Tổng thống Pháp và lãnh đạo 6 nước Nam Âu dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ
Sau nhiều tuần căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng đông Địa Trung Hải, tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua, 10/09/2020, đã họp với lãnh đạo 6 nước Nam Âu tại đảo Corse của Pháp. Mục tiêu của cuộc họp là đạt được một lập trường thống nhất cho cuộc họp thượng đỉnh châu Âu về hồ sơ Thổ Nhĩ Kỳ trong khoảng hơn 10 ngày nữa.
Từ Ajaccio, đảo Corse, đặc phái viên Anne Soetemondt tường trình:
« Trong bản tuyên bố kết thúc hội nghị, lãnh đạo 7 nước Nam Âu họp tại Ajaccio đã tái khẳng định quyết tâm nối lại đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng vẫn đe dọa ban hành các biện pháp trừng phạt Ankara.
Tuy nhiên, tổng thống Macron, mà chỉ cách đây vài tuần còn bị cô lập trên hồ sơ này, đã tránh không nói đến chữ « trừng phạt ». Ông nhấn mạnh nhiều hơn đến sự cần thiết phải nối lại đối thoại. Nguyên thủ Pháp tuyên bố : « Mục tiêu của chúng ta đó là tái lập mối quan hệ bình thường để giúp phục hồi ổn định trong khu vực, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ đạt được việc chấm dứt các hành động đơn phương. Tôi cũng tin tưởng rằng trao đổi giữa Liên Hiệp Châu Âu với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có lợi cho cả hai bên ».
Trên tuyến đầu cùng với Chypre trong cuộc khủng hoảng này, thủ tướng Hy Lạp Kyriacos Mitsotakis thì có giọng điệu gay gắt hơn. Ông cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ phải chấm dứt những hành động và lời lẽ hung hăng. Thủ tướng Hy Lạp còn nói là, nếu không thể có đối thoại xây dựng, vấn đề sẽ được đưa ra trước Tòa án Quốc tế La Haye.
Không có thái độ hiếu chiến như thế, các đối tác Malta, Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nhấn mạnh sự cần thiết toàn thể Liên Hiệp Châu Âu có một tiếng nói chung trong cuộc họp thượng đỉnh hai ngày 24 và 25/09 bàn riêng về căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ »
Cũng tại cuộc họp thượng đỉnh ở đảo Corse hôm qua, thủ tướng Hy Lạp đã kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu đặt trọng tâm vào khủng hoảng di dân sau vụ cháy trại tị nạn Moria trên đảo Lesbos của Hy Lạp hôm thứ Ba và tối thứ Tư vừa qua. Hôm nay, bộ trưởng Nội Vụ Đức vừa thông báo là 10 nước Liên Hiệp Châu Âu sẽ tiếp nhận khoảng 400 di dân vị thành niên không có cha mẹ đi theo, được di tản khỏi đảo Lesbos sau vụ cháy nói trên. Hôm nay, hàng ngàn người xin tị nạn tại đây vẫn sống trong cảnh màn trời chiếu đất, chính phủ Hy Lạp thì không đủ khả năng để giúp đỡ họ và các nước châu Âu thì đang cố tìm các giải pháp cho thảm cảnh này.
Theo RFI