Thư kêu gọi TT Trump thúc giục Việt Nam ngừng đàn áp nhóm tổ chức thăm dò kiện Trung Quốc về Biển Đông
03/06/2020
Nhiều tổ chức và cá nhân quan ngại việc chính phủ Việt Nam đàn áp và đe doạ một số lãnh đạo tôn giáo tổ chức cuộc thăm dò dư luận về việc kiện Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông đang chuẩn bị gửi một bức thư chung tới Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi ông thúc giục chính phủ Cộng sản Việt Nam ngừng hành động này.
Bốn tổ chức tôn giáo độc lập cùng hai tổ chức ủng hộ dân chủ đã khởi xướng một cuộc thăm dò ý kiến trên mạng xã hội về việc Việt Nam có nên kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế hay không liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông. Tuy nhiên, theo lá thư gửi tới Tổng thống Trump, chính phủ Việt Nam đã chặn người dân truy cập cuộc thăm dò và những người tham gia ý kiến đã bị hăm doạ.
“Lợi dụng đại dịch virus corona, Trung Quốc mưu toan dứt điểm Biển Đông bằng các hành động bán quân sự và chính trị nhằm ép Việt Nam phải từ bỏ các quyền lãnh thổ,” lá thư viết.
Trung Quốc trong hơn 2 tháng qua đã tiến hành nhiều hoạt động khiến Việt Nam lo ngại, gồm đâm chìm tàu cá Việt Nam, công bố “tên tiêu chuẩn” cho hàng chục đảo đá và thực thể địa lý trên Biển Đông sau khi tuyên bố thành lập “quận Tây Sa” và “quận đảo Nam Sa”, và gần đây nhất là trồng và thu hoạch rau ở Hoàng Sa, làm sự xung đột giữa Hà Nội và Bắc Kinh tăng cao.
Chính phủ Mỹ, gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Ngoại trưởng Mike Pompeo cùng một số quan chức cấp cao, đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc lợi dụng đại dịch, do virus bắt nguồn từ Vũ Hán gây ra, để tiến hành các hoạt động bành trướng trên Biển Đông.
Đã có khoảng 400.000 lượt người dân Việt Nam tham gia biểu quyết trong cuộc thăm dò dư luận nói trên, được khởi xướng hôm 2/5, với tỷ lệ áp đảo 95% ủng hộ việc theo đuổi các hành động pháp lý chống lại Trung Quốc.
Tuy nhiên “những lãnh đạo tôn giáo tham gia tổ chức cuộc thăm dò này đã bị đe doạ và bị vu khống một cách công khai,” các tổ chức viết trong bức thư và cho biết rằng “Chánh trị sự Hứa Phi của đạo Cao Đài, cũng là đồng chủ tịch Hội đồng Liên Tôn Việt Nam, đã bày tỏ những lo ngại cho sự an nguy của ông” khi “chính phủ Cộng sản Việt Nam liên tiếp ngăn chặn sự tiếp cận tới cuộc thăm dò” trong lúc “những người tham gia bị hăm doạ.”
“Chúng tôi khiêm nhường yêu cầu rằng (Tổng thống Trump) thay mặt các nhà lãnh đạo tôn giáo và những người tham gia cuộc trưng cầu dân ý này,” bức thư viết. “Sự ủng hộ của ông đối với tự do tôn giáo và quyền tự quyết của người dân sẽ giúp đảm bảo an toàn cho những người đang thực hiện các quyền cơ bản và làm nghĩa vụ công dân cần thiết của họ.”
Bác sỹ Nguyễn Quốc Hưng, thành viên của một trong các nhóm khởi xướng cuộc thăm dò, cho VOA biết bức thư sẽ được gửi tới Tổng thống Trump vào ngày 5/6.
Jubilee Campaign USA, một tổ chức ủng hộ nhân quyền và tự do tôn giáo cho người thiểu số trên toàn thế giới tham gia ký tên vào bức thư gửi Tổng thống Trump, hy vọng việc đàn áp những nhà lãnh đạo và thành viên tôn giáo vì thực thi những quyền dân sự của họ bởi chính phủ Cộng sản Việt Nam sẽ bị chấm dứt.
“Chúng tôi hy vọng rằng chinh quyền (Tổng thống Trump) sẽ hồi đáp và nêu lên quan ngại, như trong được viết trong bức thư, một cách công khai hoặc qua con đường ngoại giao với chính phủ Cộng sản Việt Nam,” Hulda Fahmi, đại diện của Jubilee Campaign nói với VOA.
Ví dụ, theo bà Hulda, trước cuộc bỏ phiếu thông qua hiệp định thương mại Việt Nam-EU hồi tháng 2, Việt Nam đã thả tự do cho hai tù nhân lương tâm sau những vận động mạnh mẽ của các tổ chức phi chính phủ, gồm cả BPSOS và văn phòng Jubilee Campaign ở Hà Lan đối với các thành viên nghị viện châu Âu.
“Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là sự công nhận đầy đủ đối với các tổ chức tôn giáo độc lập ở Việt Nam,” bà Hulda nói. “Tuy nhiên đây chưa phải là một thực tế và những người theo tôn giáo vẫn bị nhắm mục tiêu vì đức tin của họ. Đảm bảo được rằng các nhà lãnh đạo và thành viên tôn giáo có thể tham gia các quy trình chính trị ở đất nước của họ mà không phải đối mặt với sự đàn áp của chính phủ là một bước đi đúng hướng.”
Trong tháng trước, một lá thư chung, do Liên minh Bảo vệ Tự do Quốc tế (ADF International) và Uỷ ban Cứu trợ Thuyền nhân (BPSOS) khởi xướng, cũng được gửi tới Tổng thống Trump nhằm gây áp lực lên chính quyền Hà Nội để giải quyết tình trạng “vô tổ quốc” của người Hmong và người Tây Nguyên theo đạo Tin lành trong bối cảnh Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 25 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao.