Năm dự án đường sắt đô thị ở TP.HCM và Hà Nội đội vốn hơn 80 ngàn tỷ

Năm dự án đường sắt đô thị ở TP.HCM và Hà Nội đội vốn hơn 80 ngàn tỷ

RFA
2021-10-22

\"NămĐoàn tàu chạy thử trên tuyến đường sắt Cát Linh đến Hà Đông tại Hà Nội ngày 20/9/2018. AFP

Báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình  triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Thành phố  Hồ Chí Minh và Hà Nội cho biết có năm dự án nhiều lần điều chỉnh mức đầu tư, tổng số vốn đội lên hơn 80 ngàn tỷ đồng.

Truyền thông Nhà nước vào ngày 22/10 cho biết, đó là các dự án đường sắt đô thị tuyến: Bến Thành – Suối Tiên, Bến Thành – Tham Lương tại TP.HCM; Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – ga Hà Nội, Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo tại Hà Nội.

Theo số liệu từ báo Nhà nước, dự án đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên tăng 26.400 tỷ đồng. Năm 2007, dự án có tổng mức đầu tư là 17.387 tỷ đồng. Năm 2011 tổng mức đầu tư được điều chỉnh lên 47.325 tỷ đồng.

Dự án tàu điện ngầm Bến Thành – Tham Lương có tổng mức đầu tư tăng hơn 21.700 tỷ đồng. Năm 2010, dự án có mức đầu tư là 26.116 tỷ đồng, năm 2019 điều chỉnh lên 47.890 tỷ đồng.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có tổng mức đầu tư là tăng 9.231 tỷ đồng. Năm 2008, dự án có tổng mức đầu tư 8.769 tỷ đồng, năm 2017 điều chỉnh lên 18.000 tỷ đồng.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội: Tăng khoảng 10.400 tỷ đồng. Đầu tư ban đầu 783 triệu euro, sau đó điều chỉnh là 1.176 triệu euro.

Dự án tuyến Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo: Tăng hơn 16.000 tỷ đồng. Dự kiến đầu tư ban đầu 19.555 tỷ đồng, sau điều chỉnh lên 35.679 tỷ đồng.

Trong đó, dự án Cát Linh – Hà Đông có nhiều tai tiếng nhất vì điều chỉnh vốn và phải dời ngày hoạt động thương mại hàng chục lần.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể nói vì dự án Cát Linh – Hà Đông có quy mô lớn, tính chất phức tạp nên quá trình hoàn thiện thủ tục nghiệm thu bàn giao kéo dài.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông có vốn đầu tư chủ yếu của Trung Quốc và thi công bởi tổng thầu là công ty Trung Quốc.

Bài Liên Quan

Leave a Comment