28/07/1932: Chính quyền Mỹ giải tán các cựu binh đòi tiền thưởng
Nguồn: Bonus Marchers evicted by U.S. Army, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1932, trong cuộc Đại khủng hoảng, Tổng thống Herbert Hoover ra lệnh cho Quân đội Mỹ dưới quyền Tướng Douglas MacArthur phải cưỡng chế trục xuất các cựu binh thuộc nhóm “Tuần hành đòi Tiền thưởng” (Bonus Marchers) khỏi thủ đô của đất nước.
Hai tháng trước, “Lực lượng Viễn chinh đòi Tiền thưởng” (Bonus Expeditionary Force) một nhóm gồm khoảng 1.000 cựu binh trong Thế chiến I yêu cầu được nhận thanh toán tiền mặt cho các chứng nhận tiền thưởng cựu binh của họ, đã đến Washington, D.C. Sang tháng 6, nhiều nhóm cựu binh tự phát khác cũng tụ tập ở thủ đô, nâng số người tuần hành tăng mạnh lên gần 20.000.
Cắm trại trong các tòa nhà chính phủ bị bỏ hoang và trên các bãi cỏ mà Cảnh sát trưởng Quận Columbia Pelham D. Glassford cho phép, họ yêu cầu thông qua dự luật thanh toán cho cựu binh mà Hạ nghị sĩ Wright Patman khởi xướng.
Trong khi chờ đợi một cuộc bỏ phiếu về vấn đề này, các cựu binh đã biểu tình một cách trật tự và hòa bình, và vào ngày 15/06, Dự luật Patman được thông qua tại Hạ viện. Tuy nhiên, hai ngày sau, việc Thượng viện không thông qua dự luật đã khiến những người tuần hành tức giận, từ chối trở về nhà.
Trong một tình huống ngày càng căng thẳng, chính phủ liên bang đã cấp tiền để những người biểu tình về nhà, nhưng 2.000 người đã từ chối lời đề nghị và tiếp tục phản đối. Ngày 28/07, Tổng thống Herbert Hoover ra lệnh cho quân đội cưỡng chế trục xuất họ. Người của tướng MacArthur đã đốt cháy các khu trại, và các cựu binh bị đuổi khỏi thành phố. Hoover, ngày càng bị đánh giá là không nhạy cảm trước nhu cầu của nhóm người nghèo của đất nước, đã bị công chúng và báo chí chỉ trích rất nhiều vì lối phản ứng quá mạnh tay của ông.