70% doanh nghiệp da giày, dệt may Việt Nam bị đối tác phạt hợp đồng

70% doanh nghiệp da giày, dệt may Việt Nam bị đối tác phạt hợp đồng

October 9, 2021

\"\"

Hôm 9 Tháng Mười, báo VNExpress cho hay gần 70% doanh nghiệp da giày, dệt may ở Việt Nam đã bị đối tác phạt hợp đồng, vì giao hàng trễ hơn dự tính ban đầu, chưa kể nhiều đơn hàng cũng bị dịch chuyển sang các nước khác.

Con số nêu trên được đại diện Hiệp Hội Dệt May (Vitas), Hiệp Hội Da Giày Túi Xách Việt Nam (Lefaso) nêu tại cuộc tọa đàm “Chung tay vì sự phục hồi bền vững ngành dệt may-da giày” diễn ra hôm 8 Tháng Mười.

Cùng thời điểm, một cuộc khảo sát do Vitas, Lefaso và Nhóm Hợp Tác Công Tư (PPP) thực hiện, cho thấy gần một nửa doanh nghiệp da giày, dệt may “chậm giao hàng cho đối tác do các đợt phong tỏa kéo dài, chi phí vận tải, logistics tăng cao khiến thời gian vận chuyển hàng bằng đường biển tăng gấp đôi.”

Cụ thể, hành trình chuyển hàng từ Châu Á qua Mỹ mất 80 ngày, thay vì 40 ngày như trước. Tình trạng này khiến hơn 68% nhãn hàng phạt doanh nghiệp Việt Nam vì giao hàng chậm, hơn 12% nhãn hàng hủy đơn hàng, yêu cầu doanh nghiệp phải đền bù và khoảng 21% chủ động hủy nên không bị bồi thường.

Đáng lưu ý, VNExpress dẫn dự báo của bà Đỗ Quỳnh Chi, công tác tại Trung Tâm Nghiên Cứu Quan Hệ Lao Động, các doanh nghiệp của hai ngành xuất cảng tỷ đô la còn đang phải đối diện với sự dịch chuyển đơn hàng và điều này có thể tiếp diễn trong năm tháng tới.

Kim ngạch xuất cảng dệt may Tháng Tám được ghi nhận giảm gần 16% so với Tháng Bảy, và Tháng Chín giảm hơn 9% so với Tháng Tám. Tương tự, xuất cảng giày dép, túi xách cũng “giảm sâu” trong Tháng Chín.

“Họa vô đơn chí,” ngoài chuyện bị đối tác phạt hợp đồng, dịch chuyển đơn hàng, các doanh nghiệp da giày, dệt may còn đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân công trầm trọng do người lao động bỏ về quê.

\"\"
Giới công nhân chiếm đa số trong hàng vạn người tháo chạy khỏi Sài Gòn, Bình Dương và Đồng Nai những ngày đầu Tháng Mười. (Hình: Zing)

“Nhóm lao động có gia đình khi về quê cho biết họ không muốn trở lại miền Nam làm việc. Họ trở về quê tìm việc để ổn định cuộc sống, tiện chăm sóc gia đình, con cái,” theo VNExpress.

Trong khi đó báo Zing ghi nhận, ngành dệt may, da giày đang sử dụng nhiều lao động nhất Việt Nam. Riêng ngành dệt may đã có khoảng 2 triệu nhân công, chiếm 25% trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Khối da giày sử dụng khoảng 1.4 triệu lao động, chiếm 18.2%. Có tới 1.5 triệu người kinh doanh thương mại dịch vụ liên quan đến hai ngành này.

Theo Người Việt

Bài Liên Quan

Leave a Comment