Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị truy tố, khung 10-15 năm tù
5 giờ trước
Ông Nguyễn Đức Chung và các đồng phạm bị truy tố về hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước. Trong đó, ông Chung được xác định có vai trò chủ mưu.
Chỉ sau 5 ngày có kết luận điều tra của cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, Viện KSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố 4 bị can trong vụ án \”chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước\” xảy ra tại Hà Nội.
Ngày 25/11, ông Chung cùng Phạm Quang Dũng, cựu cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (C03, Bộ Công an) bị VKSND Tối cao truy tố về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước với khung hình phạt 10-15 năm tù, theo khoản 3 điều 337 Bộ luật hình sự 2015. Đây là mức phạt cao nhất của tội danh này.
Hai bị can khác là thuộc cấp thân thiết của ông Chung cũng bị truy tố cùng tội danh gồm: Nguyễn Anh Ngọc, 46 tuổi, công tác tại phòng thư ký biên tập, tổ giúp việc UBND TP Hà Nội; Nguyễn Hoàng Trung, 37 tuổi, lái xe của ông Nguyễn Đức Chung, đồng thời là chuyên viên phòng thư ký – biên tập, Văn phòng UBND TP Hà Nội. Hai người này bị truy tố theo khoản 1; khung hình phạt 2-7 năm tù.
Bản cáo trạng cho thấy ông Nguyễn Đức Chung có vai trò chủ mưu vụ đánh cắp tài liệu điều tra đại án Nhật Cường. Đây là vụ án hình sự buôn lậu; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; rửa tiền và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo buộc, muốn nắm thông tin điều tra, tài liệu, ông Chung thông qua người quen để móc nối với cán bộ điều tra đang thụ lý vụ án Nhật Cường lúc bấy giờ là ông Phạm Quang Dũng.
Ngày 16/6/2019 ông Chung đã đặt vấn đề và được Dũng đồng ý cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình tiến độ điều tra vụ án Công ty Nhật Cường.
Từ tháng 7/2019 đến 6/2020, thực hiện đề nghị của ông Chung, Dũng đã 5 lần chiếm đoạt 9 tài liệu mật. Trong số này, Dũng chuyển cho ông Chung 2 lần với 6 tài liệu được xem là mật. Việc cung cấp tài liệu cho ông Chung thực hiện qua ba cách: Gọi điện thoại qua ứng dụng phần mềm Viber; chuyển trực tiếp file ảnh chụp và thông qua người khác để cung cấp tài liệu này.
Bị can Trung và Ngọc Anh bị cáo buộc một lần tham gia in, chỉnh sửa 3 tài liệu mật cho ông Chung. Quá trình điều tra cũng xác định ông Chung và vợ là Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa đều là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Đây chỉ là một trong ba vụ án mà Bộ Công an đang điều tra về ông Nguyễn Đức Chung.
Ngoài ra, còn vụ án \”Buôn lậu\”, \”Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng\”, \”Rửa tiền\”, \”Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng\” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội và một số đơn vị liên quan.
Báo Người Lao Động đưa tin, bên hành lang Quốc hội chiều 26/5/2020, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm nói về việc Bùi Quang Huy – Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường bỏ trốn, ông Tô Lâm đã khẳng định: \”Bằng mọi biện pháp, cách gì có thể làm được thì đều làm để bắt được\”.
Vụ án thứ hai ông Nguyễn Đức Chung có liên quan là \”Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí\” xảy ra tại TP Hà Nội.
Đầu tiên, ngày 11/8, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản đình chỉ sinh hoạt Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và đình chỉ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đối với ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để xác minh, điều tra.
Bình luận với BBC hôm 23/11 vừa qua, nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh nói: \”Nếu vụ án được xử trước Đại hội 13, theo tôi có thể coi đây là vụ án điểm nhằm gửi đi thông điệp, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn không từ bỏ công cuộc \”Đốt lò\” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Chủ trì cuộc họp ngày 25/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đã nhấn mạnh \”hoàn thành đúng tiến độ\” điều tra, truy tố, xét xử một loạt vụ án tham nhũng lớn. Trong đó, vụ án Công ty Nhật Cường được nhắc tới là một trong 5 vụ cần \”khẩn trương điều tra\”.