Thượng đỉnh EU-TQ không đạt được tuyên bố chung
Thượng đỉnh đầu tiên giữa một lớp lãnh đạo châu Âu mới với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình mang lại rất ít kết quả, thậm chí không ra được một tuyên bố chung, theo New York Times.
Tại một cuộc họp thượng đỉnh hôm thứ Hai (22/6), Liên minh châu Âu (EU) đã khẩn thiết đề nghị các nhà lãnh đạo Trung Quốc nỗ lực nhiều hơn trong các cuộc đàm phán đang bế tắc để đạt được một thỏa thuận đầu tư và thương mại, một vấn đề ngày càng làm phiền lòng 27 thành viên EU.
Nhưng lời đề nghị này dường như không được Trung Quốc đáp lại, khi nước này thắt chặt kiểm soát nền kinh tế trong nước và trở nên hiếu chiến hơn trong quan hệ với các cường quốc phương Tây.
Sự nhạy cảm của Trung Quốc về nguồn gốc của virus corona, các động thái của họ với Hong Kong và chính sách ngoại giao hiếu chiến là các chủ đề chính của cuộc họp thượng đỉnh. Việc họp qua video cũng làm giảm khả năng đàm phán hoặc truyền tải các thông điệp thầm lặng.
Do đó, cuộc họp thượng định, vốn đã bị hoãn lại từ cuối tháng Ba, không có khả năng tạo ra một bước đột phá để đưa ra được một hiệp ước đầu tư. Lớp lãnh đạo mới của châu Âu, bao gồm Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng Charles Michel, dù không kỳ vọng nhiều vào cuộc họp nhưng vẫn thất vọng.
EU ban đầu thảo luận với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, sau đó với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Bà Ursula von der Leyen kêu gọi sự \’tập trung cao độ\’ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nói rằng:
\”Chúng ta tiếp tục có một mối quan hệ thương mại và đầu tư không cân bằng, với rất ít tiến triển trong thực hiện các cam kết năm ngoái của Bắc Kinh về tiếp cận thị trường. Chúng ta cần khẩn cấp thực hiện các cam kết này và chúng ta cũng cần phía Trung Quốc quyết tâm hơn để kết thúc các cuộc đàm phán bằng một thỏa thuận đầu tư.\”
Giới chức châu Âu cho biết, các cuộc đàm phán ít nhất có thể tạo ra một số động lực để phá vỡ sự bế tắc trong các vấn đề từ trợ cấp chính phủ và chuyển giao công nghệ tới biến đổi khí hậu và cơ hội bình đẳng cho các công ty châu Âu. Nhưng triển vọng đã trở nên khó khăn hơn khi Chủ tịch Tập Cận Bình thắt chặt kiểm soát xã hội và nền kinh tế.
Các cuộc đàm phán hôm thứ Hai không đưa ra được một tuyên bố chung, chính phủ Trung Quốc cũng không đồng ý tổ chức cuộc họp báo chung nào.
Hai nhà lãnh đạo châu Âu nói rằng họ đã bày tỏ mối quan ngại về việc Trung Quốc đàn áp người Uighur (Duy Ngô Nhĩ) và áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hong Kong. Bà von der Leyen đe dọa rằng Trung Quốc có nguy cơ đối mặt với những hậu quả \”rất tiêu cực nhưng\” nhưng không nói rõ hậu quả gì.
Không có bất kỳ gợi ý nào về các biện pháp trừng phạt chống lại Bắc Kinh, nên điều không thể tránh được là sẽ chẳng có hậu quả nào. Trong số các thành viên của EU, chỉ có Thụy Điển đề xuất các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với Trung Quốc nếu họ tiến hành luật an ninh ở Hong Kong.
Trong vài năm qua, người châu Âu đã trở nên ít lý tưởng hơn về Trung Quốc, ủng hộ quá trình sàng lọc đầu tư cho các quốc gia thành viên là tự nguyện nhưng điều này cũng đưa ra một thông điệp. Châu Âu đã cảnh báo về các khoản đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng quan trọng và việc các công ty tiềm năng của Trung Quốc tiếp quản các công ty quan trọng chiến lược, đặc biệt khi hiện nay một số công ty gặp khó khăn do đại dịch virus corona.
Đồng thời, châu Âu cũng cẩn thận để không bị coi là ủng hộ Tổng thống Trump trong quan điểm đối đầu với Trung Quốc, mà cố gắng tìm cách giữ vị trí trung gian, ngay cả khi châu Âu chia sẻ những quan ngại tương tự.
Bà Theresa Fallon, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga, Châu Á, Châu Âu, một viện nghiên cứu ở Brussels cho biết, châu Âu luôn nói những điều tương tự và mong đợi mọi thứ sẽ khác đi. Người Trung Quốc \”kéo lê thỏa thuận đầu tư này trong bảy năm và họ sẽ không cho ra một bản thỏa thuận. Bắc Kinh đang tập trung vào sự phân rẽ của châu Âu, tán tỉnh Đức. Đó là một thế giới thương mại được kiểm soát hơn là EU tưởng tượng.\”