Trung Quốc ‘thủ phạm’ phá huỷ hệ sinh thái và làm cạn kiệt tài nguyên Biển Đông

Trung Quốc ‘thủ phạm’ phá huỷ hệ sinh thái và làm cạn kiệt tài nguyên Biển Đông

Tâm Tuệ | DKN

\"\"/
Tàu cá Trung Quốc đồng loạt ra khơi ngày 16/8 (ảnh chụp từ video).

Hoạt động xây dựng đảo nhân tạo phi pháp và đánh bắt quá mức của Trung Quốc có nguy cơ hủy hoại hệ sinh thái và làm cạn kiệt nguồn hải sản ở Biển Đông – đó là nhận định của chuyên gia sinh học biển Mỹ, truyền thông trong nước trích dẫn.

Hôm 16/9, trong buổi trao đổi trực tuyến do Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM tổ chức, chuyên gia John McManus tại Đại học Miami (Mỹ) dẫn lại các dữ liệu cho thấy ước tính có khoảng 3,7 triệu người tham gia vào hoạt động đánh bắt ở Biển Đông, trong đó Trung Quốc chiếm 649.000 người.

Với hơn 4 triệu thuyền viên, Trung Quốc sở hữu đội tàu cá thuộc hàng lớn nhất thế giới. Chính quyền Trung Quốc cho biết đội tàu đánh bắt xa bờ của họ có 2.600 chiếc, nhưng nhiều nghiên cứu khác nhau, ví dụ của tổ chức Viện Phát triển hải ngoại (ODI, Vương quốc Anh), ước tính con số ít nhất phải lên đến 17.000 chiếc, trong đó phần lớn không được đăng ký và hoạt động lén lút.

Mới đây, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đăng tải đoạn video trên Twitter hôm 16/8 cho rằng hơn 16.000 tàu cá từ đảo Hải Nam đã ra khơi cùng ngày sau khi lệnh cấm đánh bắt do Bắc Kinh đơn phương áp đặt ở Biển Đông kết thúc. Tổ chức Global Fishing Watch (Theo dõi Đánh bắt Toàn cầu) đã sử dụng ảnh chụp vệ tinh xác nhận đội tàu cá xa bờ của Trung Quốc có đến 16.966 chiếc.

Theo Enternews, hầu hết tàu cá xa bờ của Trung Quốc là cỡ lớn, lượng tôm cá một tàu cào vét một tuần có khi nhiều bằng một tàu cá Senegal hoặc Mexico đánh bắt trong cả năm. Bắc Kinh trợ cấp cho ngành công nghiệp này hàng tỷ nhân dân tệ mỗi năm. Tàu Trung Quốc có thể đi xa như vậy cũng nhờ khoản trợ cấp nhiên liệu vốn đã tăng gấp 10 lần từ năm 2006 đến 2011 (dữ liệu sau đó không còn được công bố). Ngoài ra, các tàu cá Trung Quốc thường được tàu cảnh sát biển hộ tống khi đánh bắt xa bờ.

Chuyên gia McManus cũng cho biết, chính quyền và quân đội Trung Quốc tài trợ đáng kể cho các đội tàu cá tiến hành hoạt động đánh bắt ở Biển Đông. “Điều này dẫn đến tình trạng đánh bắt quá mức, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên sinh vật biển”, Thanh Niên dẫn lời cảnh báo của ông McManus.

Ngoài ra, Trung Quốc không chỉ là nhà xuất khẩu hải sản lớn nhất thế giới, gần 1,4 tỷ dân nước này còn tiêu thụ đến hơn 1/3 lượng hải sản trên toàn cầu.

Mặt khác, kể từ năm 2013, chính phủ Trung Quốc đã điều nhiều tàu nạo vét và phá hủy hầu hết các rạn san hô để bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo tại 7 thực thể bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông.

Theo ước tính, các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông đã gây thiệt hại cho khoảng 159/162 km2 san hô tại vùng biển này. Trong đó hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 14/15 km2; hoạt động nạo vét của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 39/40 km2; hoạt động nạo vét làm bến đỗ, kênh rạch cho tàu thuyền đi lại của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 2/3 km2; hoạt động khai thác trai khổng lồ của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 104/104 km2.

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia John McManus cho rằng, hoạt động xây dựng đảo nhân tạo phi pháp và đánh bắt quá mức của Trung Quốc có nguy cơ hủy hoại hệ sinh thái và làm cạn kiệt nguồn hải sản ở Biển Đông.

Mới đây, Mỹ hôm 26/8 công bố lệnh cấm vận đối với 24 công ty nhà nước cùng những quan chức của Trung Quốc có liên quan đến hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.

Bộ Thương mại Mỹ đang tung ra đòn trừng phạt đối với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, khi liệt vào danh sách cấm vận vì đã tạo điều kiện cho Bắc Kinh xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Trong tuyên bố liên quan đến lệnh cấm vận, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nêu rõ: “Kể từ năm 2013, Trung Quốc sử dụng các doanh nghiệp nhà nước để bồi đắp hơn 1.200 ha tại các thực thể có tranh chấp ở Biển Đông, gây mất ổn định khu vực, chà đạp quyền chủ quyền của các nước láng giềng và tàn phá môi trường”.

Bài Liên Quan

Leave a Comment