Tập Cận Bình chối ‘không bắt nạt ASEAN’ khi chặn tàu Philippines ở bãi Cỏ Mây
Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với lãnh đạo các quốc gia khối Đông Nam Á (ASEAN) là “Trung Quốc không bá quyền, không bắt nạt khi đang chặn tàu Philippines ở bãi Cỏ Mây” trong vùng Biển Đông.
“Trung Quốc cương quyết chống chủ nghĩa bá quyền và chính trị quyền lực, mong muốn duy trì quan hệ bằng hữu với các nước láng giềng và cùng nhau nuôi dưỡng hòa bình lâu dài ở khu vực, đồng thời nhất định không theo đuổi bá quyền hay nhỏ bé hơn, cậy lớn bắt nạt bé.”
Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với lãnh đạo 10 nước ASEAN trong cuộc họp thượng đỉnh ngày 22 Tháng Mười Một, kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối tác với ASEAN.
Những lời đường mật của ông ta trái ngược hoàn toàn với những gì vừa diễn ra tại bãi Cỏ Mây trên Biển Đông và những tháng trước đó liên quan đến các nước Việt Nam, Indonesia và Malaysia, Philippines.
“Duy trì hòa bình là lợi ích chung lớn nhất của chúng ta mà cũng là khát vọng ấp ủ của nhân dân các nước. Chúng ta cần phục vụ như những người xây dựng và bảo vệ hòa bình trong khu vực,” lời ông Tập Cận Bình tại cuộc họp được Tân Hoa Xã dẫn lại.
“Chúng ta cần thi hành (đường lối) đa phương thật sự và bám chặt lấy cái nguyên tắc mà các hoạt động quốc tế và khu vực được xử lý qua đàm phán giữa chúng ta.”
Hôm Thứ Ba, 16 Tháng Mười Một, ba tàu Hải Cảnh rất lớn của Trung Quốc ngăn cản và xịt vòi rồng vào hai tàu tiếp tế rất nhỏ của Philippines mang đồ tiếp liệu cho nhóm lính Thủy Quân Lục Chiến của Philippines trên chiếc tàu BRP Sierra Madre trấn giữ tại bãi Cỏ Mây như một biểu tượng xác lập chủ quyền lãnh thổ trong cuộc tranh chấp với các nước khác.
Việt Nam gọi là bãi Cỏ Mây, Philippines gọi là Ayungin, Trung Quốc gọi là Renai Jiao (Nhân Ái Tiêu), tên quốc tế là Second Thomas Shoal.
Theo Wikipedia, thực thể này là một rạn san hô thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa, nằm về hướng Đông Nam của đá Vành Khăn, lâu nay vẫn là đối tượng tranh chấp chủ quyền giữa Philippines với Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan.
Từ năm 1999, chính phủ Philippines đã cố tình cho chiếc tàu BRP Sierra Madre đâm vào rạn san hô cho nó mắc cạn ở đó để lính trấn giữ, xác lập chủ quyền. Bắc Kinh cho đám tàu dân quân biển và hải cảnh tuần tiễu chung quanh, ngăn chặn không cho chính phủ Philippines tiếp tế cho lính trên tàu, trong những năm qua.
BRP Sierra Madre là hải vận hạm của Hải Quân Mỹ sử dụng trong Thế Chiến II, sau đó chuyển giao cho VNCH được đổi tên thành HQ 800 (Hải Vận Hạm Mỹ Tho). Khi VNCH sụp đổ, nó được chuyển giao cho Philippines.
Khi tàu tiếp tế của Philippines bị Hải Cảnh Trung Quốc ngăn chặn, Philippines lập tức phản đối Bắc Kinh.
Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte lâu nay được nhìn như hòa hoãn với Bắc Kinh đã ra một bản tuyên bố kêu rằng việc xảy ra này “không nói tốt cho mối quan hệ giữa các quốc gia và tình nghĩa đối tác.”
Ông cũng kêu gọi Trung Quốc nên tuân thủ theo Công Ứớc Quốc Tế về Luật Biển và bản phán quyết năm 2016 của tòa án quốc tế bác bỏ tuyên bố chủ quyền “Lưỡi Bò” của Trung Quốc trên Biển Đông.
Những tháng gần đây, các tàu hải cảnh, tàu khảo cứu và đám tàu dân quân biển của Trung Quốc quấy rối hoạt động dầu khí của Indonesia và Malaysia trên Biển Đông. Không thấy có gì nổi bật về sự quấy rối của đám tàu Trung Quốc với các hoạt động dầu khí của Việt Nam từ khi Hà Nội hủy bỏ khoan tìm mỏ mới ở bãi Tư Chính.
Trong khi ông Tập Cận Bình dỗ ngọt lãnh đạo các nước ASEAN, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Zhao Lijian (Triệu Lập Kiên) hôm Thứ Hai, lập lại lời tuyên bố Bắc Kinh bác bỏ phán quyết 2016 của Tòa Trọng Tài Quốc Tế.
Ông ta ngang ngược nói rằng: “Chủ quyền lãnh thổ và quyền hàng hải cũng như lợi ích (của Trung Quốc) tại Biển Đông được hậu thuẫn bằng các căn bản lịch sử và pháp lý.”
Cậy sức mạnh quân sự ăn trùm các nước nhỏ khu vực, Triệu Lập Kiên nói rằng: “Bất cứ nỗ lực nào thách đố chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc đều thất bại.”
Phát biểu tại cuộc họp với Chủ Tịch Tập Cận Bình, ông Ismail Sabri Yaakob, thủ tướng Malaysia cũng nêu vấn đề Biển Đông nhưng cũng chỉ nhẹ nhàng. Ông kêu gọi các nước kềm chế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tránh những hành động khiêu khích có thể làm gia tăng căng thẳng ở khu vực.
Với lực lượng hải quân hùng mạnh, Trung Quốc mở rất nhiều cuộc tập trận quy mô trên Biển Đông với mẫu hạm, máy bay ném bom tầm xa, hỏa tiễn diệt hạm phóng từ lục địa. Các tàu hải cảnh và hàng trăm tàu dân quân biển của họ thường trực xâm phạm các vùng đặc quyền kinh tế của các nước trong khu vực.
Trang mạng của nhà cầm CSVN là “chinhphu.vn” thuật lời ông Thủ Tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp kể trên, ve vuốt Bắc Kinh là “ASEAN và Trung Quốc vừa nhất trí thiết lập là minh chứng cho thành quả hợp tác 30 năm qua, trên cơ sở tin cậy chính trị, hợp tác hữu nghị và toàn diện, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.”
Ông Chính thay mặt đảng CSVN nuốt xuôi xuống bụng một tỷ đô la trả cho công ty Rapsol (Tây Ban Nha) để công ty này hủy bỏ cuộc khoan tìm dầu khí tại mỏ Cá Rồng Đỏ (136.03 và 07.03) trước các đe dọa của Bắc Kinh hồi năm 2019.
Theo Người Việt