Ngôi làng Ấn Độ nơi tên người được đặt bằng điệu nhạc

Ngôi làng Ấn Độ nơi tên người được đặt bằng điệu nhạc

  • Satarupa Paul
  • BBC Travel

\"Satarupa

Điệp khúc ve sầu xé tan không gian từ những khu rừng cận nhiệt đới rậm rạp vang đến tai khi xe tôi chạy chông chênh trên con đường hẹp cắt vào những ngọn đồi dốc.

Quanh một khúc cua, một giai điệu khác vang trên thung lũng – lần này nhẹ nhàng hơn, du dương hơn, gần như kỳ lạ.

Thêm vài khúc rẽ nguy hiểm nữa tiếp đó, những ngôi nhà đầu tiên của Kongthong xuất hiện, và theo đó lại là những giai điệu vang trong không trung khi một dân làng này gọi dân làng khác.

Giai điệu du dương riêng biệt

Ẩn mình giữa những ngọn đồi xanh tươi Đông Khasi ở bang Meghalaya ở miền đông bắc xa xôi của Ấn Độ, làng Kongthong chỉ có thể đến được bằng cách lái xe ba tiếng đồng hồ từ thủ phủ Shillong.

Dấu hiệu văn minh chỉ rất thưa thớt ở những nơi này, và ngôi làng được bao quanh bởi những rặng núi cao hùng vĩ và hẻm núi sâu chóng mặt.

Đây cũng là nơi có một truyền thống độc đáo được gọi là jingrwai iawbei, vốn phát triển mạnh ở đây trong nhiều thế kỷ.

Theo truyền thống này, mỗi trẻ sơ sinh ở Kongthong khi sinh ra được mẹ đặt cho một tên thường dùng và một giai điệu du dương riêng biệt.

Tên chỉ dùng cho các mục đích chính thức, còn giai điệu này trở thành danh tính mà chúng sẽ mang theo trong suốt cuộc đời. Khi ai đó qua đời, giai điệu của họ sẽ mất đi cùng họ, và không bao giờ được dùng lại cho ai khác.

\”Đó là biểu hiện của tình yêu và niềm vui vô bờ bến của một người mẹ khi đứa con ra đời. Nó giống bài hát từ trái tim người mẹ, đầy dịu dàng, gần giống như bài hát ru,\” Shidiap Khongsit, một phụ nữ thuộc bộ lạc Khasi – một trong ba bộ lạc ở Meghalaya và là bộ lạc sống ở Kongthong, nói.

Cô mặc bộ jainsem đơn giản (trang phục giống như sarong truyền thống), và nụ cười ấm áp của cô vương chất nước trầu màu đỏ khi cô mời tôi đến ngôi nhà đơn sơ của cô uống trà.

\"Satarupa

Bên trong căn lều một phòng với mái tranh dốc, chúng tôi ngồi bắt chéo chân trên sàn gỗ.

Trong một góc, Khongsit và chồng cô, Bring Khongjee đang bận rộn nhóm lửa. Trong lúc thúc gỗ bắt lửa bằng cách thổi hơi qua một ống dài, Khongsit nói về bốn đứa con của cô và hát giai điệu tên chúng cho tôi nghe – mỗi giai điệu dài từ 14 đến 18 giây và khác nhau rõ rệt.

\”Đây là phiên bản gốc dài hơn, chúng tôi hát trên đồng khi người ta cần gọi ai đó trên những ngọn đồi và thung lũng,\” cô giải thích.

Trong quá khứ, các giai điệu được dùng để theo dấu nhau trong rừng khi săn bắn, và cũng \’để xua đuổi tà ma\’.

\”Chúng tôi tin rằng tà ma sống trong rừng không thể phân biệt các giai điệu của chúng tôi với nhau hoặc với tiếng kêu của động vật. Do đó, khi ai đó gọi bạn trong rừng bằng giai điệu của bạn sẽ không có hại gì,\” Khongsit nói.

Cô giải thích rằng cũng có phiên bản ngắn, trích ra từ giai điệu dài giống như biệt danh, được hát lên khi chủ nhân nó ở gần và có thể nghe thấy, chẳng hạn như ở nhà hay trên sân chơi.

Khi nghe từ xa, những giai điệu nghe như tiếng huýt sáo, đó là lý do tại sao Kongthong được có biệt danh là \’Làng huýt sáo\’.

Chế độ mẫu hệ

Khi Khongsit đưa cho tôi một tách trà đỏ nóng xé lưỡi, không pha sữa và bỏ đường rất nhiều, tôi hỏi cô về nguồn gốc của tập quán này.

\”Không ai có thể biết chắc nó bắt đầu khi nào, nhưng hầu hết đều đồng ý rằng nó đã có từ khi Kongthong ra đời,\” cô trả lời. \”Bản thân làng Kongthong đã có ngay cả trước khi vương quốc Sohra được người dân chúng tôi và những người dân từ các ngôi làng khác trong khu vực thành lập.\”

Nếu xét vương quốc Sohra được thành lập vào khoảng đầu thế kỷ 16 ở Cherrapunji gần đó, vốn nổi tiếng vì từng là nơi ẩm ướt nhất trên Trái Đất, thì tuổi của ngôi làng – và nhìn rộng hơn, nguồn gốc của tập quán này – vào khoảng hơn 500 năm.

Tuy nhiên, trong suốt thời gian này, tập quán này chưa bao giờ được ghi chép lại cho đến mãi gần đây.

Tiến sĩ Piyashi Dutta sinh ra và lớn lên ở Shillong và hiện là phó giáo sư ở Trường Truyền thông Amity ở Noida, gần Delhi.

Bà biết về Kongthong trong khi nghiên cứu chủ đề mẫu hệ cho luận văn tiến sĩ của mình.

\”Meghalaya là một xã hội mẫu hệ, nơi các nguyên tắc, đặc tính, truyền thống và phong tục mẫu hệ ăn sâu và được truyền miệng qua nhiều thế hệ,\” bà nói. \”Kongthong cũng không ngoại lệ. Ở đây, tập quán đặt giai điệu hoặc bài hát làm tên bắt nguồn từ đặc tính văn hóa của họ và được truyền miệng. Đó cũng là biểu hiện của chế độ mẫu hệ.\”

\"Satarupa

Jingrwai iawbei nghĩa là giai điệu (jingrwai) được hát lên để tôn vinh tổ mẫu tức người mẹ đầu tiên của gia tộc (iawbei).

Vì vậy, tập quán này cũng có hàm ý biểu tượng – rằng bạn không chỉ đặt một giai điệu cho một đứa trẻ vừa chào đời, mà còn bày tỏ sự tôn kính và mong được tổ mẫu phù hộ.

Mai một

Trên thực tế, nghiên cứu của Dutta về Kongthong được đăng trên Bản tin Xã hội học Ấn Độ năm 2016 là lần ghi lại đầu tiên về tập quán này.

Trong cùng năm, nhà làm phim Ấn Độ từng đoạt giải thưởng Oinam Doren đã phát hành một phim tài liệu dài 52 phút có tựa đề \’Tên tôi là Eeooow\’ về Kongthong và truyền thống độc đáo ở đó.

Phim tài liệu này, vốn giành Giải Văn hóa Vật thể tại Liên hoan phim RAI lần thứ 15 ở Bristol, tìm hiểu điều gì xảy ra với biểu hiện tình mẫu tử này khi con cái rời tổ ấm đến các thành phố lớn và tiếp xúc lối sống hiện đại.

Cho đến gần đây, việc rời làng đến Shillong hoặc các thị trấn khác thực tế chưa từng nghe thấy ở Kongthong, mặc dù ở đó chỉ có trường học đến cấp tiểu học.

Nhưng gần đây, ngày càng có nhiều thanh niên ra đi để học cao hơn và tìm cơ hội việc làm, và nhiều người mất liên hệ với truyền thống của họ.

\”Đó là điều mà cộng đồng phải giải quyết,\” Dutta nói. \”Có lẽ họ có thể mở các buổi họp cộng đồng để thảo luận về tầm quan trọng của tập quán lâu đời này và cân nhắc các lựa chọn để duy trì nó ngay cả khi sống ở nơi khác.\”

Đối với một xã hội chủ yếu nông nghiệp, việc tạo ra công ăn việc làm trong các lĩnh vực khác như du lịch cũng có thể giúp làng giữ hoặc hút thanh niên trở lại.

Khi ở Kongthong, tôi gặp Rothell Khongsit, vốn chuyển đến Shillong học đại học để có một công việc đáng khao khát là làm cho chính phủ, cuối cùng từ bỏ nó và trở lại làng – khiến mẹ anh buồn phiền.

Giờ đây anh là chủ tịch Ủy ban Phát triển Làng Kongthong và là lãnh đạo Hiệp hội hợp tác xã du lịch nông nghiệp bản địa của làng. \”Tôi không hài lòng với công việc tốt ở thành phố lớn,\” anh nói. \”Trái tim tôi ở đây với làng, và đam mê quảng bá văn hóa của chúng tôi.\”

Thu hút du lịch

\"Satarupa

Cho đến gần đây, Rothell nói, dân làng không biết rằng tập quán độc đáo của họ có thể là sự thu hút du khách.

\”Đối với chúng tôi, nó đã ăn sâu vào gene. Phụ nữ không được dạy cách sáng tác giai điệu, nó đến một cách tự nhiên sau khi sinh. Chúng tôi học những giai điệu đặt cho chúng tôi cũng như cho các thành viên gia đình và bạn bè giống như chúng tôi học tiếng mẹ đẻ – bằng cách lắng nghe từ khi sinh ra.\”

Nhưng gần đây, với sự quan tâm từ bên ngoài về nơi này ngày càng tăng do đi đến dễ dàng hơn và chú ý nhiều hơn, làng bắt đầu nhận ra tiềm năng du lịch của mình.

Năm 2014, một con đường đến Kongthong được xây để thay thế đường mòn trước đó qua các ngọn núi; và một năm trước đó, một homestay được xây dựng trong làng theo phong cách truyền thống sử dụng các vật liệu bản địa như tre.

Làng đã chứng kiến lượng khách du lịch nhỏ giọt đến từ khắp Ấn Độ. Hồi tháng 9, làng được đề cử giải thưởng Làng du lịch tốt nhất của UNWTO, vốn công nhận \’các ngôi làng có cách làm về du lịch sáng tạo và chuyển đổi ở nông thôn phù hợp với Mục tiêu Phát triển Bền vững\’.

Khi băng qua làng, tôi đã ấn tượng trước sức hấp dẫn của nó. Hai bên các lối đi quanh co là hoa cỏ được tô điểm với những con bướm rực rỡ.

Những túp lều tranh nằm rải rác khắp nơi một cách hờ hững như thể có ai thiết kế. Ngôi làng cũng đặc biệt sạch sẽ và không có xả rác.

Khi Rothell dẫn tôi đến sân bóng và sau đó đến một điểm ngắm cảnh, cả hai đều đem lại góc nhìn toàn cảnh ấn tượng nhìn ra các rặng núi xung quanh, anh nói với tôi kế hoạch đưa Kongthong thành làng di sản.

\”Nơi này không dành cho những người chỉ du ngoạn; thành thật mà nói, ngoài vẻ đẹp thiên nhiên, không có nhiều cái để xem,\” anh nói.

\”Kongthong dành cho những người có thị hiếu sành sỏi, những người muốn trải nghiệm nền văn hóa độc đáo, hiếm thấy của chúng tôi ở đây, những người quan tâm lắng nghe, hiểu thấu và trân trọng những gì họ chỉ có thể tìm thấy ở đây chứ không ở nơi nào khác.\”

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

Bài Liên Quan

Leave a Comment