Chống dịch Covid và AFF Cup: Năm 2021 \’thật là thành công của Singapore\’
- Michael Nguyễn
- Gửi tới BBC từ Singapore
25 phút trước
Năm 2021 được đánh giá là một năm thành công của Singapore với kết quả giữ vững hệ thống y tế, đảm bảo sức khỏe toàn dân và phục hồi, phát triển kinh tế.
Đảo quốc Sư tử, trong một phong cách rất ấn tượng, kết thúc năm cũ và đón mừng năm mới bằng tiếng reo cổ vũ của hàng ngàn khán giả trên sân của giải bóng đá AFF SUZUKI CUP, cùng hàng trăm ngàn người cổ vũ qua truyền hình.
Chưa có giải bóng đá nào mà người Singapore lại hào hứng đón nhận đến như vậy.
Sự hào hứng lan sang các cổ động viên người Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, với các khán đài đỏ rực màu cờ Việt Nam hay biểu tượng voi chiến của bóng đá Thái Lan.
Tháng 9/2021, ASEAN bỏ phiếu cho Singapore, chứ không phải Thái Lan, là nước chủ nhà cho giải đấu bóng đá sôi nổi nhất trong khu vực.
Phiếu bầu đó không chỉ dành riêng là bóng đá, mà còn là sự thừa nhận của cộng đồng ASEAN đối với nỗ lực và thành tích của Singapore trong việc kiểm soát dịch Covid 19, đảm bảo an sinh xã hội và an toàn cho các hoạt động thể thao đông người.
Vào thời điểm đó, Chính phủ Singapore đã sớm tuyên bố chiến lược sống chung với Covid 19 và trạng thái \”bình thường mới\” sau khi hơn 80% dân số được tiêm chủng đầy đủ và hệ thống y tế sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Cũng chưa bao giờ đội tuyển bóng đá Singapore được cộng đồng mạng, kể cả trong nước và nước ngoài, khen ngợi nhiều đến thế sau trận đấu giữa tuyển Indonesia và Singapore.
Có lẽ bóng đá cũng là người, là cách thể hiện của một tập thể. Chúng tôi nhận thấy có khá nhiều các điểm tương đồng giữa phong cách chơi bóng của đội tuyển quốc gia với cách mà chính quyền Singapore quản lý, kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
Không chủ quan, tự mãn, có chiến lược và tầm nhìn xa
Người hâm mộ bóng đá khen ngợi việc tuyển Singapore không bị những áp lực từ thành công trước đây (bốn lần vô địch AFF) làm cho căng cứng, tạo tâm lý nặng nề, mà vẫn chú tâm chơi bóng không quan tâm đến hoàn cảnh bất lợi (chơi thiếu người).
Singapore (và cả Việt Nam) đều từng được coi là những tấm gương đáng học hỏi trong giai đoạn đầu chống dịch Covid 19. Tuy nhiên nếu sau đó, Việt Nam được cho là chủ quan, tự mãn trong thành tích chống dịch ban đầu, sau đó để xảy ra tổn thất, thì Singapore tiếp tục tập trung, đẩy mạnh các biện pháp chống dịch, và đến nay được cho là đã kiểm soát dịch khá tốt.
Hãng Bloomberg đánh giá Singapore ở thứ hạng khá cao trong thang điểm khả năng phục hồi (Covid Resilience Ranking).
Những ngày cuối tháng 12 này đánh dấu tròn một năm sự kiện những lô vắc xin Pfizer đầu tiên của châu Á được chở về Singapore (21/12/2020) và \”chiến dịch\” tiêm chủng thần tốc cho toàn bộ cư dân của chính quyền Singapore (30/12/2020).
Tính đến ngày 27/12/2021, tỷ lệ tử vong trên số ca nhiễm của Singapore là 0.29% so với mức trung bình thế giới là 1.9%. Kinh tế Singapore tăng trưởng ở mức 7% năm 2021 và dự báo mức 5% trong năm 2022.
Linh hoạt trong môi trường linh hoạt
Phải thi đấu với tám người trong trận bán kết, các cầu thủ Singapore được cho là đã chơi với mô hình tấn công – phòng thủ khá linh hoạt. Cầu thủ số 19 của Singapore thậm chí chơi cả ba vị trí tiền đạo, hậu vệ và cả thủ môn!
Từ giữa năm 2021, các chuyên gia y tế và kinh tế của khu vực tư nhân Singapore đều có cách đánh giá khá cẩn trọng rằng dịch Covid 19 vẫn sẽ diễn biến phức tạp, do vậy Singapore vừa phải thận trọng, song đồng thời cần linh hoạt trong các chính sách chống dịch.
Những biểu hiện \”linh hoạt\” của chính sách chống dịch kể từ khi chính quyền tuyên bố tình hình \”bình thường mới\” dựa trên tỷ lệ lây nhiễm theo tuần (WIR- weekly infection rate, do Bộ Y tế Singapore đưa ra áp dụng).
Khi tổng số ca nhiễm tăng đột biến thì tăng cường giãn cách xã hội, đến khi số ca nhiễm ổn định và giảm dần thì nới lỏng. Mục đích của chính sách này là để câu giờ, tranh thủ thời gian nghiên cứu, đánh giá chủng mới của covid19 là Omicron, và đưa ra các chính sách đối phó.
Omicron và Đá phản lưới nhà
Cú phá bóng của hậu vệ Singapore vào lưới nhà, rất đáng tiếc, đã góp phần làm mất đi chiến thắng của tuyển Singapore trong trận tranh bán kết với Indonesia vừa qua.
Với một phong cách hài hước, chuyên gia y tế hàng đầu Singapore, phó giáo sư Alex Cook của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) ví việc nếu Singapore phải tiếp tục phân biệt đối xử với chủng virus Omicron sẽ là hành vi \”đá phản lưới nhà\” với hệ thống y tế nước này.
Singapore được cho là quốc gia đầu tiên có đánh giá tương đối toàn diện và đưa ra cách ứng phó với chủng mới Omicron. Ngay khi có khuyến cáo của WHO về chủng virus mới này, các chuyên gia y tế Singapore, trường Đại học Quốc gia và Bộ Y tế lập tức vào cuộc.
Ngày 26/12/2021, sau đúng một tháng từ khi chủng mới này được WHO phát hiện và đặt tên chính thức, Bộ Y tế Singapore công bố phác đồ điều trị bệnh nhân nhiễm virus Omicron theo Phác đồ số 1,2 và 3 như đã thực hiện trước đây. Bộ Y tế Singapore cho rằng chủng mới Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần, song không nguy hiểm, không gây độc tố như các chủng virus trước đây. Vì vậy bệnh nhân Omicron và người tiếp xúc gần không phải cách ly tập trung, tự điều trị tại nhà.
Singapore cũng hủy bỏ hạn chế đối với mười nước châu Phi trước đây bị cấm nhập cảnh do lo ngại chủng Omicron.
Nhạc trưởng và tuyến phòng vệ cuối cùng
Người chơi hay nhất tuyển Singapore được giới hâm mộ bóng đá đánh giá cao hơn có lẽ là thủ môn 37 tuổi, Hassan. Anh là tuyến phòng vệ cuối cùng trong thời điểm ngặt nghèo của cả trận đấu.
Nhìn lại cách chính quyền Singapore nhanh chóng phân công trách nhiệm các cơ quan trong Ban chỉ đạo liên bộ (MTF) ngay từ tháng 1/2020 để chia sẻ gánh nặng và bảo vệ Bộ Y tế. Nhiệm vụ của MTF là đảm bảo an toàn sinh mạng và duy trì sinh kế của người dân. Các Bộ Quốc phòng, Nội vụ, Y tế, Công thương… phối hợp tạo ra nhiều tuyến phòng thủ, giảm và ngăn chặn nguồn lây do nhập cảnh và lây lan trong cộng đồng.
Việc huy động các lực lượng vũ trang cùng tham gia truy vết người nhiễm bệnh với Bộ Y tế và cung ứng vật tư y tế cho dân, ngay từ ban đầu, đã góp phần giảm tải gánh nặng cho các y bác sĩ.
Đầu tháng 11/2021, Thủ tướng và Bộ trưởng Y tế Singapore tuyên bố trọng thưởng và ghi công các nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu đã \”cố gắng không biết mệt mỏi, tận tâm phục vụ nhân dân, chống dịch Covid 19\”. Mỗi cá nhân được nhận ít nhất $4,000 tiền thưởng và giấy khen. Tặng phần thưởng đúng lúc, đúng chỗ, đúng nơi vẫn là một \”đặc trưng\” của Singapore, nơi thành tích cá nhân được ghi nhận xứng đáng và hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, lạm dụng chức quyền bị trừng trị nghiêm khắc.
Không chỉ là một giải đấu
Có khá nhiều ý kiến từ người hâm mộ bóng đá Việt Nam, vì quá vui mừng trước những thành công sớm của đội tuyển quốc gia trên vài giải đấu lớn quốc tế nên có phần xem thường giải AFF Suzuki Cup, gọi nó là một giải đấu \”ao làng\”.
Tuy nhiên nhìn lại, một giải đấu thành công và hấp dẫn không chỉ trên các vẫn đề kỹ thuật, chuyên môn hay thứ hạng cao thấp, mà còn là tinh thần thể thao, tinh thần đồng đội, và ý chí chiến thắng.
Quan trọng hơn nữa, chúng ta đều là quốc gia thành viên của một ASEAN, có bản sắc rất riêng với phần còn lại của thế giới. Bản sắc đó cần được duy trì, phát triển thông qua sự gắn kết, sự chia sẻ, giao lưu với nhau và lẫn nhau.
Chúng ta học lẫn nhau qua thể thao, qua các giải bóng đá, học nhau qua cách điều hành, quản lý khủng hoảng và quản trị quốc gia thành công. Những gì Singapore đã làm rất tốt trong cuộc chiến chống Covid-19 nên là bài học quý báu cho các nước láng giềng xung quanh học hỏi, rút kinh nghiệm.
Bài học thành công của Singapore phải chăng là đoàn kết, kỷ luật, không sợ hãi hay nản chí vì tác động bên ngoài. Thành tựu của Singapore cho thấy, vị thế và sức mạnh của một quốc gia không chỉ duy nhất ở yếu tố dân đông, đất rộng, tài nguyên dồi dào mà còn là quyết tâm của một dân tộc.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Michael Nguyễn, người gốc Hà Nội, hiện đã sống tại Singapore được 20 năm.