1/4 các bác sĩ ở các nước thuộc Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OCDE) là người nhập cư. Những thầy thuốc nhập cư này trên tuyến đầu chống Covid 19 là một đội ngũ cốt tử của hệ thống y tế của các nước giàu. Con số cho thấy các nước giàu có thiếu nhân sự y tế nhưng đồng thời đang làm cạn nguồn lực của các nước nghèo.

Bài Liên Quan

Leave a Comment