Philippines: Hải Quân phản đối dự án sân bay do công ty Trung Quốc trúng thầu
Đăng ngày: 07/09/2020
Thu Hằng3 phút
Chính quyền tỉnh Cavite chuẩn bị khởi động dự án xây sân bay Sangley Point, nằm gần Bộ Chỉ Huy nhiều cơ quan trọng yếu của Hải Quân Philippines. Dự án có trị giá 500 tỷ peso, nhằm giảm tải cho sân bay quốc tế Ninoy Aquino (Naia, ngoại ô Manila), cách đó 35 km, và được nhà thầu Trung Quốc CCCC liên doanh với công ty dịch vụ hàng không MacroAsia Corp xây dựng.
Theo trang Inquirer ngày 07/09/2020, phó đô đốc Giovanni Carlo Bacordo, chỉ huy Hải Quân Philippines, nêu lý do là công trình do tập đoàn Trung Quốc China Communications Construction Co. Inc. (CCCC) hợp tác xây dựng, trong khi tập đoàn này bị chính quyền Mỹ liệt vào danh sách đen do tham gia hoạt động bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông. Tuy nhiên, tuần trước, tổng thống Duterte vẫn cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc nằm trong danh sách đen của Mỹ tiếp tục tham gia các dự án cơ sở hạ tầng ở Philippines.
Ngoài việc nêu vai trò của CCCC trong các dự án bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông của Trung Quốc, chỉ huy Hải Quân Philippines còn nhấn mạnh đến vai trò chiến lược của Sangley Point vì từ vị trí này, Hải Quân Philippines có thể triển khai và là điểm xuất phát các chiến dịch giám sát. Ngoài ra, Sangley Point còn có vị trí « canh giữ lối vào vịnh Manila, trong khi vịnh này lại là trung tâm trọng điểm của chính phủ. Nếu Manila thất thủ, cả nước cũng thất thủ ».
Ngoại trưởng Mỹ : Trung Quốc vi phạm trắng trợn UNCLOS ở Biển Đông
Tập đoàn CCCC nằm trong danh sách những thực thể và cá nhân bị Mỹ trừng phạt do « chịu trách nhiệm về kiểu chủ nghĩa đế quốc mà đảng Cộng Sản Trung Quốc đang tiến hành, như giám sát bất hợp pháp các nguồn năng lượng, hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của đồng minh Philippines và các nước khác trong vùng », theo phát biểu của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong một cuộc họp báo được Philstar trích ngày 07/09.PUBLICITÉ
Ngoài ra, ông Pompeo tiếp tục tố cáo Trung Quốc là nước vi phạm « rõ ràng nhất » Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) với các biện pháp « quấy rối » các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.