75 năm nước Đức, nước Việt và những hòn đá cản đường
- Nguyên Hà
- Tác giả hiện sống tại Berlin, Đức
một giờ trước
Trong khi các quốc gia Đồng minh trước đây như Anh, Pháp, Nga, Canada, Hoa Kỳ… hằng năm kỷ niệm ngày chiến thắng nước Đức Hitler 8/05/1945 thì nước Đức dĩ nhiên không \”ăn mừng\” ngày này.
75 năm sau, vẫn có những người Đức gọi ngày này bằng những cái tên khác nhau, tùy theo những trải nghiệm cá nhân của họ.
Đó ngày Đầu hàng quân Đồng minh, ngày tưởng niệm thân nhân chết trong cuộc chiến khốc liệt do đất nước họ gây ra, làm 50-60 triệu người từ nhiều nước bị chết, gồn 6-7 triệu người Do Thái.
Hoặc là ngày cưỡng bách di cư của gần 15 triệu người Đức bị trục xuất vì 1/3 diện tích phía Đông nước Đức trở thành lãnh thổ Ba Lan và Liên Xô.
Hay đấy cũng có thể là một ngày vui lớn khi người thân từ mặt trận sống sót bình yên trở về…
Năm 1985, tổng thống Đức Richard von Weizsäcker nói trước QH Liên bang nhân 40 năm chấm dứt Chiến tranh Thế giới II, rằng đây là ngày nước Đức được giải phóng khỏi một hệ thống vô nhân đạo của chế độ độc tài, thì tên gọi chính thức của nó nên là Ngày Giải phóng.
Quá khứ không được phép quên
Năm nay, vì đại dịch Covid-19, buổi lễ kỷ niệm lần thứ 75 Ngày Giải phóng châu Âu với gần 1.600 khách mời trước Trụ sở Quốc hội Liên bang tại Berlin đã bị hủy bỏ. Thay vào đó, Tổng thống CHLB Đức Frank-Walter Steinmeier đã phát biểu trước Đài Tưởng niệm Nạn nhân Chiến tranh và Chế độ Độc tài (Berlin) trước một cử tọa chỉ gồm bốn người đại diện cho quyền lực chính trị Đức: Thủ tướng Liên bang, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Liên bang và Chánh án Tòa án Hiến pháp Tối cao Liên bang.
Ông Steinmeier nhấn mạnh đến vai trò của hồi tưởng, ký ức. Ông nhắc lại những tội ác mà ông cho là vô tiền khoáng hậu mà nước Đức đã gây ra cho toàn thế giới, cũng như sự phá nát nền văn minh với nạn diệt chủng Do Thái (Holocaust).
\”Lịch sử Đức là một lịch sử tan vỡ – với trách nhiệm đối với hàng triệu vụ sát nhân và hàng triệu nỗi thống khổ. Điều này làm tan nát cõi lòng chúng ta cho đến ngày hôm nay. Cho nên, người ta chỉ yêu đất nước này với cõi lòng tan nát\”.
Tại CHLB Đức, những khu tưởng niệm nạn nhân chiến tranh, những bảo tàng viện lưu trữ chứng tích tội ác của người Đức trong Thế chiến thứ Hai đã được xây dựng, những chương trình bồi thường cho hàng triệu nạn nhân còn sống sót hoặc cho gia đình của họ đã được tiến hành. Học sinh được tổ chức tham quan các trại tập trung hủy diệt của Đức Quốc Xã, tham dự và trao đổi ý kiến trong những cuộc nói chuyện với các nạn nhân Holocaust sống sót.
Nhưng cuộc gặp gỡ các cựu chiến binh hai phe Trục và Đồng Minh xưa kia cũng góp phần vào sự hòa giải giữa các dân tộc, trước đây vốn ở hai chiến tuyến đối đầu nhau không khoan nhượng.
Tượng đài bằng những viên đá nhỏ
Ngoài những tượng đài hay quần thể tượng đài tập trung hoặc những cuộc triển lãm dài hạn, còn một hình thức tưởng niệm khác, giản dị hơnnhưng không kém phần lay động tâm can: những tấm bảng tưởng niệm nạn nhân của chế độ Đức Quốc Xã.
Đề án thường được biết đến với tên \”Những viên đá cản đường\” (tiếng Đức: die Stolpernsteine, tôi xin tạm dịch ra tiếng Anh: the stumbling stones), cản đường là để bạn vấp chân và phải suy ngẫm.
Chúng được bắt đầu thực hiện vào năm 1992 theo sáng kiến của Gunter Demnig, đến nay vẫn được làm tiếp nhờ quyên góp tư nhân và được mở rộng sang 25 nước châu Âu khác.
Phải dừng chân đứng lại, nghiêng người cúi đầu xuống bạn mới đọc được những dòng chữ nhỏ khắc trên tấm biển được gắn cao hơn chừng một ly so với mặt đường. Hệt như khi ta nghiêng mình cúi đầu tưởng niệm trước một tấm bia của một người đã khuất, quen và lạ trong nghĩa trang.
Còn theo ông Steinmeier, \”không phải ký ức là gánh nặng, mà chính phi ký ức sẽ trở thành gánh nặng. Không phải sự nhìn nhận trách nhiệm là một điều xấu hổ mà chính sự phủ nhận mới là điều xấu hổ. … Do đó chúng ta phải hiểu rằng, không thể nào có sự hòa giải mà không có ký ức\”.
Việt Nam với quá khứ \”triệu người vui, triệu người buồn\”
Đất nước Việt Nam chúng ta cũng có một ngày được chính thức gọi là Ngày Giải phóng, ngày 30-4-1975. Vào ngày này, mỗi năm, vẫn có những buổi lễ diễu hành, những sinh hoạt chính trị, văn hóa, xã hội được tổ chức rộng rãi khắp nơi mừng ngày một nửa đất nước này \”chiến thắng\” nửa đất nước kia.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt có lần trả lời phỏng vấn rằng \”Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều mất mát… Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn…\”. Hàng triệu người vui có thể tổ chức \”ăn mừng\” ngày chiến thắng nhưng hàng triệu người buồn thì đứng bên lề lịch sử.
Quan điểm \”khép lại quá khứ và nghĩ đến tương lai, chung tay xây dựng đất nước\” thường được nhắc đi nhắc lại trong các phát biểu chính thức của Chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam – và cả trong bài phỏng vấn thủ tướng Võ Văn Kiệt – khi nói về cuộc chiến tranh và những hậu quả, hệ lụy của nó.
Khép lại quá khứ, nhốt vào sau cánh cửa thời gian những vấn đề, những hậu quả, những tội lỗi đã gây ra nhân danh một cái gì đấy mà có lẽ nay không còn đúng nữa.
Nhưng với thời gian thì quá khứ cũng dần dần phai nhạt, mù mờ và lịch sử đã trở nên lệch lạc. Những sai lầm, tội lỗi, sự độc ác của con người, của một tập thể, một đất nước, quốc gia, không còn được nhìn rõ nữa trong nỗ lực thấu hiểu, đánh giá lịch sử rõ hơn và rút ra bài học từ trong quá khứ rất cần thiết cho sự xây dựng tương lai.
Có lẽ các thế hệ trẻ ở trong nước chỉ hiểu biết một phần – và với không ít định kiến – theo những gì họ được học trong trường, được phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng về lịch sử đất nước họ, với biết bao đau thương của những trại \”học tập cải tạo\”, những chuyến vượt biển, những phong trào đốt sách, những đợt \”đánh tư sản\”…
̣Việt Nam cũng có \”những viên đá cản đường\”, nằm trong tư duy của chúng ta và hoàn toàn khác với \”những viên đá cản đường\” ở nước Đức, nơi mà lịch sử, quá khứ đất nước không ngừng được tìm hiểu, đánh giá, mổ xẻ, phân tích tới tận cùng.
Một phần, cũng vì tình yêu đất nước – cho dù \”với một trái tim vỡ nát\” – và nơi những viên đá cản đường giúp người ta không quên từng con người đã vì tội lỗi của đất nước trong quá khứ mà phải bỏ mình, như một học sinh Đức đã nói, \”người ta vấp ngã vào nó với trái tim và cái đầu\”.
\”Những viên đá cản đường\” của chúng ta ngăn cản con đường đi đến tương lai, ngăn chặn sự tìm hiểu lịch sử đương đại Việt Nam, tìm hiểu những hệ lụy của chiến tranh cũng như tìm ra giải pháp thỏa đáng cho sự hòa hợp, hòa giải quốc gia và dân tộc.
Bà Nguyên Hà đi từ Nam Việt Nam, đã định cư từ nhiều năm qua tại Berlin, Đức. Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả.