Trong khi chính sử Trung Quốc không có dòng nào về Hoàng Sa, Trường Sa thì nguồn sử liệu Việt Nam lại khá dồi dào.
Những văn bản có nội dung khẳng định rõ chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam có từ nhiều góc độ từ cao nhất như Châu bản triều Nguyễn với bút tích của nhà Vua đến các sách sử…
Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi đề cập đến một số văn bản sử liệu cổ do TSKH Trần Đức Anh Sơn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội TP Đà Nẵng cung cấp. Đây là một phần nhỏ trong số các tư liệu mà TSKH Trần Đức Anh Sơn đã cùng các đồng nghiệp ở Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Đà Nẵng có được khi triển khai đề tài “Font tư liệu về chủ quyền của VN đối với huyện đảo Hoàng Sa – thành phố Đà Nẵng” từ tháng 11-2009
Hoạt động của đội Hoàng Sa trong Phủ biên tạp lục
Trong sách Phủ biên tạp lục do Lê Quý Đôn biên soạn vào năm 1776 có viết về Hoàng Sa và hoạt động của Đội Hoàng Sa thời chúa Nguyễn, như sau:
“Xã An Vĩnh huyện Bình Sơn phủ Quảng Ngãi giáp liền với biển. Ở vùng biển xa về phía đông bắc có nhiều đảo núi, các núi lẻ tẻ kế tiếp nhau nhiều đến hơn 130 ngọn. Giữa các ngọn núi là biển, đảo núi xa cách nhau hoặc là đi một ngày đường hoặc đi hết mấy canh giờ. Trên núi có suối nước ngọt, trong các đảo có Bãi Cát Vàng dài khoảng hơn 30 dặm, rộng lớn bằng phẳng, nước trong vắt nhìn tận đáy…”
Hoàng Sa (Bãi Cát Vàng) trong bản đồ của sách Phủ biên tạp lục do Lê Quý Đônsoạn năm 1776 |
“Trước đây, họ Nguyễn lập ra đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã An Vĩnh sung vào. Mỗi năm luân phiên tổ chức đi ra biển, cứ vào tháng Ba nhận lệnh chịu sai dịch, mang theo sáu tháng lương thực đủ dùng. Đội dùng năm chiếc thuyền câu nhỏ chở đi ra biển suốt ba ngày ba đêm liền thì mới bắt đầu đến được đảo này. Thuyền dừng ở đấy thả sức thu lượm, bắt lấy chim cá mà ăn…Lại thu lượm cả mai đồi mồi, mai ba ba biển, hải sâm, ốc hoa rất nhiều. Đến kỳ tháng Tám thì trở về cửa Eo rồi đi đến thành Phú Xuân để giao nộp. Cân đo định hạng đủ rồi, mới bắt đầu cho bán riêng các loại ốc hoa, ba ba biển, hải sâm, rồi đến lĩnh lấy bằng cấp mà quay về”.
Hoạt động xác lập chủ quyền trong Đại Nam thực lục
Sách Đại Nam thực lục chính biên, quyển 165, đệ nhị kỷ, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn năm 1836, viết về Hoàng Sa và hoạt động khai phá xác lập chủ quyền của vương triều Nguyễn đối với Hoàng Sa như sau:
Mộc bản triều Nguyễn trong sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 165 năm Minh Mạng thứ 17 (1836) ghi lại Bộ công tâu lên triều đình nội dung: \”Cương giới mặt biển ta có xứ Hoàng Sa rất hiểm yếu\”. |
“Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Trước kia, đã phái vẽ bản đồ mà hình thế nó xa rộng, mới chỉ được một nơi, cũng chưa rõ ràng. Hàng năm, nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển. Xin từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng Giêng, chọn phái biền binh thủy quân và vệ Giám thành đáp một chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng Hai thì đến Quảng Ngãi, yêu cầu hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định thuê bốn chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng xứ Hoàng Sa”.
“Không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào, khi thuyền đi đến, cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và nước biển bốn bên xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ”.
“Vua sai Thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi. Chuẩn cho mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu ghi. Mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc những chữ: “Minh Mạng năm thứ 17, Bính thân, Thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”.
Người Chăm tham gia thực thi chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa
Dưới đây là hình ảnh văn bản bằng chữ Chăm, hiện được lưu giữ tại gia đình của một hậu duệ thuộc Hoàng gia Champa ở tỉnh Bình Thuận, phản ánh việc triều đình nhà Nguyễn huy động cư dân gốc Chăm ở plei Koh (tức làng Koh, nay thuộc đảo Phú Quí, tỉnh Bình Thuận) cử người ra cắm mốc giới ở Hoàng Sa và Trường Sa. Nội dung trên văn bản này ghi rõ: “Plei Koh trình tấu với quan phủ về việc cử 3 chiếc thuyền đến Trường Sa và Hoàng Sa hỗ trợ việc cắm các mốc giới theo chỉ dụ. Việc này làng Koh đã tập hợp dân đinh và ngư phủ, nhưng bây giờ biến động không thể ra khơi nên làng xin quan phủ cho dời đến tháng Mười sẽ khởi hành…”.
Tư liệu Hoàng gia Chăm có nội dung liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa |
Đây là bằng chứng cho thấy không chỉ người Việt mà người Chăm cũng được triều đình Việt Nam huy động và sử dụng trong công cuộc xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa./.