Tạp chí Nhân quyền do Hà Nội phát hành chục năm qua, ai đọc?
RFA
2020-07-30
Tạp chí Nhân quyền Việt Nam. Nguồn: VOVTạp chí Nhân quyền do Hà Nội phát hành chục năm qua, ai đọc?00:00/10:01
Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ Việt Nam vào ngày 30/7 đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ra Tạp chí Nhân quyền Việt Nam số đầu tiên.
Theo tin VOV loan đi, Tạp chí Nhân quyền Việt Nam được xem là tạp chí chuyên ngành hàng đầu về quyền con người ở Việt Nam với nhiều bài viết phản ánh thành tựu đảm bảo quyền con người ở Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực. Từ đó đã góp phần tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội, làm cho bạn bè quốc tế hiểu đúng hơn về tình hình nhân quyền Việt Nam.
Bên cạnh đó, những bài viết được đăng tải trên Tạp chí Nhân quyền Việt Nam còn có tính nghiên cứu, phản bác các luận điệu vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch hoặc kết hợp đưa thông tin về tình hình nhân quyền trên thế giới, quan điểm của cộng đồng quốc tế về vấn đề quyền con người để định hướng dư luận…
Trao đổi với RFA tối 30/7, Nhà hoạt động Trần Bang từ Sài Gòn bày tỏ ngạc nhiên về sự việc này:
“Lần đầu tôi nghe có Tạp chí Nhân quyền, điều này tôi rất ngạc nhiên. Chắc giống tất cả những việc đối phó với thế giới, chẳng hạn như về tổ chức xã hội dân sự chẳn hạn. Cũng rất nhiều tổ chức xã hội dân sự do đảng lãnh đạo, dưới sự chỉ đạo của đảng cộng sản Việt Nam và đảng cộng sản Việt Nam lại đứng trên nhà nước Việt Nam nên những tiếng nói đối lập hoặc tiếng nói phản biện thì không có chỗ đứng trong những tổ chức xã hội dân sự độc lập mà chỉ có trong tổ chức xã hội dân sự là cánh tay nối dài. Tất cả báo chí, tạp chí Việt Nam đều dưới sự lãnh đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin – Truyền thông và Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, tất cả đều dưới đảng cộng sản. Tất cả để phù hợp với các tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, các công ước mà đảng cộng sản ký với quốc tế. Tạp chí nhân quyền mà ngay quyền ngôn luận, quyền lập hội không có thì nghe nó hài hước.”
Đồng quan điểm vừa nêu, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội cũng cho biết ông chưa bao giờ đọc Tạp chí Ngân quyền và có lẽ những người Việt Nam cũng chưa bao giờ đọc. Ông nhận định:
“Tôi nghĩ việc của họ là họ cứ phải tuyên truyền. Thực sự nhân quyền ở Việt Nam bây giờ bị vi phạm một cách hết sức trầm trọng nhưng họ luôn luôn nói rằng thành tích nhân quyền của họ rất tốt vì họ đã mang lại xóa đói giảm nghèo cho bao nhiêu triệu người… rồi họ nói người Việt Nam có đủ mọi quyền. Đấy là một cách tuyên truyền thường xuyên của một chế độ độc tài lâu nay vẫn vậy.”
Với kinh nghiệm bản thân từng bị cầm tù vì những bài blog của mình, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, cựu tù nhân nhân quyền, hiện đang ở Sài Gòn cho rằng đây là một bước đi mới của chính phủ Hà Nội để che đi hiện thực trái ngược:
“Họ kỷ niệm 10 năm đặt trong bối cảnh hiện nay thì họ xới xáo vấn đề để cho thấy Việt Nam đang cải thiện nhân quyền nhưng tôi cho rằng điều đó không thể nào đánh lừa bất cứ ai. Vì Tạp chí nhân quyền này ra đời 10 năm mà chưa bao giờ tôi nhìn thấy bằng mắt và cầm trên tay. Điều đó để nói rằng nó không có sức hút vì nó không phản ánh những vấn đề trầm trọng đang diễn ra về nhân quyền tại Việt Nam. Thực tế 10 năm qua thì vấn đề nhân quyền ngày càng xuống dốc thảm hại trên mọi quyền của con người: tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do đi lại… Hiện tờ tạp chí làm chuyện kỉ niệm chẳng qua là hình thức và không thay thế cho nội dung tình trạng mất nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam.”
Vào ngày 11/3, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo công bố báo cáo toàn diện về tình trạng nhân quyền trên toàn thế giới hằng năm. Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục chỉ trích thành tích nhân quyền yếu kém của Việt Nam trong năm 2019 trên một loạt lĩnh vực.
Đến ngày 23/6 vừa qua, báo cáo của một tổ chức phi chính phủ về nhân quyền có tên Dự án 88 (Project 88) với tên gọi Báo cáo 2019 về các tù chính trị và nhà hoạt động có nguy cơ ở Việt Nam cho rằng chính phủ Hà Nội trong năm 2019 đã gia tăng việc đàn áp, kết án tù với nhiều người chỉ vì họ bày tỏ ý kiến một cách ôn hoà trên mạng về các vấn đề kinh tế và xã hội.
Cụ thể, có 41 người ở Việt Nam bị bắt giữ trong năm 2019 vì các hoạt động ôn hoà của họ. Báo cáo của Dự án 88 đánh giá rằng con số này thấp hơn con số 148 người bị bắt giữ trong năm 2018 khi nổ ra những cuộc biểu tình lớn tại nhiều nơi ở Việt Nam để phản đối dự luật Đặc khu và luật An ninh mạng.
Mới đây nhất, 10 tổ chức Xã hội Dân Sự Quốc tế vào ngày 13/7 đã công khai thư ngỏ kêu gọi chính phủ Việt Nam chấm dứt đàn áp giới bất đồng chính kiến, trả tự do cho tù nhân lương tâm và thực thi các cam kết quốc tế về nhân quyền mà Hà Nội ký kết.
Thư ngỏ được ký bởi đại diện 10 tổ chức gồm Ân Xá Quốc tế, Người Bảo vệ Nhân quyền, Các Chương trình về Tự do Biểu đạt của PEN America, Hiệp Hội Các Nhà Xuất bản Quốc tế, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, VOICE, Safeguards Defenders, People In Need, Project 88, Vietnamese Democracy Activist.
Đại diện ký tên của 10 tổ chức vừa nêu bày tỏ lo ngại về biện pháp đàn áp leo thang của chính phủ Việt Nam đối với giới truyền thông độc lập và giới bất đồng chính kiến trước đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến diễn ra vào đầu năm 2021.
Trước tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ đi và bị thế giới chỉ trích, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng mục đích của Tạp chí Nhân quyền mà chính phủ Hà Nội cho ban hành chỉ dành cho chính những người viết ra và một số người trong bộ máy dùng để ca ngợi chế độ.
Còn theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, Tạp chí Nhân quyền Việt Nam mang tính chất giống các tờ báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Tạp chí Cộng sản… tức xuất bản để phát cho những người trong hàng ngũ lãnh đạo nhưng có đọc hay không lại là vấn đề khác.
Ngoài ra, nhà báo Nguyễn Ngọc Già cũng bày tỏ nghi ngờ đối với nội dung Tạp chí Nhân quyền đăng tải liệu có phản ánh đúng thực tế tình hình trong nước hay như những lời báo chí tán thưởng:
“Tôi nhớ ông Nguyễn Văn Hưởng là người đầu tiên viết trên Tạp chí Nhân quyền số ra đầu tiên vào năm 2010 với tư cách Thứ trưởng Bộ Công An. Bài viết có tựa ‘Hãy hiểu đúng về nhân quyền Việt Nam’ thì ngay cách đặt vấn đề của ông Hưởng đã sai rồi vì nhân quyền có giá trị phổ quát chứ không phải nhân quyền Việt Nam. Đồng thời trong bài viết này ông Nguyễn Văn Hưởng đánh đồng vấn đề nhân quyền chỉ có quyền ăn thôi, đó là thú quyền chứ không phải nhân quyền.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng cho rằng người đứng đầu Tạp chí Nhân quyền là ông tướng công an Nguyễn Văn Hưởng, người trùm chà đạp lên nhân quyền mà đi viết về nhân quyền là điều rất trớ trêu!
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng từ 21/5 đến 24/6, chính phủ Hà Nội đã cho bắt giữ hàng loạt các nhà báo độc lập và những người hoạt động dân sự đưa thông tin lên mạng xã hội. Cụ thể gồm Nhà văn Phạm Chí Thành, hay còn gọi là Phạm Thành; nhà báo Nguyễn Tường Thụy – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập; anh Lê Hữu Minh Tuấn – thành viên Hội Nhà Báo Độc Lập; tù nhân đất đai Cấn Thị Thêu cùng hai con trai là Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư và dân oan Nguyễn Thị Tâm.
Do đó, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng nhân quyền ở Việt Nam không thể nào được cải thiện tốt đẹp nếu chế độ độc đảng toàn trị ở Việt Nam vẫn còn tồn tại.
“Mọi lời bào chữa, biện minh của nhà cầm quyền quyền cộng sản Việt Nam không có giá trị trên trường quốc tế và ngay cả trong nội tại nước Việt Nam.”