Tàu ngầm tên lửa hạt nhân Mỹ – Trung ở Biển Đông : Cuộc đấu của thế kỷ 21
Đăng ngày: 13/11/2021
Thùy Dương
Một chủ đề chính của tuần báo L’Obs là Trung Quốc. Trong bài viết « Biển Đông : Chiến tranh dưới đáy biển » trên chuyên mục Giải mã, L’Obs nhận định : Tại Biển Đông, kẻ thù mới số 1 của Mỹ là tàu ngầm Trung Quốc.
Hôm 02/10/2021, « USS Connecticut », một trong những tàu ngầm Mỹ lớn nhất, với 110 thành viên thủy thủ đoàn đã « va chạm » mạnh vào « một vật thể lạ » khiến tàu bị hỏng và 11 thủy thủ bị thương. Theo nhiều chuyên gia, cú va chạm có thể là do « robot » hay « tàu ngầm tự hành » của Hải quân Trung Quốc « vô tình hay cố ý » gây ra. Nhưng Hải quân Mỹ đã bác bỏ thông tin là « USS Connecticut » bị tàu ngầm Trung Quốc đâm. Liệu có phải là để tránh leo thang căng thẳng với Bắc Kinh ?
Dù gì đi chăng nữa, theo L’Obs, vụ va chạm nói trên cũng tiết lộ khía cạnh « ít được biết đến nhất, bí ẩn nhất và mang tính địa chính trị nhất hiện nay », mà theo nhận định của Bruce Jones, Cơ quan tư vấn Mỹ Brookings Institution, trên Wall Street Journal : « Trận đấu của thế kỷ XXI là trận đấu giữa Mỹ và Trung Quốc, diễn ra dưới đáy sâu Thái Bình Dương ».
Để thắng trận dưới đáy biển sâu, từ vài năm nay, Bắc Kinh và Trung Quốc đã lao vào « một cuộc đua điên cuồng về vũ trang tàu ngầm » và đã trang bị được đội tàu ngầm khá lớn. Hai đối thủ Mỹ – Trung cũng chi những khoản tiền khổng lồ cho nghiên cứu để phát triển các loại vũ khí có thể định vị và phá hủy tầu ngầm của đối phương, kể cả ở rất sâu dưới đáy biển.
Cuộc chiến chống tàu ngầm : Từ đáy biển đến không trung
L’Obs cho biết thêm là cuộc chiến chống tàu ngầm đã lan lên tận không trung. Ở vùng trời Ấn Độ – Thái Bình Dương và đặc biệt là Biển Đông, Mỹ đã triển khai nhiều vệ tinh có khả năng dùng tia hồng ngoại để phát hiện tàu ngầm. Hải quân Mỹ cũng sở hữu 5 phi đội máy bay giám sát tàu ngầm đặt tại căn cứ ở Nhật Bản và 4 phi cơ Poseidon mà nhiệm vụ là theo dõi tàu ngầm Trung Quốc, đo từ trường mà những con tàu này tạo ra khi di chuyển.
Trong « cuộc đấu tranh sinh tồn về công nghệ », hồi năm 2017 Trung Quốc đã triển khai « vạn lý trường thành dưới đáy biển ». Theo nhật báo South China Morning Post của Hồng Kông, đây là một hệ thống cảm biến được đặt dưới đáy biển Đông, có khả năng theo dõi các tàu ngầm « theo thời gian thực, có độ nét cao và trong không gian ba chiều ». Thông tin thu thập được sẽ được gửi theo đường cáp quang đến một trung tâm chỉ huy đặt tại Thượng Hải. Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cũng khẳng định đã thiết kế được một máy bay tự hành trang bị tia laser có khả năng phát hiện một tàu ngầm ở độ sâu 160m.
Trận chiến tàu ngầm xoay quanh Đài Loan
Đối với L’Obs, trận đấu này chủ yếu liên quan đến Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh muốn thôn tính và đương nhiên là Washington không chấp nhận vì nhiều lý do : Đài Bắc là biểu tượng của nền dân chủ, từ chối để chế độ độc tài sáp nhập. Đài Loan là nhà sản xuất hàng đầu thế giới về chíp bán dẫn cần thiết cho mọi thiết bị điện tử.
Nhưng quan trọng nhất là, nếu Bắc Kinh chiếm được Đài Loan, thì Trung Quốc sẽ kiểm soát được việc lưu thông hàng hải ở toàn bộ Thái Bình Dương và có thể đặt tên lửa mang đầu đạn hạt nhân từ vị trí gần lãnh thổ Mỹ hơn. Và đây là kịch bản không thể tưởng tượng đối với Washington. Đài Loan, Nhật Bản và Philippines có những eo biển đủ sâu để tàu ngầm của các nước phương Tây có thể từ Thái Bình Dương vào Biển Đông mà không bị phát hiện, cũng như cho phép tàu ngầm Trung Quốc kín đáo từ Biển Đông ra Thái Bình Dương.
Matthew Kroenig, giáo sư về chiến lược, thuộc đại học Georgetown nhấn mạnh, để chặn được một cuộc tấn công của Bắc Kinh nhắm vào Đài Loan, Mỹ phải có khả năng phá hủy toàn bộ tàu của Trung Quốc chỉ trong vòng 72 giờ. Theo chuyên gia này, đó cũng là lý do Úc hủy hợp đồng tàu ngầm với Pháp để chuyển sang mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ, bởi như vậy Hải quân Úc mới có thể đến được Biển Đông sau 1 ngày và tham gia hiệu quả vào việc bảo vệ Đài Loan, đồng thời có khả năng phá hủy nhiều tàu quân sự của Trung Quốc trên lộ trình đến Biển Đông.
Vai trò tối cao : Răn đe hạt nhân
Trong trận đấu của thế kỷ XXI, các tàu ngầm còn có một vai trò khác mang tính quyết định : răn đe hạt nhân. Một cường quốc sẽ là bất khả xâm phạm nếu có khả năng « tấn công thứ hai » về nguyên tử, tức là ngay cả sau khi bị tấn công hạt nhân quy mô lớn, họ vẫn có phương tiện tấn công hạt nhân đáp trả. Nếu Trung Quốc có khả năng này, họ có thể xâm lược Đài Loan bất cứ khi nào Bắc Kinh thấy phù hợp mà không lo bị Washington đe dọa hạt nhân. Liệu có vị tổng thống Mỹ nào chấp nhận mạo hiểm để New York hoặc Los Angeles bị phá hủy nhằm bảo vệ Đài Loan ?
Các tàu ngầm tên lửa hạt nhân là công cụ tối cao cho khả năng « tấn công thứ hai » về nguyên tử, với 2 điều kiện : các tàu ngầm phải đủ khả năng chống ồn và tàng hình để không bị phát hiện ; tầm bắn của tên lửa phải đủ xa để phóng tới lãnh thổ của kẻ thù. Dường như các tàu ngầm tên lửa hạt nhân của Trung Quốc vẫn chưa hội đủ hai yếu tố này.
Để khả năng « tấn công thứ hai » về nguyên tử của Trung Quốc không còn quá phụ thuộc vào eo biển Đài Loan, nối từ Biển Đông ra Thái Bình Dương, Tập Cận Bình hồi tháng 03/2021 đã ra lệnh cho quân đội đẩy nhanh nhất có thể việc chế tạo một thế hệ tầu ngầm tấn công hạt nhân mới (Tang 096), ít gây ồn hơn và được trang bị tên lửa có tầm bắn tới 11.000 km, như vậy các tàu ngầm này sẽ không phải rời khỏi vùng biển của Trung Quốc, nếu muốn phóng tên lửa hạt nhân tới tận lãnh thổ Mỹ. Tập Cận Bình đặt mục tiêu đến năm 2030, thế hệ tàu ngầm mới sẽ đi vào hoạt động. L’Obs kết luận : Khi đó, không điều gì có thể ngăn cản Tập Cận Bình thực hiện giấc mơ tấn công Đài Loan.