Âu-Mỹ có thể có đường lối chung để đối phó với Trung Quốc ?
Trong những ngày qua, quan hệ Trung Quốc – Liên Hiệp Châu Âu được nhắc đến rất nhiều, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc áp đặt luật an ninh mới đối với Hồng Kông. RFI lược dịch bài viết của chuyên gia về Trung Quốc và châu Á, Philippe Le Corre.
Bài viết « Trước cuộc tấn công của Trung Quốc, châu Âu nổi giận » của nhà nghiên cứu hợp tác vớiHarvard Kennedy School và trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc John K. Fairbank Center tại Đại học Harvard được đăng trên trang mạng The Conversation, ngày 07/07/2020.
Từ suốt nhiều tháng qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không ngừng khẳng định rằng họ muốn thiết lập một mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với châu Âu. Thế nhưng, trái với những mong muốn nói trên, dịch bệnh Covid-19 đã đẩy mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Liên Hiệp Châu Âu xuống mức thấp nhất kể từ khi đôi bên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao cách nay 45 năm. Thượng đỉnh thường niên Liên Âu – Trung Quốc diễn ra qua cầu truyền hình vào hôm 22/06/2020, nhưng không có hoạt động kỷ niệm 45 năm như mong chờ.
Trái lại, thượng đỉnh năm nay cho thấy hai bên có những bất đồng không thể hòa giải về các vấn đề như luật an ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh áp đặt đối với Hồng Kông, an ninh mạng và hồ sơ nhân quyền. Liên Âu và Trung Quốc không đạt được bước tiến nào trên mặt trận kinh tế, bởi vì Trung Quốc đã không đáp ứng lời kêu gọi của Bruxelles về việc hoàn tất một thỏa thuận chung về đầu tư, vốn rất cần thiết cho đôi bên và có thể giúp giải quyết các vấn đề về trợ cấp nhà nước và thị trường mua sắm công.
Hợp tác trong các hồ sơ quan trọng khác như biến đổi khí hậu, quản lý toàn cầu (bao gồm việc cải cách Tổ Chức Thương Mại Thế Giới) và phát triển bền vững dường như chỉ hạn chế ở những trao đổi đơn giản bằng lời. Ngay cả sự hợp tác giữa Trung Quốc và Liên Âu để phát triển một loại vac-xin ngừa Covid-19 cũng vẫn chỉ ở mức khiêm tốn.
Khi châu Âu «lên giọng» …
Trong ngày 22/06, sau hội nghị thượng đỉnh, hai bên không có được thông cáo chung mà ra thông cáo riêng. Trong khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh đến việc Trung Quốc « muốn hòa bình chứ không muốn bá quyền », chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen lưu ý rằng « đối với Liên Âu, mối quan hệ với Trung Quốc là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất về mặt chiến lược nhưng cũng là một trong những mối quan hệ phức tạp nhất ». Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu nhấn mạnh mối quan hệ này « không phải dễ dàng ».
Những nhận định nói trên cho thấy châu Âu đã chọn một phương pháp tiếp cận mới với Trung Quốc, mang tính phòng thủ nhiều hơn, thậm chí là xung đột với Bắc Kinh. Trên thực tế, có thể là các nhà lãnh đạo chính trị của Liên Âu không có lựa chọn nào trong giai đoạn hậu Covid-19 này. Công luận châu Âu nhìn nhận Trung Quốc phải chịu trách nhiệm trước hết về mức độ nghiêm trọng của đại dịch. Theo một cuộc khảo sát gần đây, 60% dân Anh và Pháp, 47% người Đức coi chính phủ Trung Quốc là một tác nhân quốc tế tệ hại, và trong giai đoạn đại dịch, quan điểm của họ về chính quyền Bắc Kinh ngày càng tiêu cực.
Nếu như cuộc khủng hoảng tài chính gần đây nhất, hồi năm 2008-2010, đã dẫn đến nhiều vụ thâu tóm của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc ở khu vực Nam Âu, thì lần này, trái lại, các nước châu Âu dường như không còn bị ám ảnh bởi ý tưởng thu hút nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc. Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng không sẵn sàng trong bối cảnh hiện nay, đầu tư của Trung Quốc hiện giờ chỉ chiếm dưới 3% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài ở các nước châu Âu.
Thêm vào đó, những tranh cãi về sự hỗ trợ y tế của Trung Quốc cho các nước Liên Âu vào thời điểm đại dịch bùng phát mạnh nhất ở châu lục này càng làm Liên Âu thêm lúng túng và khiến các nhà lãnh đạo châu Âu thêm cảnh giác trước Bắc Kinh.
Trung Quốc, từ đối tác đến « đối thủ mang tính hệ thống »
Hồi đầu năm nay, các quan chức Liên Hiệp Châu Âu vẫn hy vọng rằng Đức sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo 27 + 1 tại Leipzig với sự tham gia của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cho đến nay, hội nghị thượng đỉnh Leipzig vẫn bị hoãn vô thời hạn.
Lâu nay, mặc dù thi thoảng vẫn chỉ trích nhẹ nhàng Bắc Kinh, nhưng trên hết, thủ tướng Angela Merkel luôn tìm cách hòa hợp với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Đó là vì quan hệ thương mại cân bằng giữa hai nước. Từ nhiều năm nay, nhu cầu nhập khẩu máy móc- thiết bị và xe hơi Đức của Trung Quốc là rất cao và làm gia tăng lợi nhuận của nhiều nhà công nghiệp Đức.
Một số chuyên gia cho rằng thái độ ngập ngừng, miễn cưỡng của thủ tướng Đức trong việc đối đầu với Bắc Kinh có nguy cơ làm suy yếu đà ủng hộ việc triển khai chính sách chung của châu Âu đối với Trung Quốc và duy trì tình trạng không có lợi cho mặt trận chung châu Âu, khi các thành viên Liên Âu chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của mỗi nước.
Tuy nhiên, trong 3 năm qua, Liên Âu cũng đã hướng đến lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Bruxelles muốn có sự phối hợp tốt hơn và chính sách bảo vệ tập thể tốt hơn về các vấn đề kinh tế, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài, trợ cấp nhà nước và chuyển giao công nghệ.
Ủy Ban Châu Âu không chỉ tạo ra một cơ chế mới về sàng lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài, dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 10/2020, mà còn công bố các hướng dẫn về công nghệ 5G, cũng như xuất bản sách trắng về viện trợ nhà nước, đặc biệt là từ các quốc gia ngoài khối. Ngoài ra, Liên Âu cũng đã khởi động một chiến lược kết nối với hy vọng tạo giải pháp thay thế sáng kiến « Vành đai và con đường » của Trung Quốc.
Năm 2019 được nhiều nước coi là một bước ngoặt trong quan hệ song phương của châu Âu và Trung Quốc, với việc công bố văn kiện về chiến lược Liên Âu – Trung Quốc, theo đó Bruxelles coi Trung Quốc là « một đối thủ mang tính hệ thống ».
Thượng đỉnh trực tuyến giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen cuối cùng cũng đã diễn ra, nhưng việc đôi bên không đạt được nhiều bước tiến càng khiến các nhà lãnh đạo châu Âu thất vọng, mặc dù Bắc Kinh đã cho tiến hành một chiến dịch tuyên truyền lớn về các chính sách của Trung Quốc, kể cả về công tác quản lý đại dịch, thông qua các mạng xã hội và các trang web của đại sứ quán Trung Quốc ở các nước châu Âu.
Lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu Josep Borrell đã nhiều lần công khai đề cập đến « cuộc chiến tin đồn » nói trên. Thậm chí ủy ban ngoại giao của châu Âu còn ra một báo cáo đặc biệt về những thông tin thất thiệt. Trong một thông cáo gần đây, bà Ursula von der Leyen còn bóng gió nói về việc Ủy Ban Châu Âu ngày càng lo ngại về « các cuộc tấn công mạng nhắm vào hệ thống máy tính và bệnh viện ».
Liệu có thể có một chính sách xuyên Đại Tây Dương để đối phó với Trung Quốc ?
Ngay cả khi Bruxelles lên giọng hơn khi nói về Trung Quốc, Liên Âu vẫn còn cách xa đường lối rất cứng rắn của chính quyền Donald Trump, bởi vì chính sách của Washington đi kèm với các biện pháp trừng phạt và hạn chế thương mại nhắm vào các công ty Trung Quốc trên lãnh thổ Mỹ, trong đó có tập đoàn Hoa Vi.
Cách nói của Washington có thể không thật phù hợp về mặt ngoại giao, nhưng phản ánh đường lối được cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ của Mỹ ủng hộ, và khiến các đồng minh của Hoa Kỳ, mà đa phần là các nước châu Âu, phải suy nghĩ lại về cách đối phó trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Từ nay đến khi diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020, ít có khả năng Mỹ và châu Âu có những thay đổi lớn về cách đối phó với Bắc Kinh. Nếu ứng viên đảng Dân Chủ Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ, quan hệ Washington – Bruxelles có thể tiến triển để đối thoại về phương pháp đối phó với Trung Quốc, và có thể cuối cùng sẽ đạt được đường lối chung.
Còn về phía Trung Quốc, cuối cùng thì họ cũng sẽ vẫn coi mối quan hệ với Mỹ là ưu tiên số một, điều này giải thích vì sao hiện giờ Bắc Kinh đang giữ thái độ « chờ thời » trong các trao đổi với Liên Âu.
Theo RFI