Vụ Navalny nghi bị đầu độc: Phần Lan gỡ ngòi cho căng thẳng Nga–Liên Âu

Vụ Navalny nghi bị đầu độc: Phần Lan gỡ ngòi cho căng thẳng Nga–Liên Âu

August 29, 2020

\"\"

Quan hệ Nga–phương Tây đột ngột căng thẳng hơn sau bầu cử tổng thống Belarus. Dân biểu tình lên án gian lận, chính quyền đàn áp. Nga sẵn sàng can thiệp cứu chế độ Loukachenko. Một nhà đối lập hàng đầu nước Nga bất ngờ hôn mê, phải cấp cứu, vào lúc khủng hoảng Belarus đang cao trào. Ở Mỹ, Đại hội hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đề cử ứng viên tranh chức tổng thống: thái độ với Trung Quốc là điểm nóng số một. Trên đây là chủ đề thời sự quốc tế nổi bật tháng 8/2020.

Hôm thứ Năm 20/08, đúng vào lúc công luận tập trung vào các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử tại Belarus, một thông tin đến từ Nga gây chấn động: nhà đối lập nổi tiếng Alexei Navalny bất ngờ nhập viện trong trạng thái hôn mê rất nghiêm trọng. Nghi vấn đầu độc ngay lập tức được đặt ra. Từ nhiều năm nay, mật vụ Nga bị cáo buộc là thủ phạm của nhiều vụ đầu độc vì lý do chính trị. Vì sao nhà đối lập Nga nhanh chóng được đưa sang Đức ?

Chắc chắn tiếng nói quốc tế và trong nước đóng vai trò không nhỏ, nhưng trong việc ông Navalny sớm được rời khỏi Nga, cũng có vai trò môi giới quan trọng của Phần Lan. Từ Berlin, thông tín viên Nathalie Versieux cho biết cụ thể:

« Thủ tướng Đức Angela Merkel đã không hề gây áp lực đối với tổng thống Nga Vladimir Putin, vào bất cứ thời điểm nào, để chính quyền Nga cho phép để nhà đối lập Navalny được đưa sang một bệnh viện ở Berlin. Chính là nhờ sự môi giới, tổng thống Phần Lan Niinisto, người mà thủ tướng Đức đã viện đến. Tổng thống Phần Lan sau đó đã liên hệ với ông Putin, điện Kremlin đã bật đèn xanh. Ít nhất đây cũng là điều mà tổng thống Phần Lan chia sẻ trên truyền thanh hôm thứ Bảy, 22/08.

Về phần mình, phủ tổng thống Phần Lan chỉ dừng ở chỗ xác nhận là cuộc trao đổi giữa hai ông Putin và Niinisto đã diễn ra, cụ thể liên quan đến Belarus và sức khỏe của nhà đối lập Nga Navalny.

Ngành ngoại giao Đức dường như đã hoàn toàn tránh làm cho điện Kremlin tức giận trong vấn đề nhà đối lập Nga. Trong những ngày gần đây, thủ tướng, phó thủ tướng và ngoại trưởng Đức tự giới hạn trong việc nhắc đi nhắc lại rằng Berlin sẵn sàng tiếp nhận ông Navalny, nếu như gia đình mong muốn.

Chỉ đến ngày thứ Bảy 22/08, một khi ông Navalny đến Đức, thì tổng thống Đức Franck Walter Steinmeier mới yêu cầu làm sáng tỏ hoàn toàn nghi vấn đầu độc ».

Mảnh đất hòa giải – đối thoại 

Phần Lan có một vị trí rất đặc biệt trong quan hệ giữa Matxcơva với phương Tây. Quan hệ giữa Phần Lan và Nga trải qua nhiều thăng trầm. Mảnh đất Phần Lan từng thuộc đế chế Nga trong hơn một thế kỉ. Phần Lan chính thức độc lập kể từ năm 1917. Trong suốt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, Phần Lan hoàn toàn trung lập. Sau khi khối Cộng Sản tan rã, Phần Lan nhanh chóng gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (năm 1995) và tham gia vào khối đồng euro từ sớm (2002). Từ chỗ là nơi đối đầu của các cường quốc, Phần Lan đã trở thành mảnh đất của hòa giải. Thủ đô Helsinki nổi tiếng là địa điểm thuận lợi, nơi các nước đối địch tìm kiếm đối thoại, và tiếng nói chung.  Các hiệp ước Helsinki những năm 1970 từng đặt nền móng cho Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu, với 57 quốc gia thành viên, mà Nga và Mỹ cũng tham gia. Thủ đô Helsinki cũng là nơi diễn ra nhiều thượng đỉnh Mỹ – Nga.

Nguồn cảm hứng của phong trào dân chủ Belarus: Ca khúc xứ Catalunya

Mỗi cuộc thay đổi xã hội lớn đều cần đến những động lực lớn lao. Âm nhạc là một trong những nguồn sức mạnh tinh thần ấy. Trong phong trào phản kháng tại Belarus chống chế độ độc tài Loukachenko, giới quan sát ghi nhận một bài hát đã trở thành ca khúc không chính thức của phong trào, bùng lên đầu tháng 8/2020, chống lại kết quả cuộc bỏ phiếu bầu cử tổng thống, bị tố cáo là gian lận, cho phép đưa nhà độc tài, cầm quyền từ 26 năm nay, tiếp tục tại vị.

Đó không phải là các ca khúc tranh đấu nổi tiếng khắp thế giới, vẫn được công chúng biết đến như Give peace a chance – Hãy cho hòa bình một cơ hội của John Lennon, hay ca khúc Ý chống phát xít Bella Ciao. Ca khúc mang tên « Những bức tường » (Mуры [ Mury ] trong tiếng Belarus hay Стены [ Steny ] trong tiếng Nga) có nguồn gốc xa xôi, ít ai ngờ tới.

Giai điệu của ca khúc xuất phát từ một bài ca xứ Catalunya, cách nay hơn nửa thế kỷ. Ca khúc mang tên L’Estaca, của ca sĩ Lluis Llach, vốn là bài hát chống chế độ độc tài Franco tại Tây Ban Nha. Ca sĩ Lluis Llach, một biểu tượng của phong trào phản kháng chống chế độ Franco tại Catalan, chắc không thể ngờ, hơn 50 năm sau, giai điệu bài hát vang lên ở tận đầu kia của châu Âu, trên các đường phố Belarus.

Theo một nhà báo Nga, giai điệu của ca khúc Catalunya, đã được lồng nội dung mới, trở thành bài hát biểu tượng của phong trào Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan Solidarność, phong trào tranh đấu ôn hòa vì một cuộc chuyển đổi dân chủ tại Ba Lan, xóa bỏ những bức tường chia rẽ, chia rẽ các xã hội, chia rẽ lòng người, chấm dứt chế độ toàn trị cộng sản.

Giai điệu xứ Catalunya đã lan đến Tunisia, quê hương của phong trào phản kháng ôn hòa, dẫn đến sự chấm dứt chế độ độc tài Ben Ali, năm 2011. Bài hát mang tên gọi mới « Những bức tường » cũng trở thành một ca khúc tiêu biểu của phong trào đòi dân chủ tại Nga. 

Bản L’Estaca, đã trở thành một « bài dân ca » xứ Catalunya, được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới. Lời gốc bài hát thuật lại cuộc đối thoại giữa hai ông cháu. Để kéo bật được chiếc cột móng, bám rất sâu trong lòng đất (cột móng tiếng catalunya là « L’Estaca », tức tên bài hát), người ông để lại cho người cháu một lời khuyên: nếu tất cả đồng lòng, chung tay cùng kéo, cột chắc chắn sẽ đổ. Đồng lòng, chung sức, bền bỉ, không quản ngại, cây cột sẽ đổ, tự do sẽ đến.

Minsk cảnh báo phi cơ NATO, Matxcơva giải mật vụ nổ nguyên tử 1961

Cho đến nay, chính quyền Loukachenko cự tuyệt đề xuất đàm phán với đối lập. Theo nhiều nhà quan sát, Matxcơva đang chơi bài nước đôi. Một mặt lớn tiếng kêu gọi các bên tại Belarus đàm phán, hoan nghênh biểu tình ôn hòa, nhưng mặt khác làm ngơ trước các hành động bạo lực của cảnh sát chống người biểu tình, đồng thời cảnh báo sẵn sàng điều quân hỗ trợ chế độ Loukachenko.

Nhân dịp kỉ niệm 75 năm thành lập cơ quan năng lượng nguyên tử Nga, ngày 27/08, điện Kremlin giải mật nhiều bức ảnh về vụ nổ bom hạt nhân lớn nhất trong lịch sử. Năm 1961, Matxcơva cho thử bom H RDS-220, được mệnh danh là « Tsar Bomba », có sức hủy diệt vô cùng kinh hoàng: gấp 3.000 lần trái bom nguyên tử Mỹ thả xuống hai thành phố Nhật hồi Thế Chiến II.

Kẻ tung, người hứng khiến không khí chiến tranh dâng cao. Ngày 28/08, tổng thống Loukachenko lệnh cho một nửa quân đội sẵn sàng chiến đấu, và cảnh báo không quân NATO đã áp sát biên giới, với máy bay có thể mang « vũ khí hạt nhân » (theo báo Sputnik của chính quyền Nga), và một lần nữa nhấn mạnh, nếu chế độ Loukachenko bị đổ, nước Nga sẽ lâm nguy. Thủ tướng Albani, quốc gia đảm nhiệm chức chủ tịch OSCE, cùng ngày 28/08, đã báo động : nếu không hành động kịp thời, Belarus có thể bị đẩy vào « thảm họa ».

Bài Liên Quan

Leave a Comment