Các nước phản ứng mạnh trước hành động lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông
Bài tổng hợp của Lê Đông Hải
2021.12.29
Hình minh hoạ: Hình chụp hôm 14/4/2021 – tàu tuần duyên Philippines giữa hai tàu kiểm ngư tuần tra Biển Đông AFP
Năm 2021 là năm chứng kiến một số quốc gia ở khu vực Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đã có những động thái mạnh để đối phó với hành động ngày một lấn lướt của Bắc Kinh tại vùng nước tranh chấp.
Việt Nam
Việt Nam là quốc gia thời gian qua đã thể hiện sự kiên quyết của mình đối với vấn đề Biển Đông. Trong năm 2021, một mặt, Việt Nam vẫn sử dụng các tuyên bố ngoại giao phản đối các hành vi xâm phạm của Trung Quốc đối với chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, khẳng định lập trường nhất quán về Biển Đông; mặt khác tiếp tục thông qua đối thoại để quản lý vấn đề trên biển với Trung Quốc.
Ngoài việc đưa ra các tuyên bố ngoại giao, Việt Nam cũng có một số các hoạt động cụ thể khi căng thẳng về tranh chấp gia tăng trên Biển Đông.
Thứ nhất, thành lập và tăng cường lực lượng trên biển.
Việt Nam đã thành lập các hải đội dân quân thường trực đầu tiên với tư cách là một lực lượng trên biển để bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tháng 4 và 6/2021, Việt Nam đã lần lượt thành lập một hải đội gồm 131 chiến sĩ tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, và một Hải đội dân quân thường trực thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang.
Hải đội được trang bị tàu và trung đội được trang bị vũ khí hạng nhẹ, được huấn luyện để thực hiện công việc bán quân sự với sự hỗ trợ của Học viện Hải quân và Trường cao đẳng Kỹ thuật hải quân. Các hải đội này sẽ tiến hành tuần tra và thu thập, xử lý thông tin trên biển và trên không; đồng thời thực hiện các nhiệm vụ như bảo vệ các hoạt động đánh bắt cá, tuần tra. Theo các chuyên gia, động thái này của Việt Nam, một mặt, để bảo vệ chủ quyền và các lợi ích hợp pháp khác của Việt Nam, nhằm tăng cường hiện diện trên biển; mặt khác, “Việt Nam muốn tăng cường năng lực trong vùng xám, trong bối cảnh xung đột trên Biển Đông, đều diễn ra trong vùng xám giữa chiến tranh và hòa bình.” (1)
Thứ hai, mở rộng xây dựng trên các đảo ở Trường Sa, tăng cường hiện diện và tiến hành diễn tập sẵn sàng tác chiến
Theo một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS) vào đầu tháng 3, Việt Nam đang mở rộng xây dựng ở đảo Trường Sa. CSIS cho biết Việt Nam đã tôn tạo ít nhất 48 ha đất ở Biển Đông, hầu hết các hoạt động xây dựng của quân đội Việt Nam đã diễn ra trong nhiều năm. Đảo đá Tây do Việt Nam kiểm soát ở quần đảo Trường Sa ‘có nhiều công trình xây dựng mới’. Đảo Sinh Tồn, một thực thể khác ở Trường Sa, cũng được “nâng cấp đáng kể” trong hai năm qua. Theo hình ảnh vệ tinh vào tháng 10, cải tạo cũng đang diễn ra ở mũi phía Nam của đảo Phan Vinh.
Theo các nhà phân tích trong khu vực, mục tiêu của Việt Nam dường như để: một là, phát triển hệ thống phòng thủ quân sự trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công, và cho Trung Quốc thấy rằng họ sẽ phải trả giá nếu tấn công Việt Nam và rằng việc tấn công không còn dễ dàng; hai là, Việt Nam hy vọng cũng sẽ ngăn Trung Quốc can thiệp vào việc tiếp tế cho các đảo do Việt Nam nắm giữ như đã làm với các địa bàn mà Philippines tuyên bố chủ quyền; ba là, Việt Nam hy vọng các bệ tên lửa ở đó có thể “tấn công các căn cứ của Trung Quốc” trong trường hợp cần thiết.
Theo nhận định của các chuyên gia, trước hoạt động cải tạo đảo nhân tạo của chính phủ Trung Quốc, Việt Nam cũng muốn làm gì đó để tăng cường khả năng phòng thủ tại các đảo này. Tuy nhiên, Việt Nam muốn duy trì mọi thứ ở trạng thái khiêm tốn và nhấn mạnh khả năng tự vệ, bởi nếu Việt Nam dồn dập quân sự hóa các đảo như Trung Quốc đã làm, các bên tranh chấp ở Đông Nam Á sẽ giảm bớt sự ủng hộ đối với Việt Nam. (2)
Thứ ba, thể hiện khả năng tự vệ trước Trung Quốc
Hồi tháng 3, khi căng thẳng tăng lên xung quanh sự kiện Đá Ba Đầu, Việt Nam đã tiến hành diễn tập sẵn sàng tác chiến với tàu Quang Trung 1.500 tấn tại vùng biển Trường Sa vào đầu tháng 4. Trực thăng chống ngầm Ka-28 cũng tham gia diễn tập với tàu Quang Trung, được trang bị tên lửa chống hạm và phòng không. (3)
Các động thái của Việt Nam, theo các chuyên gia, nhằm gửi tín hiệu đến Trung Quốc rằng cuộc can dự vũ trang giữa hai bên vì những tuyên bố chủ quyền xung đột đối với quần đảo này sẽ phải trả giá và rằng Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của mình.
Thứ tư, đẩy mạnh các sáng kiến để quốc tế hoá vấn đề Biển Đông và tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với Mỹ và các nước ngoài khu vực
Việt Nam tiếp tục tăng cường quan hệ với Mỹ – Siêu cường lớn nhất trên thế giới, như một đối trọng trước sức mạnh của Trung Quốc trên biển Đông. Tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã thăm chính thức Việt Nam nhằm tiếp tục góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa quân đội hai nước. Theo nhận định của các chuyên gia, do sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc, hai nước hiện đang ngày càng quan tâm đến việc theo đuổi hợp tác quốc phòng song phương sâu sắc hơn.
Tháng 8, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng sang thăm Việt Nam. Chuyến đi này là chuyến thăm cấp cao nhất của một thành viên trong nội các của Tổng thống Biden đến Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của Việt Nam tại khu vực này.
Ngoài ra, Việt Nam cũng tăng cường hợp tác với các nước khác ngoài khu vực như Ấn Độ. Ngày 18/8, tại vùng biển tỉnh Khánh Hòa, tàu 012 – Lý Thái Tổ (Vùng 4 Hải quân) cùng tàu Khu trục D55, tàu tên lửa tấn công nhanh P61 và tàu Hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 của Ấn Độ diễn tập vận động đội hình và thông tin liên lạc.
Philippines
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016, Tổng thống Duterte đã làm tất cả những gì có thể để xích lại gần với Trung Quốc (thậm chí tuyên bố ông là đồng minh của nước này). Ông hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ đáp lại bằng cách gác lại những bất đồng trên biển với Manila và giúp nước này phát triển kinh tế. Thật không may cho Duterte, Trung Quốc không chỉ hành xử hung hăng hơn đối với các tuyên bố chủ quyền của Philippines ở biển Đông mà còn chậm chạp trong việc đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và công nghiệp mới ở nước này.
Philippines sẽ bước vào kỳ bầu cử Tổng thống sắp tới, đồng nghĩa với việc Duterte sẽ chấm dứt nhiệm kỳ của mình vào tháng 5 năm 2022. Chính vì vậy, để giành lại sự ủng hộ của người dân cho những người “thuộc phe mình”, Duterte đã thay đổi khá nhiều trong chính sách về biển Đông của ông ta trong năm 2021.
Ngày 8/2, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. tuyên bố nước này phản đối những nỗ lực ngăn chặn các cường quốc, đặc biệt là Mỹ, tiếp cận Biển Đông, đúng theo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mà Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á đang thiết lập.
Về nguy cơ chiến tranh ở Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, ngày 8/2 cho biết, Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc cho phép lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc bắn vào các tàu nước ngoài trong vùng biển tranh chấp, có thể làm “bùng phát xung đột”.
Hồi tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana đã yêu cầu hơn 200 tàu thuyền của Trung Quốc mà ông cho là thuộc lực lượng dân quân biển của Trung Quốc phải rời khỏi rạn san hô có tên là Đá Ba Đầu (Manila gọi Julian Felipe) thuộc quần đảo Trường Sa. Trong một tuyên bố, ông Lorenzana khẳng định: “Chúng tôi kêu gọi phía Trung Quốc ngừng hành động xâm phạm này và nhanh chóng rút tàu thuyền đang vi phạm quyền lãnh hải của chúng tôi và xâm phạm chủ quyền lãnh hải của chúng tôi” (4). Người đứng đầu ngành quốc phòng Philippines cũng tuyên bố Manila sẽ kiên định bảo vệ quyền chủ quyền của mình. Sau đó, trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cho biết Manila đã gửi công hàm ngoại giao phản đối sự hiện diện của các tàu thuyền Trung Quốc nói trên.
Ngày 25/7, Manila đã thay đổi chiến thuật, không còn tìm cách xoa dịu Bắc Kinh với hy vọng đạt được một thỏa thuận công bằng mà thay vào đó, tàu tuần tra của Philippines đã đối đầu với chiến hạm Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ nước này (5).
Duterte cũng đã đồng ý khôi phục hoàn toàn Hiệp định Thăm viếng Quân sự (VFA )với Mỹ trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến Manila vào cuối tháng 7/2021.
Sau khi khôi phục thành công VFA, hai đồng minh hiện đang tập trung vào việc vận hành đầy đủ Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA), cho phép quân đội Mỹ chuẩn bị vũ khí và tài sản chiến lược tại các căn cứ quan trọng gần Biển Đông.
Tháng 4/2021, Mỹ và Philippines đã nối lại các cuộc tập trận quân sự chung Balikatan (tạm dịch là “vai kề vai”), được coi là một biểu hiện cho thấy Philippines tuân thủ chương trình nghị sự địa chính trị của Mỹ.
Ngày 22/11, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thẳng thắn tuyên bố “phản đối” các hành động gần đây của Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây ngay tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến ASEAN-Trung Quốc có sự hiện diện của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Malaysia
Malaysia cũng là quốc gia tuyên bố chủ quyền một phần trên quần đảo Trường Sa. Kuala Lumpur duy trì sự hiện diện thường xuyên tại năm trong số 12 địa điểm mà họ nói là lãnh thổ có chủ quyền của mình.
Malaysia không muốn từ bỏ các lợi ích của mình ở bãi cạn Luconia nơi nước này đang phát triển mỏ khí đốt khổng lồ Kasawari – được cho là sở hữu nguồn tài nguyên khí đốt có thể khai thác được với quy mô 3.000 tỷ ft3 – và lập trường kiên quyết của nước này phù hợp với cách tiếp cận của họ đối với các yêu sách của Trung Quốc trong vùng biển bị tranh chấp, vốn xung đột với các yêu sách của Malaysia.
Mỏ Lacona Shoals Kasawari đặc biệt giàu có về trữ lượng. Công ty năng lượng Petronas hy vọng việc khai thác sẽ đưa công ty trở thành nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn thứ năm thế giới. Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah nói rằng các tàu Trung Quốc sẽ tiếp tục xâm phạm vùng biển “chừng nào Petronas tiếp tục phát triển mỏ này”. Tuy nhiên, ông Saifuddin cũng cho biết Kuala Lumpur đã đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh rằng “hòa bình và ổn định” phải được duy trì ở Biển Đông. Ông mô tả cuộc đối đầu là một \”trục trặc nhỏ\” trong quan hệ song phương của hai quốc gia.
Giáo sư Zachary Abuza – Chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học Hải chiến Hoa Kỳ nhận định: “Malaysia không trực tiếp thách thức Trung Quốc một cách công khai. Nhưng Malaysia đã phản kháng Trung Quốc thông qua các hồ sơ khác nhau được đệ trình lên cơ quan thực thi Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) và bằng cách tiếp tục thăm dò dầu mỏ, bất chấp sự đe dọa trắng trợn của Trung Quốc” (6). Chẳng hạn, vào ngày 12/12/2019, Malaysia đã đệ trình hồ sơ về khu vực phía Bắc biển Nam Trung Hoa lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc – cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý việc thực hiện UNCLOS. Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp Malaysia thiết lập các quyền đối với mọi nguồn tài nguyên ở đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển – bao gồm các mỏ dầu khí – có thể tồn tại trong khu vực này.
Tháng 6/2021, Malaysia đã nhanh chóng điều động máy bay chiến đấu khi phát hiện 16 máy bay vận tải quân sự của Trung Quốc bay tới gần không phận Malaysia mà không báo trước, sau đó đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Âu Dương Ngọc Tịnh để yêu cầu giải thích.
Indonesia
Trong khi Malaysia áp dụng cách tiếp cận mạnh mẽ, tiếp tục phát triển mỏ khí đốt Kasawari và thậm chí còn điều động máy bay chiến đấu, thì cách tiếp cận của Indonesia trước Trung Quốc dường như thận trọng hơn. Một số chuyên gia cho rằng vấn đề này có liên quan đến đầu tư và viện trợ COVID-19 của Trung Quốc; số khác cho rằng Indonesia đang phản đối “ngoại giao phóng thanh”; số khác không rõ Indonesia có vạch ra chính sách cho mình hay không.
Tháng 7/2021, Indonesia đã bắt đầu khoan thăm dò dầu khí ở gần quần đảo Natuna trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia, vốn chồng lấn với tuyên bố của cái gọi là chủ quyền “đường chín đoạn” của Bắc Kinh.
Bắc kinh đã cho các tàu Hải cảnh ra ngăn chặn các tàu của Indonesia, thậm chí, một tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc còn xuất hiện trong EEZ của Indonesia, tại khu vực Bắc Natuna.
Tháng 12 năm nay, các nhà ngoại giao Trung Quốc còn gửi thư công khai yêu cầu Indonesia ngừng thăm dò và khai thác tại khu vực Bắc Natuna này. Cho dù Indonesia khẳng định không có tranh chấp nào với Bắc Kinh ở đây và vùng biển này nằm hoàn toàn trong EEZ của Indonesia.
Một quan chức cấp cao của Indonesia cho biết nước này đang tìm cách tránh “ngoại giao phóng thanh” và nói thêm rằng mặc dù vậy, các bước đi đã và sẽ được tiến hành qua con đường ngoại giao để bảo đảm rằng các quyền của Indonesia không bị vi phạm. Quan chức này cho biết Indonesia tin tưởng chắc chắn vào việc thực thi UNCLOS và bất kỳ hành động hoặc phản ứng nào từ phía Indonesia đều sẽ dựa trên UNCLOS.
Phó Đô đốc Aan Kurnia, người đứng đầu Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (hay còn gọi là Bakamla), cho biết việc khoan thăm dò đã hoàn tất vào cuối tháng 11/2021.
Mặc dù không muốn làm ồn ào, nhưng Indonesia cũng đang tìm cách tăng cường phòng thủ trong và xung quanh quần đảo Natuna vì nghi ngờ rằng Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội để giành quyền kiểm soát trên thực tế đối với quần đảo này. Quân đội Indonesia đang kéo dài một đường băng ở một căn cứ không quân để có thể triển khai thêm các máy bay. Bên cạnh đó, Indonesia đã bắt đầu xây dựng một căn cứ tàu ngầm. Ngoài ra, các tàu cá của nước này cũng tham gia vào hệ thống cảnh báo sớm để đề phòng các tàu Trung Quốc tiếp cận khu vực này.
Indonesia và Mỹ cũng đang xây dựng một cơ sở huấn luyện cảnh sát biển chung gần quần đảo Natuna. Tháng 8/2021, hai nước đã tổ chức cuộc tập trận quân sự chung lớn nhất từ trước đến nay ở ba địa điểm của Indonesia. Các cuộc diễn tập này mô phỏng hoạt động phòng thủ đảo.
______________
Tham khảo:
1. https://www.voanews.com/a/east-asia-pacific_analysts-vietnam-expanding-fishing-militia-south-china-sea/6205729.html
2. https://amti.csis.org/vietnam-shores-up-its-spratly-defenses/
3. https://vn.sputniknews.com/20210409/dieu-gi-an-sau-viec-viet-nam-dieu-tau-chien-016-quang-trung-ra-dien-tap-o-bien-dong-10351532.html
4. https://cnnphilippines.com/news/2021/4/3/chinese-vessels-julian-felipe-reef-lorenzana.html
5. https://www.aljazeera.com/news/2021/9/10/dutertes-defence-chief-says-manila-got-less-from-us-pact
6. https://www.scmp.com/week-asia/politics/article/3153932/south-china-sea-why-malaysia-and-indonesia-differ-countering