Việt Nam cần làm gì để chống lại “sự tấn công quyến rũ” của Trung Quốc

Việt Nam cần làm gì để chống lại “sự tấn công quyến rũ” của Trung Quốc

\"HìnhHình minh hoạ. Thủ tướng VN Nguyễn Xuân Phúc (trái) bắt tay Chủ tịch TQ Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hôm 25/4/2019 Reuters

“Quyến rũ” Đông Nam Á trở lại

Việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiến hành chuyến thăm một loạt quốc gia Đông Nam Á trong tuần qua báo hiệu sự trở lại của chiến lược tấn công quyến rũ của Trung Quốc. Lợi ích địa chính trị và kinh tế đang thúc đẩy Trung Quốc đầu tư nhiều hơn vào một chiến lược ngoại giao láng giềng.

Sự thù địch giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục có dấu hiệu \”tăng nhiệt\”. Cuộc gặp giữa ngoại trưởng các nước Bộ Tứ (Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ) tại Tokyo cách đây không lâu đã gây sức ép ngày càng lớn đối với Bắc Kinh. Năm 2019, châu Âu miêu tả Trung Quốc là “đối thủ kinh tế” và “kẻ thù hệ thống”. Tháng 9/2020, Anh, Pháp và Đức đã cùng Mỹ và Australia bác bỏ những yêu sách biển quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông. Cùng lúc đó, Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lại vượt qua Liên minh châu Âu để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong năm 2020.

Căng thẳng ngoại giao với các cường quốc khác và tầm quan trọng kinh tế ngày càng tăng của ASEAN đối với Trung Quốc có thể là động lực để Bắc Kinh thúc đẩy chính sách ngoại giao láng giềng trở thành ưu tiên hàng đầu. Bị kìm kẹp ở phía Bắc và phía Tây, Trung Quốc sẽ hướng về phía Nam và phía Đông. Để làm được điều này, Trung Quốc đặt ra một số mục tiêu: 1) ngăn chặn những nỗ lực của phương Tây nhằm xây dựng một liên minh thù địch bên trong phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc; 2) làm cho tranh chấp Biển Đông chỉ là vấn đề nội bộ giữa các quốc gia tranh chấp, hoặc cùng lắm là giữa Trung Quốc với ASEAN; 3) ngăn chặn ASEAN nghe theo lời kêu gọi của Mỹ hạ lệnh cấm đối với các công ty công nghệ và công ty xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc; 4) đảm bảo sự liên tục của các dự án \”Vành đai và Con đường\”; và 5) mở rộng hợp tác kinh tế.

Ở chiều ngược lại, những mục tiêu này tạo ra cơ hội cho các quốc gia trong khu vực như Việt Nam nếu những quốc gia đó giữ được sự tự chủ chiến lược trong bối cảnh cục diện địa chính trị ngày càng bị phân cực như hiện nay.

Nhằm thoát khỏi sự bao vây, cô lập

Việc cải thiện quan hệ với ASEAN sẽ là yếu tố quyết định nếu Bắc Kinh muốn tránh tình trạng “tứ bề thọ địch”. Cho dù kết quả cuộc bầu cử ở Mỹ vào tháng 11 tới như thế nào thì cạnh tranh giữa các cường quốc vẫn sẽ luôn tồn tại. Dù Trump thắng hay Biden thắng, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn sẽ được duy trì. Tương tự, các tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp biển giữa Trung Quốc với Ấn Độ và Nhật Bản sẽ vẫn là một nhân tố gây khó chịu trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh với những \”gã khổng lồ\” láng giềng châu Á.

\"Hình

Hình minh hoạ. Ngoại trưởng TQ Vương Nghị và Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein (phải) ở Kuala Lumpur, Malaysia hôm 13/10/2020 AFP

\"\"/

Tuy nhiên, việc tạo ra một “NATO của châu Á” sẽ hoàn toàn làm thay đổi cán cân quyền lực khu vực. Ngay cả những lời kêu gọi thành lập một tổ chức như vậy cũng đủ đẩy cảm giác bất an của Bắc Kinh lên một cấp độ mới. Do đó, việc Trung Quốc hướng về ASEAN có thể đồng nghĩa với việc Bắc Kinh muốn ngăn chặn khả năng khối này tham gia Bộ Tứ mở rộng, vốn có thể trở thành hạt nhân của NATO châu Á. Nhìn từ góc độ như vậy, chúng ta sẽ thấy không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa thăm các nước trong khu vực hồi tháng 9 và Ngoại trưởng Vương Nghị quyết định bỏ qua Việt Nam trong chuyến công du của mình bất chấp việc Việt Nam là chủ tịch ASEAN trong năm nay do Hà Nội đang có xu hướng tham gia \”Bộ Tứ +\”.

Ngoài ra, khi nhận ra cách mà vấn đề tranh chấp Biển Đông tiếp tục ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ với những nước láng giềng phía Nam, Trung Quốc đã kêu gọi sớm nối lại vòng đàm phán về bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC). Việc tái cam kết đối với một cơ chế ASEAN-Trung Quốc như vậy cũng đồng nghĩa với việc ngăn chặn những động thái mà Trung Quốc coi là sự can thiệp của nước ngoài vào điểm nóng Biển Đông. Mặc dù vậy, việc Bắc Kinh tăng cường các hoạt động quân sự cùng việc đe doạ, ngăn cản các hoạt động khai thác dầu khí của các quốc gia thành viên ASEAN trên EEZ của họ sẽ tiếp tục vấp phải sự phản ứng của các nước khu vực Đông Nam Á cũng như các cường quốc bên ngoài. Điểm nóng Biển Đông sẽ tiếp tục là một “thùng thuốc súng” trong hoạt động ngoại giao ngoại vi của Trung Quốc và sẽ tiếp tục khiến nhiều cường quốc biển trên thế giới bất bình.

Việc Mỹ áp đặt lệnh cấm đối với tập đoàn công nghệ Huawei và các công ty xây dựng Trung Quốc cũng như kêu gọi các quốc gia khác làm theo đã tác động không nhỏ tới những dự án của Trung Quốc tại Đông Nam Á, khu vực địa lý chiến lược đối với sáng kiến \”Vành đai và Con đường\”. Do đó, Bắc Kinh sẽ cố gắng xoa xịu những lo lắng trong khu vực này và đảm bảo thực hiện các dự án đã cam kết.

Khi ASEAN tiếp tục thu hút vốn đầu tư quốc tế và giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Bắc Kinh hiểu rằng điều này có thể làm “loãng” tầm ảnh hưởng kinh tế của họ đối với ASEAN. “Củ cả rốt kinh tế” như vậy có thể được sử dụng như một quân bài lôi kéo các nước khu vực rời xa nước láng giềng lớn phương Bắc. Do đó, việc đẩy mạnh thương mại và đầu tư trong khu vực có ý nghĩa quan trọng hơn cả việc nắm bắt những cơ hội kinh tế ngay cả vào thời điểm suy thoái kinh tế hiện nay. Làm như vậy sẽ giúp duy trì “đòn bẩy” chủ đạo đối với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực chiến lược và đầy năng động này.

Mong muốn của ASEAN

Đối với ASEAN, gác lại các bất đồng và thúc đẩy hợp tác nhằm chống lại đại dịch và thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế vẫn là ưu tiên số 1 hiện nay. Cùng với Brazil, Mexico, Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain và hơn 10 quốc gia khác, Indonesia đang tham gia thử nghiệm ở cấp độ mới đối với chủng loại vắc-xin COVID-19 do Trung Quốc chế tạo. Malaysia và Thái Lan cũng thể hiện mong muốn hợp tác cùng Bắc Kinh trong quá trình phát triển vắc-xin. Trong bài phát biểu gần đây trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Tổng thống Indonesia JokoWidodo và Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã kêu gọi phát triển vắc-xin giá rẻ cho mọi người, đặc biệt là cho các quốc gia đang phát triển.

\"Hình

Hình minh hoạ. Vaccine phòng chống COVID-19 do hãng Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất hiện đang được thử nghiệm AFP

\"\"/

ASEAN vẫn luôn mở cửa đối với những dự án kết nối mà các quốc gia khác đề xướng. Ngoại trừ Manila, lời kêu gọi của Washington nhằm áp đặt lệnh cấm đối với các công ty xây dựng Trung Quốc đều không nhận được hưởng ứng nào từ hầu hết các quốc gia trong khu vực. Ngay cả trong trường hợp của Philippines, chính quyền Manila nhanh chóng khẳng định rằng các dự án của Trung Quốc sẽ còn tiếp diễn và quyết định này đã gây “tiếng vang” cho cả khu vực. Các dự án lớn được tài trợ bởi Trung Quốc như hệ thống đường sắt Jakarta-Bandung (Indonesia), đường sắt kết nối bờ Đông (Malaysia), đường sắt Trung Quốc-Lào và đường cao tốc Phnom Penh-Sihanoukville (Campuchia) tiếp tục được triển khai mạnh mẽ bất chấp đại dịch đầu năm nay.

Việt Nam cần làm gì?

Việt Nam đang bước vào thời kỳ chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 13. Đại hội kỳ này sẽ là kỳ đại hội quan trọng, bởi vì nó diễn ra trong bối cảnh thế giới đang trong thời gian biến động lớn.

Là quốc gia giàu tài nguyên, có dân số trẻ lớn thứ 3 ở Đông Nam Á, có quân đội thực chiến bậc nhất ở châu Á, có vị trí địa chiến lược cực kỳ quan trọng, Việt Nam được xem như \”lực lượng trấn giữ con đường Nam tiến cả trên bộ và trên biển của Trung Quốc\”, vì vậy, Trung Quốc luôn coi Việt Nam là đối thủ tranh đoạt, kiềm chế, kiểm soát của mình.

Chính sách đối ngoại chủ đạo của Trung Quốc với Việt Nam sẽ là vừa cân bằng vừa can dự, vừa kiềm chế, vừa lôi kéo. Mục tiêu trong quan hệ với Việt Nam nhằm không để Việt Nam có thể mạnh lên, thoát khỏi sự chi phối của Trung Quốc, nhưng cũng không để Việt Nam quá bất mãn, tìm đến các liên kết chống lại Trung Quốc. Nhìn chung, chính sách cơ bản của Trung Quốc với Việt Nam có thể đi theo các hướng sau:

Thứ nhất, hòa dịu với Việt Nam, để tránh quan hệ căng thẳng xấu thêm, gia tăng các hoạt động trao đổi ngoại giao cả thượng đỉnh và các cấp.

Thứ hai, tăng cường hợp tác trên mọi phương diện đặc biệt là kinh tế, giao thương buôn bán nhằm dùng lợi ích kinh tế đưa Việt Nam vào quỹ đạo của Trung Quốc, ít nhất đảm bảo Việt Nam giữ thế trung lập giữa Trung Quốc và Mỹ.

Trong tình hình này, Việt Nam vẫn đang cố gắng duy trì thế “cân bằng” giữa Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam cần tránh việc đi với bên này để chống bên kia. Tuy nhiên, Việt Nam phải xác định rõ Trung Quốc thực chất là đối tượng đối phó của Việt Nam, đặc biệt với tham vọng trên biển Đông của Bắc Kinh; Mỹ đang là đối tác tích cực của Việt nam. Mặc dù Việt Nam không có ý định chống lại Trung Quốc, nhưng không được để Trung Quốc sử dụng con bài “ý thức hệ”, dùng quan hệ hai đảng để ru ngủ, vỗ về, nhưng trong thực địa thì tìm cách chiếm đoạt biển đảo. Các lãnh đạo Việt Nam cần nhận biết rõ ai là bạn, ai là thù trong thời điểm này, và phải đặt lợi ích của đất nước, dân tộc lên trên các mối quan hệ đảng phái.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Bài Liên Quan

Leave a Comment