Không phải tất cả 10 tỷ USD của Ngân hàng Trung ương Afghanistan nằm trong tầm với của Taliban

Không phải tất cả 10 tỷ USD của Ngân hàng Trung ương Afghanistan nằm trong tầm với của Taliban

August 19, 2021

\"\"
FILE PHOTO: A money changer holds a stack of Afghan currency on a street in central Kabul April 2, 2014. REUTERS/Tim Wimborne

Lực lượng nổi dậy Taliban đã chiếm Afghanistan với tốc độ đáng kinh ngạc, nhưng có vẻ như Taliban sẽ không chứng minh được quyền kiểm soát nhanh chóng tương ứng đối với phần lớn tài sản trị giá khoảng 10 tỷ USD của ngân hàng trung ương Afghanistan.

Theo một quan chức Afghanistan, ngân hàng trung ương của nước này (DAB), được cho là đang giữ ngoại tệ, vàng và các tài sản quý khác trong kho của mình, tuy nhiên không rõ số lượng cụ thể.

Reuters đã không thể liên lạc với các quan chức ngân hàng trung ương Afghanistan. Ông Ajmal Ahmady, thống đốc ngân hàng trung ương, cho biết trong trên Twitter rằng ông đã bàn giao [công việc] cho các nhân sự cấp phó của ông để điều hành ngân hàng vào hôm Chủ Nhật (15/08), ông khởi hành từ sân bay Kabul sau khi Tổng thống Ashraf Ghani và các quan chức chủ chốt khác đã rời đất nước này. Ông Ahmady đã không trả lời các email và tin nhắn tìm kiếm bình luận của Reuters.

Taliban cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy (14/08) rằng kho bạc, các cơ sở công cộng và văn phòng chính phủ là tài sản của quốc gia và “cần được bảo vệ nghiêm ngặt.”

Dưới đây là những gì chúng ta biết về tài sản và dự trữ của ngân hàng trung ương:

Báo cáo tài chính gần đây nhất được đăng tải trực tuyến cho thấy DAB nắm giữ tổng tài sản khoảng 10 tỷ USD, bao gồm một khoản tương đương 1.3 tỷ USD là vàng dự trữ và 362 triệu USD là dự trữ ngoại tệ bằng tiền mặt, số liệu được tính theo tỷ lệ chuyển đổi tiền tệ hôm 21/06 (ngày phát hành báo cáo).

Nhiều tài sản được cất giữ ở ngoại quốc

Tuy nhiên, phần lớn tài sản sẽ không được cất giữ ở trong nước.

Các ngân hàng trung ương, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển, thường để tài sản của họ ở ngoại quốc thông qua các tổ chức như Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York (FRBNY) hoặc Ngân hàng Trung ương Anh Quốc.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của DAB, FRBNY nắm giữ vàng miếng thay cho ngân hàng trung ương Afghanistan trong các kho cất trữ tính đến cuối năm 2020 trị giá 101,770,256,000 afghanis, tương đương 1.32 tỷ USD.

Báo cáo tháng Sáu của DAB cũng cho biết ngân hàng này sở hữu các khoản đầu tư trị giá 6.1 tỷ USD. Mặc dù báo cáo mới nhất không cung cấp thông tin chi tiết về các khoản đầu tư đó, nhưng phân tích trong báo cáo kết thúc năm cho thấy phần lớn các khoản đầu tư đó là công trái và tín phiếu kho bạc Hoa Kỳ.

Các khoản đầu tư được thực hiện thông qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD), một chi nhánh của Ngân hàng Thế giới, hoặc thông qua FRBNY và được thực hiện tại New York. Trong số các khoản mục nhỏ hơn là cổ phần trong danh mục đầu tư của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, có trụ sở tại Thụy Sĩ, cũng như Ngân hàng Thương mại và Phát triển của Tổ chức Hợp tác Kinh tế ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi được hỏi về việc nắm giữ, một quan chức FRBNY cho biết chính sách của ngân hàng là không thừa nhận hoặc thảo luận với các chủ tài khoản là cá nhân, nhưng thường liên lạc với các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ để theo dõi các sự kiện có thể ảnh hưởng đến quyền kiểm soát của một ngân hàng trung ương ngoại quốc.

Một quan chức trong Chính phủ của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói với Reuters, “Bất kỳ tài sản của ngân hàng trung ương mà chính phủ Afghanistan đang để ở Hoa Kỳ sẽ không được cung cấp cho Taliban.”

Lượng tiền mặt bằng ngoại tệ của DAB trị giá khoảng 362 triệu USD, gần như hoàn toàn bằng USD, được cất giữ tại các trụ sở chính và chi nhánh của ngân hàng cũng như tại dinh tổng thống hiện đang nằm trong tay Taliban.

Báo cáo cuối năm cũng nêu chi tiết rằng chỉ có dưới 160 triệu USD bằng vàng miếng và xu bạc đã được cất giữ tại kho của ngân hàng tại dinh tổng thống.

Theo UNESCO, kho bạc của ngân hàng trung ương Afghanistan cũng là nơi cất giữ các đồ trang sức, đồ trang trí và tiền xu bằng vàng 2,000 năm tuổi được gọi là Kho báu Bactrian (Bactrian Treasure). Khoảng 21,000 hiện vật cổ được cho là đã thất lạc cho đến năm 2003, khi chúng được tìm thấy trong một kho bí mật ở tầng hầm của ngân hàng trung ương, đã tồn tại qua thời kỳ thống trị của Taliban trước đó mà không được phát hiện.

Theo đài truyền hình địa phương Tolo News, vào tháng Giêng, các nhà lập pháp Afghanistan đã đưa ra ý tưởng gửi kho báu ra ngoại quốc để cất giữ an toàn, họ cảnh báo rằng chúng rất dễ bị đánh cắp.

Nhìn vào dự trữ quốc tế của ngân hàng trung ương, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính tổng giá trị đạt 9.5 tỷ USD vào năm 2021 theo một đánh giá mới nhất được công bố của IMF vào tháng Sáu.

Số liệu này tương đương với 15 tháng nhập cảng, cao hơn nhiều so mức ba tháng (nhập cảng) được coi là mức an toàn tối thiểu. IMF cho biết họ xem xét mức dự trữ “nói chung là đủ cho những rủi ro mà Afghanistan phải đối mặt”.

Nghi ngờ về khả năng tiếp cận các SDR 

Một câu hỏi quan trọng sẽ là việc giải quyết phần của Afghanistan trong khoản phân bổ 650 tỷ USD dự trữ tiền tệ là quyền rút vốn đặc biệt (SDR) đối với 190 quốc gia thành viên của Quỹ (IMF) vào ngày 23/08.

Việc phân chia các SDR, đơn vị trao đổi của Quỹ dựa trên USD, Euro, Yên Nhật, Bảng Anh và Nhân dân tệ, là nhằm mục đích tăng dự trữ của các nước đang phát triển gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19. Là một thành viên của IMF, Afghanistan đủ điều kiện để được phân bổ khoảng 455 triệu USD, dựa trên 0.07% hạn mức theo tỷ lệ của họ trong Quỹ.

Những kẻ khủng bố giành được quyền truy cập vào những tài sản đó sẽ khó sử dụng trên toàn cầu, nhưng không phải tất cả các quốc gia đều có quyền truy cập vào các SDR mà họ được phân bổ. Vào năm 2019, IMF đã đình chỉ quyền truy cập của Venezuela vào các SDR của họ sau khi hơn 50 quốc gia thành viên đại diện cho phần lớn cổ phần của Quỹ từ chối công nhận chính phủ ông Nicolas Maduro là người cai trị hợp pháp của Venezuela sau cuộc bầu cử năm 2018 gây tranh cãi.

IMF chưa trả lời yêu cầu bình luận về việc phân bổ SDR cho Afghanistan.

Lưu Đức biên dịch

Bài Liên Quan

Leave a Comment