Lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu họp bất thường về khủng hoảng Belarus
Đăng ngày: 19/08/2020 – 12:02
Anh Vũ3 phút
Hôm nay, 19/08/2020, lãnh đạo 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp phiên bất thường, qua video, để bàn về cuộc khủng hoảng chính trị tại Belarus, từ sau khi tổng thống thống Alexandre Loukachenko tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 6 trong một cuộc bỏ phiếu bị tố cáo là « gian lận », làm dấy lên làn sóng chống chính quyền trên khắp cả nước từ 10 ngày qua.
Trong bối cảnh đó, lãnh đạo đối lập, bà Svetlana Tikhanovskaïa, đối thủ của ông Loukachenko trong cuộc bầu cử vừa diễn ra, hôm nay lên tiếng kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu không công nhận kết quả bầu cử tổng thống Belarus hôm 09/08 mà bà tố cáo là « gian lận ».
Về phần EU, một ngày trước cuộc họp thượng đỉnh, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel đã lần lượt có các cuộc điện đàm với tổng thống Nga Vladimir Putin để thuyết phục Matxcơva gây áp lực với tổng thống Belarus, một đồng minh gần gũi của Nga. Trong khi đó Kremlin một mặt cảnh báo chống lại mọi sự can thiệp từ bên ngoài vào Belarus, mặt khác cân nhắc cách xử lý người đồng minh không còn đáng tin cậy.
Thông tín viên RFI tại Matxcơva Etienne Bouche tường trình :
« Alexandre Loukachenko không đơn độc. Lãnh đạo Belarus quả quyết ông được Nga ủng hộ sẵn sàng trợ giúp quân sự. Cam kết đó nằm trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể OSTC, một liên minh quân sự tập họp 6 quốc gia trong Liên Xô cũ, nhưng cam kết này chỉ có giá trị khi có sự đe dọa từ bên ngoài.
Tại Matxcơva, giới quan sát đánh giá không có khả năng Nga can thiệp vào Belarus. Giới chính trị phân tích tình hình với đầu óc thực dụng là việc duy trì quyền lực của một người như Loukachenko đã mất uy tín, chống lại nhân dân là không khả dĩ. Điện Kremlin đã cảm thấy nản với thái độ trù trừ của Loukachenko khi muốn thúc đẩy Minsk hội nhập chính trị. Kremlin có lẽ cũng khó bỏ qua những cáo buộc của chính ông Loukachenko đưa ra trong chiến dịch tranh cử rằng Nga can thiệp vào nội bộ Belarus.
Có thể Matxcơva bị cám dỗ với việc đặt cược vào một gương mặt khác, có khả năng bảo đảm các lợi ích Nga tại Belarus đó là duy trì tốt quan hệ liên minh chặt chẽ về cả kinh tế cũng như quân sự giữa hai nước.
Trong viễn cảnh đó, chắc hẳn Nga hy vọng có kịch bản tương tự như đã diễn ra ở Acmeni. Tức là việc chuyển tiếp chính trị hồi năm 2018 đã không làm ảnh hưởng đến vị trí ưu tiên của Mátxcơva trong chiến lược an ninh quốc gia của nước này. »