Việt Nam nhọc nhằn gia tăng sức mạnh hải quân

Việt Nam nhọc nhằn gia tăng sức mạnh hải quân

.
\"media\"
.
Hải quân Việt Nam trang bị sáu tàu ngầm lớp Kilo 636.(naval-technology.com)
.
Hai trận « hải chiến » trong quá khứ đã để lại cho Việt Nam hai bài học đau đớn. Chính quyền Việt Nam ý thức được rằng phải tăng cường sức mạnh hải quân. Thế nhưng, Hà Nội thực hiện những nỗ lực hiện đại hóa hải quân một cách vất vả nhằm đối phó với những đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc. Trên đây là nhận xét của tạp chí Défense & Sécurité Internationale (DSI – Quốc Phòng và Anh Ninh Quốc Tế).
Hai bài học xương máu
Đầu tiên hết, tạp chí nhắc lại hai trận hải chiến đẫm máu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trận hải chiến thứ nhất hay còn gọi là « trận chiến Hoàng Sa » xảy ra ngày 19/01/1974 giữa lực lượng hải quân Nam Việt Nam và Trung Quốc. Phía Nam Việt Nam muốn giành lại quyền kiểm soát đảo Quang Hòa (Duncan) thuộc quần đảo Hoàng Sa, mà chế độ miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ khẳng định chủ quyền nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng « bất hợp pháp ».
Trận chiến kéo dài vỏn vẹn trong vòng 40 phút, kết thúc với thất bại nặng nề của lực lượng Nam Việt Nam: 53 người chết, 16 bị thương và 43 người bị bắt làm tù binh, trong khi phía Trung Quốc chỉ mất 18 binh sĩ và 43 người bị thương.
Thứ hai là trận hải chiến Trường Sa, xảy ra ngày 14/03/1988, giữa Trung Quốc và Việt Nam để giành quyền kiểm soát bãi đá Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma. Kết quả phía Việt Nam giữ được hai bãi đá, nhưng mất bãi Gạc Ma. Trong trận chiến này, Hà Nội mất đến 64 binh sĩ và hai đội tầu chiến.

Tăng cường hỏa lực

Đối với Việt Nam, hai trận hải chiến này là hai bài học xương máu, chỉ vì thiếu hỏa lực. Năm 1990, Việt Nam đã cho ngưng hoạt động hai chiếc tầu chiến cũ kỹ có từ thời Đệ Nhị Thế Chiến – một chiếc có tải trọng 2500 tấn và chiếc khác có tải trọng 1500 tấn – của hải quân miền Nam Việt Nam.
Hai chiếc tầu này được thay thế bằng 5 chiếc Petya của Nga, những chiến hạm lớp ASM tải trọng 1100 tấn, được thiết kế từ những năm 1960. Vấn đề chủ yếu đối với Hà Nội chính là khả năng tài chính và do vậy phải đợi đến năm 2005 các cuộc thương lượng mới được khởi động với Matxcơva về việc mua hai chiếc tầu hộ tống lớp Gepard 3.9, tải trọng 2100 tấn, được trang bị 8 tên lửa chống hạm SS-N-25. Cả hai chiếc tầu này lần lượt được đưa vào hoạt động năm 2010 và 2011.
Sau đó Việt Nam tiếp tục đặt hàng với Nga thêm 4 chiếc khác: Hai chiếc vào năm 2011, đã được đưa vào hoạt động hồi tháng 2/2018 và hai chiếc khác năm 2014, hiện vẫn còn đang trong quá trình đóng ráp. Song song đó, Việt Nam còn đặt mua nhiều loại tầu chống hạm loại nhỏ cũng như là tầu tuần tra, cho phép cải thiện các năng lực tác chiến đã có từ trước cũng như dựa vào đội tầu tuần tra phóng ngư lôi Turya và phóng tên lửa Osa.
Đó chính là trường hợp đối với 12 chiếc lớp Tarantul phóng tên lửa (trong đó có nhiều chiếc Tarantul V được lắp ráp tại Việt Nam); một chiếc tầu tuần tra phóng tên lửa BPS-500 có tải trọng 520 tấn, cũng được đóng tại Việt Nam dưới sự trợ giúp của Nga; rồi 6 chiếc tuần tra Svetlyak đã được đưa vào phục vụ từ năm 2002, cũng như là 6 chiếc tuần tra khác TTP-400TP được thiết kế với sự hỗ trợ của Ukraina, hoạt động từ năm 2012.
Vũ khí và năng lực tác chiến: Đôi đũa lệch?
Nếu như sức mạnh của hải quân của Việt Nam đã được tăng cường, thì yếu tố chính giúp gia tăng sức mạnh là đội tầu ngầm. Hà Nội đặt mua sáu chiếc tầu ngầm lớp Kilo 636 với Nga năm 2009, trong đó hai chiếc đầu tiên đã được đưa vào sử dụng năm 2014 và hai chiếc mới giao gần đây là vào tháng Hai năm 2017. Hợp đồng mua này còn trở nên quan trọng hơn với thông báo năm 2015 đặt hàng 50 tên lửa hành trình tấn công trên bộ 3M14E.
Việc trang bị các loại vũ khí nói trên nhằm răn đe. Nhưng vấn đề đặt ra là liệu Việt Nam có thể sử dụng hiệu quả các loại vũ khí mới này – qua đó nâng cao khả năng răn đe – hay không. Bởi vì chưa có một quốc gia nào lại nhanh chóng trang bị nhiều tàu ngầm đến như vậy và các tàu này lại được lắp đặt thêm tên lửa hành trình.
Đương nhiên, Nga và Ấn Độ hỗ trợ mạnh mẽ cho Việt Nam, nhưng việc phát triển các chiến thuật phù hợp sẽ còn tùy thuộc vào hải quân của một nước mới bắt đầu làm chủ được các kỹ thuật cơ bản về hoạt động của tàu ngầm. Do vậy, về lâu dài, việc có được khả năng thiết lập vùng cấm là một thách thức đối với Việt Nam.
Nguồn: RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment