Kịch bản Nga xâm chiếm Ukraina ít có khả năng xảy ra

Kịch bản Nga xâm chiếm Ukraina ít có khả năng xảy ra

Đăng ngày: 06/12/2021

Thanh Hà

Khuấy động hồ sơ Ukraina để tránh bị chìm vào quên lãng, không để Trung Quốc độc quyền thu hút chú ý của Hoa Kỳ và Matxcơva cần được bảo đảm vĩnh viễn là NATO không bao giờ kết nạp Kiev vào Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Đó là những gì tổng thống Nga Vladimir Putin muốn đạt được với đồng nhiệm Mỹ Joe Biden nhân thượng đỉnh trực tuyến dự trù diễn ra vào ngày 07/12/2021.

Trong tuần qua, căng thẳng dồn dập dấy lên chung quanh hồ sơ Ukraina. Báo chí đưa tin Matxcơva chuẩn bị chiến dịch tấn công Ukraina. Tại Kiev, bộ trưởng Quốc Phòng Oleksii Reznikov thậm chí cho rằng « có nhiều khả năng » chiến dịch quân sự sẽ diễn ra vào khoảng cuối tháng 01/2022. Cùng lúc, ngoại trưởng Dmytro Kuleba tỏ ra cương quyết xem việc Ukraina gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương là điều tất yếu. 

Ukraina cũng là trọng tâm đối thoại giữa ngoại trưởng Hoa Kỳ và Nga bên lề cuộc họp của Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu. Tổng thống Joe Biden cho đến tận ngày 03/12/2021 vẫn duy trì sức ép với Matxcơva khi úp mở cho biết đang « chuẩn bị một số sáng kiến » để bảo vệ Ukraina nếu kịch bản xấu nhất xảy ra. Dù vậy, tất cả các nhà phân tích cùng cho rằng « trước mắt, ít có khả năng Matxcơva xâm chiếm Ukraina ».

Giám đốc Đài Quan Sát Pháp – Nga tại Matxcơva, Arnaud Dubien, lưu ý : Có rất nhiều thông tin trái chiều về tình hình tại biên giới giữa Ukraina và Nga. Không ai phủ nhận là tình hình trong khu vực đã « nóng lên » nhưng trong số 175.000 lính Nga đang được triển khai tại biên giới với Ukraina bao gồm cả « những đơn vị thường trú (…) trong các vùng Voronej hay Crimée »

Florent Parmentier, thuộc Trung Tâm nghiên Cứu trường Khoa Học Chính Trị Paris, chuyên về tình hình nước Nga và Đông Âu, cho rằng Kremlin cố tình thu hút chú ý công luận quốc tế vì biết rằng hồ sơ đặc biệt nhậy cảm. Tuy nhiên, Arnaud Dubien giải thích, thọc gậy bánh xe chính quyền Kiev bằng cách hỗ trợ phe ly khai ở Donbass là một chuyện, xâm chiếm, quản lý hẳn một vùng lãnh thổ của Ukraina lại là một chuyện khác và trong kịch bản thứ nhì này, Matxcơva « sẽ tốn kém hơn nhiều » cả về tài chính lẫn các nguồn nhân lực.

« Nga có khả năng can thiệp quân sự vào Ukraina » và sẽ nhanh chóng dẹp tan hàng phòng thủ của đối phương nhưng bước kế tiếp sẽ là gì ? Ở thời điểm này, xâm chiếm Ukraina có ích lợi gì cho nước Nga hay không ? »  

Hai nhà phân tích Pháp, Arnaud Dubien và Florent Parmentier cùng đưa ra một câu trả lời : Matxcơva trước mắt chỉ dùng lá bài Ukraina để « bắt mạch » tình hình, xem chính quyền Biden cương quyết ủng hộ Kiev đến mức nào. Từ khi Washington tuyên bố chĩa mũi dùi vào Bắc Kinh, mặc nhiên Ukraina – và qua đó là an ninh châu Âu bị Hoa Kỳ xếp vào hàng thứ yếu. Do vậy, các nhà chiến lược tại Nga xem đây là cơ hội để mặc cả thêm với Washington. Nga đơn giản muốn được bảo đảm một cách « vĩnh viễn » rằng NATO không « mở rộng sườn đông » sang đến tận Ukraina.

Mục tiêu của ông Putin rất rõ ràng : áp dụng lại với Ukraina mô hình của Phần Lan trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Trong chiến tranh lạnh, Phần Lan, dù nằm sát Liên Xô nhưng vẫn trong thế trung lập. Khi bức màn sắt sụp đổ, Helsinki đã gia nhập Liên Hiệp Châu Âu nhưng vẫn đứng ngoài NATO.

Fyodor Lukyanov, trung tâm nghiên cứu Carnegie Matxcơva, trong một bài phát biểu gần đây, đã ghi nhận : lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô là ông Mikhail Gorbatchev đã được Hoa Kỳ bảo đảm rằng NATO sẽ không mở rộng sang sườn đông. Nhưng điều đó đã không được ghi rõ giấy trắng mực đen trên bất kỳ một văn bản chính thức nào. Phía Nga lo ngại rằng một ngày nào đó, lời hứa năm xưa của Washington không còn hiệu lực. Mối lo đó không hoàn toàn vô căn cứ. Năm 2008, Ukraina và Gruzia đã tưởng như có thể gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Nhưng Pháp và Đức đã chặn lại kế hoạch này vào phút chót, tránh khiêu khích Nga.

Tổng thống Vladimir Putin muốn lợi dụng thời điểm này để mặc cả với Mỹ về một giải pháp sau cùng cho Ukraina.

Trước mắt, có thể rút ra được ba điểm từ những căng thẳng gần đây : một là việc Nga- Mỹ trực tiếp đối thoại với nhau về tình hình Ukraina, mà qua đó là an ninh của châu Âu, cho thấy Liên Âu không có trọng lượng nào trong mắt của chủ nhân điện Kremlin.

Thứ hai là trong mỗi đợt căng thẳng về quân sự, luôn kèm theo rủi ro một sự cố có thể xảy ra và tình hình có thể « vựợt tầm kiểm soát » của các bên, dẫn đến những kịch bản tai hại.

Sau cùng, kinh nghiệm về quan hệ quốc tế cho thấy, trước các vòng đàm phán, mỗi bên đều cứng giọng với đối phương. Công luận tưởng chừng kịch bản chiến tranh cận kề, nhưng rồi may mắn thay là các bên thường tìm ra được ngõ thoát để hạ nhiệt tình hình và cũng có thể là dấu hiệu báo trước một giai đoạn « tan băng ».

Bài Liên Quan

Leave a Comment