RSF : Người dân Việt Nam cần thêm thông tin ngoài những kênh chính thức của Nhà nước

RSF : Người dân Việt Nam cần thêm thông tin ngoài những kênh chính thức của Nhà nước

Đăng ngày: 20/12/2021

Thu Hằng

Chỉ trong tháng 12/2021, năm nhà hoạt động nhân quyền bị đưa ra xét xử ở Việt Nam, trong đó có nhà báo Phạm Đoan Trang. Còn tính đến ngày 01/12, Việt Nam đã kết án 43 nhà báo và blogger, trở thành nước thứ ba trên thế giới bỏ tù nhiều nhà báo nhất trong năm 2021 (chỉ sau Trung Quốc và Miến Điện), theo báo cáo hàng năm của tổ chức Reporters Sans Frontières (RSF, Phóng Viên Không Biên Giới) tại Paris.

Sau khi các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế lên tiếng, Pháp, Liên Hiệp Châu Âu và Phủ Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cũng lần lượt kêu gọi Việt Nam trả tự do cho những người vừa bị kết án. Theo Phủ Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ngày 17/12, những bản án nặng nề “góp phần tạo ra bầu không khí tự kiểm duyệt trong nước, khiến người dân lạnh nhạt với tự do truyền thông”“ngăn cản mọi người thực hiện các quyền cơ bản và tham gia vào các cuộc tranh luận công khai về những vấn đề quan trọng” của Việt Nam.

Ông Daniel Bastard, giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Reporters Sans Frontières (RSF, Phóng Viên Không Biên Giới), cũng có những nhận định tương tự khi trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt ngày 17/12 nhân dịp RSF công bố báo cáo hàng năm về các hành vi ngược đãi đối với các nhà báo trên khắp thế giới.

*****

RFI : Ngày 16/12/2021, Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters Sans Frontières, RSF) công bố báo cáo hàng năm về các hành vi ngược đãi các nhà báo trên khắp thế giới. RSF dựa trên những thông số nào để xếp Việt Nam trong nhóm 5 nước bỏ tù nhiều nhà báo nhất ?

Daniel Bastard : Năm nay (2021), tổ chức chúng tôi ghi nhận không dưới 43 nhà báo và bloggeur đang bị cầm tù ở Việt Nam, gồm những người đang bị tạm giam hay đã bị kết án. Trong số 43 nhà báo, chúng tôi chia thành hai nhóm, rất đặc trưng cho một quốc gia như Việt Nam. Một nửa trong số họ không phải là nhà báo chuyên nghiệp, không làm việc cho các cơ quan truyền thông chính thức nên họ được gọi là “blogger”.

Thực ra, đó là những công dân, khi thấy báo chí chính thức không cho phép họ nhận được những thông tin đáng tin cậy và độc lập, nên tự đi điều tra và làm công việc của một nhà báo và công bố nội dung công việc của họ dưới dạng video hay bài viết. Và vì công việc này, họ phải trả giá là bị bắt giữ hay bị cầm tù vì những động cơ khác nhau, trong đó lý do thường xuyên nhất là “tuyên truyền chống phá Nhà nước” hay “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.

Những cụm từ này có vẻ hoàn toàn không phù hợp với một nhà nước pháp quyền dân chủ nhưng lại diễn ra ở Việt Nam theo bộ luật hình sự. Đây là điểm rất quan trọng và rất đặc thù ở Việt Nam, nơi có tỉ lệ nhà báo công dân cao. Họ là những người quyết định gánh trọng trách thông tin cho người dân về những gì đang xảy ra ở trong nước.  

RFI : Ở đây có sự khác nhau về khái niệm “nhà báo” từ quan điểm của Việt Nam và nhìn từ các nước phương Tây ?

Daniel Bastard : Cần lưu ý rằng tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ quyền tự do báo chí, quyền tự do thông tin và quyền được làm báo nói chung. Khi nói về nghề làm báo, không nhất thiết phải có thẻ nhà báo, không hẳn phải làm việc cho một cơ quan truyền thông cố định, mà là phục vụ cho một khái niệm rộng hơn một chút, vẫn được gọi là “lợi ích công cộng”, có nghĩa là lợi ích cho toàn thể công dân của một cộng đồng, một quốc gia như Việt Nam.

Có thể dễ nhận thấy rằng Phóng Viên Không Biên Giới có hai danh mục nhà báo : nhà báo “công dân” và nhà báo chuyên nghiệp. Trong trường hợp thứ nhất, chúng ta có những công dân hoạt động vì lợi ích chung. Họ không tìm được khái niệm “lợi ích công” này ở các phương tiện truyền thông chính thống nên nhận thấy phải thông tin cho đồng hương, ví dụ như về cuộc biểu tình phản đối một dự án gây ô nhiễm môi trường, hay một vụ tham nhũng ở địa phương. Vì những thông tin như vậy không được truyền tải trên truyền thông chính thức nên phải đăng lên blog, một trang mạng hoặc một kênh video.

Liên quan đến những người mà chúng tôi coi là nhà báo chuyên nghiệp, chúng tôi nhận thấy rằng thường đó là những nhà báo dày dặn kinh nghiệm vì họ bắt đầu sự nghiệp trong cơ quan truyền thông chính thức, các hãng thông tấn hay trong nhiều tờ báo lớn thuộc báo chí chính thức của Việt Nam. Phải nhắc lại là Việt Nam có rất nhiều đầu báo và kênh truyền hình nhưng tất cả đều theo một đường lối biên tập duy nhất theo sự chỉ đạo của ban Tuyên giáo Trung ương.

Chúng tôi nhận thấy rằng nhiều nhà báo nghĩ là sẽ mang thiên chức nhà báo phục vụ đất nước hoặc người dân Việt Nam, nhưng lại nhận ra thực tế “không phải vậy. Bên trong các phương tiện truyền thông chính thức này, người ta không thể làm việc như một nhà báo thực thụ vì không có tự do biên tập”. Trưởng ban biên tập lại luôn nói : “Không, chúng ta không thể đưa tin về vấn đề này vì quá nhạy cảm. Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ khiển trách”.

Chính từ thực tế này đã nảy sinh một trong những đặc trưng của Việt Nam. Đó là ngày càng có nhiều nhà báo thất vọng vì những gì diễn ra trong các cơ quan truyền thông chính thức, nên họ lập kênh truyền thông riêng hoặc hợp tác với các kênh truyền thông, phần lớn đặt ở nước người hoặc những kênh không được chính thức theo dõi ở Việt Nam.

RFI : Theo ông, liệu sẽ có một số thay đổi về tự do báo chỉ ở Việt Nam trong tương lai ?

Daniel Bastard : Tôi lại bắt đầu với con số 43 nhà báo đang bị giam giữ ở Việt Nam. Tôi nghĩ đây là một kỷ lục. Chưa bao giờ lại có nhiều nhà báo bị cầm tù ở Việt Nam đến như vậy kể từ khi tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới thống kê số nhà báo bị bắt giam. Con số này mang ý nghĩa lịch sử và cho thấy hai khả năng, hoặc là cuộc trấn áp quá mạnh hoặc có quá nhiều nhà báo ở Việt Nam tìm cách thông tin cho đồng bào.

Bất chấp đường lối biên tập được chỉ đạo từ trung ương, chúng tôi vẫn thấy loại hình báo chí “blogosphere” (thế giới blog) rất năng động, tích cực trong việc tìm kiếm và trao đổi thông tin. Đây giống như trò chơi mèo vờn chuột giữa bộ Công An muốn ngăn cản các nhà báo lên tiếng và những công dân ngày càng muốn đảm nhiệm chức năng nhà báo và tìm kiếm thông tin.

RFI : Facebook, mạng xã hội lớn ở Việt Nam, giống như ở nhiều nước khác, bị cáo buộc vi phạm quyền tự do ngôn luận của người sử dụng. Việc vi phạm này ở Việt Nam khác với ở các nước phương Tây như nào ?

Daniel Bastard : Trường hợp của Việt Nam cũng rất thú vị vì trái với Trung Quốc, mạng xã hội Facebook không bị chặn mà được phép hoạt động ở Việt Nam. Tại Trung Quốc, nếu gõ Facebook.com, thì một dòng tin nhắn lỗi sẽ hiện lên và phải sử dụng mạng ảo để truy cập Facebook. Nói tóm lại, rất ít người Trung Quốc sử dụng Facebook.

Ở Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại. Phần lớn người sử dụng internet đều dùng Facebook. Mạng xã hội này trở thành nền tảng trao đổi rất nhiều thông tin, như tôi nói ở trên, là “thông tin vì lợi ích công cộng”. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ Facebook lại dựa trên thuật toán, hoàn toàn thiếu minh bạch. Một thông tin, một bài đăng có thể được gửi đến người sử dụng này mà lại không chuyển đến một người khác.

Thực ra, Facebook có trách nhiệm là nhà cung cấp thông tin lớn và có vai trò thực sự trong việc nêu bật những thông tin được coi là đáng tin cậy, tức là thông tin của báo chí thực thụ. Tuy nhiên, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới cho rằng Facebook đã không đáp ứng được những kỳ vọng theo trách nhiệm của họ, có nghĩa là Facebook phải ý thức được rằng họ là nguồn thông tin tiềm năng dựa trên báo chí đáng tin cậy nhưng cũng là nguồn thông tin tuyên truyền, thậm chí dẫn đến thù hận.

Lấy ví dụ Miến Điện vào lúc diễn ra các vụ thảm sát người thiểu số Rohingya, Facebook đã trở thành công cụ cho những phát biểu, kêu gọi thù hận và giết người. Facebook đã không làm gì để điều chỉnh vì họ hoàn toàn không có nhận sự để xử lý các thông điệp viết bằng tiếng Miến Điện. Do đó, có thể thấy là sự thiếu điều chỉnh từ phía Facebook có thể gây ra tác động và hệ quả rất lớn và kinh hoàng.

Chính vì vậy, chúng tôi kêu gọi Facebook phải chứng minh được trách nhiệm của họ bằng cách điều chỉnh tốt hơn các mạng xã hội, trước tiên là bằng tiếng Việt, tiếp theo là bên trong nước Việt Nam và nhất là kháng lại được những yêu cầu của bộ Công An Việt Nam. Chúng ta biết là bộ Công An Việt Nam có cả một đội quân “dư luận viên” (troll) chuyên lợi dụng các thuật toán và truy đuổi những công dân tìm cách phổ biến thông tin đáng tin cậy.

RFI : Có thể thấy là Phóng Viên Không Biên Giới, cũng như nhiều tổ chức phi chính phủ khác, rất nhanh chóng và kịch liệt lên án các bản án nhắm vào các nhà báo hoạt động. Ngoài ra, RSF còn có phương tiện hành động nào khác, chẳng hạn đối với trường hợp Việt Nam ?

Daniel Bastard : Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới có hai phương tiện hành động lớn. Dĩ nhiên ngoài việc lên án các vụ kết án, hỗ trợ các nhà báo bị tù và gia đình họ, những gia đình nhà báo gặp khó khăn về tài chính, thì chúng tôi “vận động hành lang”.

Với tư cách là một tổ chức phi chính phủ, chúng tôi sẽ đi gặp các chính phủ châu Âu hoặc Bắc Mỹ để yêu cầu họ, trong các cuộc trao đổi song phương với đồng nhiệm Việt Nam, đề nghị trả tự do cho một nhà báo nào đó. Thông thường, cách hiệu quả là đưa tên một hoặc hai mục tiêu để các nhà ngoại giao châu Âu hoặc Bắc Mỹ có thể nêu lên và yêu cầu phía đồng nhiệm Việt Nam, kiểu như “Đây, chúng tôi biết là việc nhà báo này bị bắt giam là hoàn toàn trái luật pháp và quá đáng. Trong khuôn khổ trao đổi song phương, chúng tôi yêu cầu các ngài trả tự do cho nhà báo đó”.

Đó là cách mà chúng tôi đã làm thành công để blogger Mẹ Nấm sang Mỹ và blogger Nguyễn Văn Đài sang Đức. Vấn đề lớn đặt ra là để được tự do, họ phải chấp nhận tị nạn. Trong trường hợp Phạm Đoan Trang, nhà báo này nói rõ cô không muốn rời Việt Nam, cô muốn ở lại dù bị kết án 9 năm tù.

Một khả năng khác để có thể giúp cải thiện tự do báo chí ở Việt Nam, đó là yêu cầu ban hành các lệnh trừng phạt nhắm trực tiếp đến một số lãnh đạo Việt Nam mà chúng tôi cho là phải chịu trách nhiệm về những vụ vi phạm các quyền cơ bản trong Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là nước tham gia ký kết. Chúng tôi đề nghị một số nước như Hoa Kỳ, Canada, Liên Hiệp Châu Âu áp dụng Luật Magnitsky cho phép phong tỏa tài sản của một cá nhân có thể có ở nước ngoài (tài khoản ngân hàng ở Mỹ, Thụy Sĩ…) và cấm người đó, cũng như gia đình họ, nhập cảnh vào nước ban hành các lệnh trừng phạt trên.

Biện pháp này cho phép xác định rõ những người phải chịu trách nhiệm về các vụ vi phạm nhân quyền mà không cáo buộc toàn bộ chính phủ Việt Nam vì có thể trong chính phủ Việt Nam có những người muốn hành động vì tự do báo chí. Và nhất là không trừng phạt người dân Việt Nam vì họ chỉ yêu cầu có được thêm chút thông tin và được tự do báo chí.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn ông Daniel Bastard, giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Reporters Sans Frontières (RSF, Phóng Viên Không Biên Giới) tại Paris.

Bài Liên Quan

Leave a Comment