Kỳ bí hồ nước đỏ như máu, chim lao xuống biến thành đá
Từ một Medusa thanh tú đến kẻ hóa người thành đá
Trong tác phẩm Thần Phả (Theogony) của Hesiod, Medusa là một trong các cô con gái của Phorcys và Ceto – hai vị thần nguyên thủy của đại dương. Cô và các chị gái sinh ra đã đều mang sức mạnh vượt trội, nhưng khác biệt ở chỗ trong khi các chị mình bất tử thì Medusa chỉ như một người trần.
Theo thời gian, cô bé Medusa lớn lên như một thiếu nữ xinh đẹp. Nàng mang trong mình vẻ đẹp cổ điển của vùng đất đầy nắng gió: Khuôn mặt thanh tú, làn da mịn màng, đôi mắt trong veo và mái tóc bồng bềnh luôn đầy ắp hương thơm.
Khi trưởng thành, Medusa trở thành nữ tư tế của Athena – nữ thần trí tuệ. Trở thành tư tế của nữ thần Athena đồng nghĩa với việc các thiếu nữ phải dâng hiến sự trong trắng cũng như cả cuộc đời của họ với nữ thần. Medusa không phải là ngoại lệ và nàng cũng hy sinh hết những gì có thể để được làm công việc này.
Tuy nhiên, với sắc đẹp như vậy, thật khó để Medusa không làm người khác động lòng. Một trong những người đó là vị thần biển cả Poseidon. Ông đã cướp đi sự trong trắng của nàng Medusa xinh đẹp ngay trong điện thờ thiêng liêng của nữ thần Athena.
Athena, với tư cách là một nữ thần đồng trinh, vô cùng tức giận. Nữ thần đã tước đi sắc đẹp của Medusa. Mái tóc đẹp của Medusa đã trở thành một tổ rắn nhung nhúc, đôi mắt trong veo bỗng hóa đỏ ngầu như máu.
Đáng sợ hơn, đôi mắt ấy nay mang theo sức mạnh vô song, có thể biến bất cứ ai nhìn vào đều trở thành đá. Do đó, vì không muốn ai phải chịu cảnh hóa đá, nàng đành sống cả cuộc đời trong sự cô đơn.
Ngoại hình xấu xí khiến Medusa oán hận. Nàng dần trở nên ác độc và biến những chiến binh muốn giết mình trở thành tượng đá. Ngay cả khi nàng chết, những bộ phận trên thân thể của nàng vẫn gây ra nỗi khiếp đảm.
Hồ nước đổ như máu – Hóa thân của Medusa?
Tại vùng đất hẻo lánh của miền bắc Tanzania (châu Phi), có một hồ nước bí ẩn tên là Natron. Nước hồ có màu đỏ như máu, chứa một loại chất có thể làm bỏng da và mắt; bên hồ rải rác xác của những con chim do đâm xuống hồ. Khi những con chim dạt vào bờ, cơ thể của chúng đã biến thành đá.
Trên thực tế, hồ Natron là một hồ nước tù, nước chỉ có thể bốc hơi mà không có sự trao đổi với bên ngoài. Nước hồ có một chất hóa học có tên là Natron – hỗn hợp với thành phần chính là Natri Bicacbonat (NaHCO3) và Natri Cacbonat (Na2CO3). Chất này đi vào hồ thông qua các vật chất xói mòn từ các ngọn đồi xung quanh. Do không thể thoát đi mà cứ bốc hơi nên nước trong hồ có nồng độ kiềm rất cao.
Hàm lượng Natron trong hồ đã làm cho nó có độ pH khoảng 10,5, tương đương với amoniac. Độ kiềm làm cho nó có những đặc tính khác thường: Gây bỏng hóa học đối với những sinh vật không thích nghi được với điều kiện giàu Natri Cacbonat, nhiệt độ nước lên tới 140 độ F (tương đương khoảng 60độC). Nhiều sinh vật sau khi rơi xuống hồ đã thực sự “hóa đá”.
Bất chấp môi trường khắc nghiệt này, hồ Natron không hề thiếu sự sống. Nó có một hệ sinh thái ổn định bao gồm một quần thể chim hồng hạc, một loài cá và có cả tảo. Những sinh vật này có thể là hậu duệ đã tiến hóa của những động vật sống trên hồ từ trước đó. Chúng đã thích nghi thành công và tồn tại.