Việt Nam xem xét phê chuẩn Công ước 98 của ILO

Việt Nam xem xét phê chuẩn Công ước 98 của ILO

.
\"Một

Một công nhân xưởng sửa chữa tàu lửa tại nhà máy Gia Lâm ở Hà Nội hôm 10/5/2017.  AFP

.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam vào ngày 5 tháng 12 tổ chức cuộc hội thảo tại Thành phố Hồ Chí Minh để tham vấn về khả năng phê chuẩn, áp dụng Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quyền tổ chức và thương lượng tập thể tại Việt Nam và đệ trình lên Quốc hội để phê duyệt vào năm tới. Truyền thông trong nước đưa tin hôm 5/12.
Theo Vietnam News, tại buổi hội thảo, bà Sarah Galeski, đồng Chủ tịch Tiểu ban Nguồn nhân lực và Đào tạo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết Việt Nam gần đây đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến ​​sẽ có hiệu lực vào năm tới.
Báo này trích dẫn lời bà Sarah Galeski nói rằng cả CPTPP và EVFTA đều yêu cầu Việt Nam tái xác nhận các cam kết của mình theo Tuyên bố năm 1998 của ILO về các nguyên tắc cơ bản và quyền cho người lao động.
Những quyền này nằm trong tám công ước cơ bản của ILO, trong đó có ba công ước chưa được Việt Nam phê chuẩn, bao gồm công ước 98 về thương lượng tập thể.
Bà Sarah Galeski hy vọng Việt Nam sẽ phê chuẩn công ước này vào năm tới. Bà nói thêm rằng mặc dù Việt Nam chưa phê chuẩn công ước nhưng Bộ Luật Lao động sửa đổi hiện hành của Việt Nam đã có nhiều khái niệm then chốt, chẳng hạn như Điều 8.1 của Bộ luật Lao động hiện hành. Theo đó người sử dụng lao động bị cấm phân biệt đối xử với nhân viên trên cơ sở tham gia công đoàn của nhân viên. Người sử dụng lao động cũng bị hạn chế trong việc chấm dứt hợp đồng lao động của nhân viên cũng là nhân viên công đoàn.
Cũng tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết quyền thương lượng tập thể là rất quan trọng vì nó có thể ảnh hưởng đến lợi ích tập thể.
Theo TTXVN, tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng Việt Nam cần hành động để thể hiện sự nỗ lực trong việc tham gia Công ước 98; phấn đấu được ký kết vào đầu năm 2019 để tháng 3/2019 Nghị viện châu Âu xem xét. Các đại biểu cũng đã thảo luận các vấn đề về việc bảo vệ tổ chức Công đoàn trước hành vi phân biệt đối xử, hành vi can thiệp; các vấn đề thương lượng tập thể và những kiến nghị sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện pháp luật khi tham gia Công ước 98.
Giới hoạt động công đoàn độc lập hy vọng cơ quan chức năng thuộc chính phủ Hà Nội sẽ thực tâm thi hành những cam kết ký với quốc tế trong việc bảo đảm những quyền căn bản cho người lao động.
Nguồn: RFA

Bài Liên Quan

Leave a Comment