Bóng đen Trung Quốc tại Tân Calédonie
Pháp lại có « duyên nợ » với Bắc Kinh tại lãnh thổ hải ngoại Tân Calédonie, được tuần báo L’Obs nói rõ trong bài « Cái bóng của Trung Quốc trên Caillou ». « Caillou » (viên sỏi) là tên người dân dùng để gọi đảo chính Grande Terre của quần đảo thuộc Pháp tại Thái Bình Dương. Ngày 12/12 Tân Calédonie sẽ trưng cầu dân ý về độc lập, và Trung Quốc đang tìm cách thao túng phe ly khai để khống chế vùng đất này.
Từ tháng 10/2017, một năm trước cuộc trưng cầu dân ý lần thứ nhất, một phái đoàn Trung Quốc hùng hậu gồm đại sứ, cố vấn… đổ bộ lên mảnh đất nhỏ bé giữa Thái Bình Dương mênh mông, sự kiện chưa từng thấy đối với người dân trên đảo. Địch Tuấn, đại sứ Trung Quốc tại Pháp và là cựu thứ trưởng ngoại giao là một nhân vật hàng đầu trong thứ bậc đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã đi thăm toàn bộ những người lãnh đạo địa phương thuộc mọi khuynh hướng, với khoảng mười mấy cố vấn tháp tùng cùng hòa giọng.
Đại sứ nói sẵn sàng phục vụ cho Tân Calédonie, cho khu vực Thái Bình Dương, chỉ muốn giúp đỡ để phát triển ngư nghiệp, cơ sở hạ tầng, đưa khách từ Hoa lục đến du lịch… Dân biểu Philippe Gomès cũng được thăm viếng và rất kinh ngạc vì mười năm trước đó là người đứng đầu tỉnh Nam, ông đã đề nghị mở lãnh sự Trung Quốc để tạo điều kiện cho du lịch nhưng bị Bắc Kinh làm ngơ. Nay trước viễn cảnh Tân Calédonie có thể trở nên độc lập, họ đã thay đổi.
Tổng thống Pháp cảnh báo mưu đồ bá chủ Thái Bình Dương của Bắc Kinh
Sau chuyến thăm ấn tượng này, Pháp tỏ ra cảnh giác. Tháng 5/2018, tổng thống Emmanuel Macron báo động với 270.000 dân Tân Calédonie rằng « Trung Quốc đang mưu đồ làm bá chủ » tại khu vực. Bởi vì quần đảo rộng 18.575 kilomet vuông tập trung tất cả những gì Bắc Kinh đang thèm muốn ở Thái Bình Dương.
Trước hết, là nickel chiếm đến 25-30% trữ lượng toàn cầu, trong khi Trung Quốc là nước tiêu thụ hàng đầu, cần thiết cho các nhà máy sản xuất bình điện. Một Tân Calédonie độc lập còn có thể hy vọng thêm được một lá phiếu ủng hộ ở Liên Hiệp Quốc. Cuối cùng, là vị trí chiến lược đối với Úc và Hoa Kỳ, trong bối cảnh Thái Bình Dương đang là nơi diễn ra cuộc chiến địa chính trị giữa Trung Quốc và phương Tây. Quần đảo cũng đã có sẵn cơ sở hạ tầng quân sự, là nơi trú đóng của quân đội Pháp và hậu cứ Mỹ trong Đệ nhị Thế chiến.
Bóng đen đầy đe dọa của Bắc Kinh khiến bộ trưởng Hải Ngoại Sébastien Lecornu đặt câu hỏi : « Người dân Calédonie muốn đối đầu với Trung Quốc trong khuôn khổ Cộng hòa Pháp, hay đơn độc ? »
Trung Quốc không có những ăng-ten thường lệ để xâm nhập vào một lãnh thổ, không lãnh sự quán hay Viện Khổng Tử, cộng đồng người Hoa có hiện diện ở Nouméa nhưng ít ỏi. Tuy nhiên Bắc Kinh quyết tâm đặt chân vào Tân Calédonie qua những quan hệ chính trị và thương mại, và một trong số đó là Hiệp hội hữu nghị Trung Quốc-Calédonie, đã dệt được một mạng lưới xung quanh nhà lãnh đạo người bản địa Kanak chủ trương ly khai, Roch Wamytan, chủ tịch Quốc Hội. Báo cáo của Viện nghiên cứu chiến lược thuộc trường Quân Sự Pháp đánh giá « một Tân Calédonie độc lập sẽ đương nhiên dưới ảnh hưởng Trung Quốc ».
Một nhân vật gốc Việt vận động cho Trung Quốc
Một cửa ngõ khác cho Trung Quốc : nickel, và nhân vật đóng vai trò rất quan trọng là một người gốc Việt tên André Dang, biệt danh « Ông Nickel ». Ông Dang giàu có, nhiều ảnh hưởng, ủng hộ Tân Calédonie độc lập, là giám đốc Công ty hầm mỏ Nam Thái Bình Dương (SMSP), một trong ba công ty khai khoáng lớn nhất quần đảo, mới về hưu hồi tháng Bảy. Từ giữa những năm 2000, André Dang thường xuyên đi lại Trung Quốc để làm ăn.
Paris nhận ra Bắc Kinh đã từng mưu toan thao túng cuộc trưng cầu dân ý năm 2018. Lúc đó trên Facebook xuất hiện những tài khoản giả và các bài đăng nhằm định hướng lá phiếu. Số phiếu cách biệt trong lần trưng cầu dân ý thứ hai năm 2020 chỉ vỏn vẹn 9.000, rất dễ đảo lộn kết quả, thế nên Pháp sẽ thử nghiệm hệ thống Viginum chống xâm nhập kỹ thuật số trong lần bỏ phiếu ngày 12/12 tới. Paris còn nghi ngờ những cuộc biểu tình chống vac-xin ở Tân Calédonie gần đây, liệu có bàn tay Trung Quốc phía sau ?
Cho đến nay, Pháp đã bảo vệ được lãnh thổ hải ngoại này trước sự dòm ngó của Nhật vào đầu thế kỷ 20, của Mỹ sau Đệ nhị Thế chiến, rồi đến Úc và New Zealand, và nay Trung Quốc là cường quốc mới nhất muốn đặt chân vào. Nhà nghiên cứu Bastien Vandendyck lưu ý, « Không có hòn đảo nào ở tiểu vùng Melanesia chống chọi được trước ảnh hưởng Trung Quốc trừ Tân Calédonie, chỉ vì quần đảo này thuộc Pháp ». Fidji, Vanuatu, Papouasie-Tân Guinée, Salomon… đã lần lượt rơi vào vòng tay Bắc Kinh. Dân biểu Philippe Gomès lo ngại, Trung Quốc như « một thợ lặn ẩn mình sau một tảng đá, chờ đến lúc con cá đến đủ gần để bắn ra mũi tên » và đạt được mục tiêu.