Tàu khảo sát và hải cảnh của Trung Quốc lại xuất hiện trong vùng biển của Việt Nam
Hình minh hoạ. Hình vệ tinh cho thấy một phần đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi hôm 2/7/2014 Reuters
Trung Quốc vừa điều một tàu khảo sát đi cùng với một tàu hải cảnh hộ tống vào vùng biển của Việt Nam. Các dữ liệu theo dõi tàu biển mới đây mà RFA có được cho thấy tín hiệu các tàu này chỉ cách bờ biển các tỉnh miền Trung Việt Nam chỉ khoảng 70 hải lý.
Tàu khảo sát Shiyan – 1 đã rời Vịnh Haikou thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Quốc hôm thứ Hai, ngày 12/10 và đến cách bờ biển tỉnh Quảng Ngãi chỉ khoảng 70 hải lý vào ngày thứ Ba, 13/10.
Đến sáng ngày 14/10, tàu này cách bờ biển tỉnh Bình Định 78 hải lý.
Tàu Shiyan – 1 thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, theo thông tin của Tổ chức Biển Quốc tế. Tàu này đã từng bị hải quân Ấn Độ truy đuổi khỏi vùng phía đông Ấn Độ Dương hồi tháng 12 năm ngoái vì bị nghi ngờ là đang vẽ bản đồ lòng biển cho mục đích quân sự.
Tàu hải cảnh số hiệu 2305 đi hộ tống tàu Shiyan – 1 vào vùng biển Việt Nam hôm 12/10 nhưng sau đó đã rời đi. Dữ liệu theo dõi tàu hôm 14/10 cho thấy tàu này đang đi ngược lại hướng của tàu khảo sát và đi về phía đảo Hải Nam.
Các dữ liệu theo dõi tàu biển cũng cho thấy 5 tàu kiểm ngư của Việt Nam đang theo dõi tàu hải cảnh và tàu khảo sát của Trung Quốc trong vùng 200 hải lý từ bờ, được xác định là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo luật quốc tế.
Trung Quốc trong các tháng qua liên tục điều các tàu hải cảnh và khảo sát vào các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước láng giềng, bao gồm Việt Nam, Malaysia, Philippines, lấy lý do các vùng nước này nằm trong vùng đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra trên biển. Trung Quốc gọi vùng nước nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn là vùng nước lịch sử thuộc Trung Quốc.
Toà Trọng tài quốc tế trong một phán quyết vào năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này nhưng Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của toà.
Đài Á Châu Tự Do cũng phát hiện tàu Shiyan – 1 thực hiện khảo sát ở vùng nước cách quần đảo Hoàng Sa 330 hải lý hôm 16/7. Đây là quần đảo mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm từ Việt Nam vào năm 1974. Hiện Việt Nam và Đài Loan cũng đòi chủ quyền đối với quần đảo này.
Tàu này vào hôm 24/8 đã đi cách Chichijima 230 hải lý. Đây một hòn đảo ở phía đông của Nhật Bản.
Nhật Bản sau đó đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về những diễn tiến gân đây ở Biển Đông trong các thảo luận với các đối tác ASEAN.
Thủ tướng mới của Nhật Bản Suga Yoshihide hôm 13/10 cho biết ông sẽ lên đường công du đến Việt Nam và Indonesia từ ngày 18 và 21/10 tới.
Theo tờ Nikkei, Nhật Bản đã lên kế hoạch ký thoả thuận bán vũ khí cho Việt Nam. Hiện chưa rõ Nhật sẽ bán vũ khí gì cho Việt Nam nhưng dường như Nhật đang quảng bá cho các máy bay tuần tra và vận tải.
Thủ tướng Nhật Suga Yohsihide hôm 12/10 đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để lên kế hoạch về chuyến thăm tới, một dấu hiệu cho thấy Tokyo đang gia tăng can dự vào vấn đề an ninh ở Đông Nam Á.
“Nhật Bản làm việc với các quốc gia vì khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và mở”, Bộ trưởng Nội các Nhật Kato Katsunobu nói như vậy trong họp báo vào sáng ngày 14/10.
Trong tuần này, 3 tàu chiến của Nhật đã tham gia tập trận cùng tàu chiến của Hải quân Mỹ ở khu vực Biển Đông sau khi ghé cảng Cam Ranh của Việt Nam.
Trong một họp báo hôm 12/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 12/10 nói: “chúng tôi hy vọng nước liên quan sẽ không làm những điều gây hại cho hoà bình, an ninh và ổn định khu vực”.
Phát biểu này được đưa ra vào khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến công du đến 4 nước Đông Nam Á tuần này bao gồm Campuchia, Malaysia, Lào, Thái Lan và Singapore.
Ông Vương Nghị đã nhân cơ hội này để chỉ trích Bộ tứ gồm Nhật, Mỹ, Úc và Ấn Độ. Phát biểu trong họp báo ở Kuala Lumpur, Ngoại trưởng Vương Nghị đã cảnh báo các nước trong khu vực không nên ngả theo Mỹ và gọi chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương của Mỹ là một mối nguy cho an ninh khu vực.