Nỗi ám ảnh triền miên và niềm u uất suốt hai năm vụ Đồng Tâm!
RFA
2022.01.10
Cổng vào xã Đồng Tâm. Ảnh chụp hôm 21/4/2017REUTERS00:00/09:37
Ngày 9 tháng 1 năm 2022 là đúng hai năm kể từ ngày chính quyền Hà Nội huy động hàng ngàn quân có trang bị vũ khí và chó nghiệp vụ tấn công thôn Hoành – xã Đồng Tâm, nơi có những người dân công khai đấu tranh phản đối việc cưỡng chế đất nông nghiệp ở khu đồng Sênh để giao cho doanh nghiệp quân đội. Ông Lê Đình Kình, người được xem là đại diện cho người dân thôn Hoành trong việc khiếu kiện giữ đất, bị bắn chết ngay tại nhà và sau đó lần lượt tổng cộng 29 người dân bị bắt.
Cổng thông tin điện tử Bộ Công an sau đó xác nhận có “3 chiến sĩ công an hy sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương”.
Trao đổi với RFA qua điện thoại vào sáng 10 tháng 1 năm 2022, bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình, người chứng kiến cái chết của chồng cách đây hai năm chia sẻ cảm xúc của mình:
“Lúc nào đầu óc cũng nghĩ đến cảnh nó vào nhà nó bắn phá đêm hôm đấy. Khổ lắm. Chả lúc nào quên cả. Chả lúc nào yên thân cả. Giỗ cụ thì làm ngày âm, còn mấy ngày nữa mới đến, nhằm tháng 12 âm lịch.
Năm ngoái làm giỗ cũng khổ lắm, Nó chỉ sợ người ta đến thôi. Năm nay thì chả biết sao. Năm nay dịch thì họ cũng chỉ cho làm ít người thôi, không quá 30 người. Người ta cũng sợ người ta không dám đến. Nó đe dọa hết cả bà con không được đến. Dân làng ở đây thì người ta cứ sợ vì nó cấm đoán suốt. Hàng tháng nó gọi đến họp để không được đến nhà này, coi như chia rẽ.
Tôi nghĩ không bao giờ nó giảm án đâu. Nó cố tình triệt nhà mình đến ba đời mà. Tôi không hy vọng gì đâu!”
Bà Hương, một phụ nữ có chồng bị án tử hình là ông Lê Đình Công, đồng thời là mẹ của hai tù nhân – một chung thân là anh Lê Đình Doanh và một án năm năm tù giam là anh Lê Đình Uy – cho biết bà vẫn phải sống để lo cho chồng trong tù dù đã mất tất cả:
“Dịch thì có được vào thăm đâu mà nó cũng không cho gọi điện thoại. Hôm trước có người trong ấy báo ra là anh ấy không được khỏe. Cuộc sống thì vẫn rất khó khăn vất vả nhưng vẫn phải chấp nhận sống thôi chứ biết làm thế nào.
Lúc đó thì mất hết rồi, trong nhà còn gì nữa đâu. Mấy mẹ con bà cháu ở nhà làm ăn chả được bao nhiêu, hàng tháng phải chu cấp thêm cho mấy bố con trong đấy. Anh Công thì không được gửi gì. Mỗi tháng được gửi tiền lưu ký một lần. Mỗi khi ra gửi tiền thì vào căn-tin ở đấy mua thêm ít đồ ăn gửi cho anh chứ họ không cho mình gửi ở ngoài vào.
Chỉ có chỗ Doanh thì được gửi đồ ăn vào. Bây giờ không đi thăm gặp được thì mình gửi thức ăn qua bưu điện, gửi thêm tiền vào. Còn chỗ trại của Uy thì cũng chỉ được gửi tiền để mua thức ăn ở căn-tin chứ cũng không được gửi thức ăn. Tùy từng trại. Ai cũng thế chứ không chỉ riêng nhà mình.”
Cách đây hai năm, khi biến cố Đồng Tâm xảy ra, mấy chục con người trong làng bị bắt, cả đàn ông lẫn phụ nữ. Họ hầu hết là những người trong cùng một đại gia đình. Những tấm ảnh gia đình ông Lê Đình Kình được chia sẻ trên mạng xã hội, người ta thấy có một phụ nữ trẻ mang bầu. Đó là cô Trinh, vợ anh Lê Đình Doanh, người mang án chung thân. Đứa trẻ trong bụng mẹ giờ đã được hơn một tuổi.
Chia sẻ với RFA, cô Trinh không mong gì ngoài việc nhà nước xem xét lại bản án và thả chồng cô về để các con có cha. Cô nói:
“Em lên thăm anh ấy vào khoảng tháng 7, tháng 8 năm ngoái. Lúc ấy mới lên (chuyển trại) nên người cũng gầy, chắc chưa quen môi trường mới nên chưa ăn uống được nhiều. Em phải khỏe để trông hai con còn nhỏ. Một đứa mới ba tuổi và một đứa hơn một tuổi. Lúc anh Doanh bị bắt thì em đang mang bầu.
Thôi thì cũng phải cố gắng vì các con. Chả biết làm thế nào, chỉ biết là hy vọng nhà nước xem xét lại giảm án cho chồng về với các con ở nhà. Các con mà không có bố thì thiệt thòi.”
Ngoài hai án tử hình dành cho hai con trai ông Lê Đình Kình và một án chung thân cho cháu nội của ông, người làng Đồng Tâm bị án tù cao nhất là ông Bùi Viết Hiểu, 16 năm tù.
Chị Minh, con gái ông Hiểu cho hay, bây giờ chị chỉ biết kiếm tiền rồi hàng tháng gửi tiền lưu ký, gửi đồ ăn cho bố chị để ông có tiền ăn uống thôi, chứ mọi thứ khác chị không quan tâm nữa vì có quan tâm cũng chả giải quyết được gì. Chị nói:
“Bố em bị bắt thì em chỉ biết hàng tháng bố em liên lạc, gọi điện về mỗi tháng một lần. Bố em cần gì thì em gửi cho bố em thôi. Mỗi một tháng thì được viết thư, gọi điện một lần, gửi đồ ăn một lần. Vừa rồi họ còn bắt tiêm vắc-xin mũi thứ hai nhưng chắc tuổi ông cao rồi. 79 tuổi rồi sức đề kháng nó kém nên chắc là ông yếu. Họ tiêm đến mũi thứ ba rồi nhưng mà bố em yếu nên họ chỉ tiêm hai mũi.
Mình là con thì mong ngày mong đêm nhưng vụ Đồng Tâm thì chắc chắn là khó. 16 năm, họ không giảm. Nếu các vụ khác thì có thể giảm án chứ vụ Đồng Tâm thì họ không bao giờ giảm án mà cho đi đến hết án. Biết chắc chắn là như thế. Bất cứ ai lên tiếng vụ Đồng Tâm đều bị bỏ tù hết kể cả những người đăng tải lên facebook đều bị bỏ tù nên không bao giờ có cơ hội được giảm án. Xác định là như thế.”
Tại phiên sơ thẩm kết thúc hôm 14 tháng 9 năm 2020, tòa tuyên hai án tử hình đối với ông Lê Đình Công và ông Lê Đình Chức. Anh Lê Đình Doanh mức án chung thân. Ông Bùi Viết Hiểu 16 năm tù. Ông Nguyễn Văn Tuyển 12 năm tù. Ông Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù. 23 người còn lại bị đề nghị mức án từ 15 tháng tù treo đến 6 năm tù giam về tội Chống người thi hành công vụ.
Hôm 9 tháng 3 năm 2021, phiên tòa phúc thẩm đã tuyên y án những người có kháng cáo các bản án sơ thẩm. Sau phiên phúc thẩm, các luật sư và những người dân quan tâm bày tỏ sự thất vọng trên các trang mạng xã hội.
Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho hai trong số sáu bị cáo kháng án, viết trên Facebook cá nhân của mình dòng trạng thái: “Cơ hội để hóa giải bất thành. Mối hận sẽ đi vào thiên sử.”
Một phụ nữ xin ẩn danh, có chồng đang chịu án tù trong vụ Đồng Tâm nói với RFA sáng 10 tháng 1 năm 2022:
“Biết là bất công nhưng anh ấy vẫn chấp nhận để mong được về sớm với vợ với con. Thỉnh thoảng anh vẫn viết thư về. Sức khỏe bình phục dần so với hồi mới vô tù tưởng chết. Bây giờ chỉ biết ngậm ngùi, cay đắng mà chịu đựng chứ cũng chả biết làm thế nào cả. Chả biết đấu tranh với ai bây giờ!
Tôi cũng bị bắt nhưng được thả nên lúc nào cũng bị theo dõi nên không đi làm gì được mà phải lo cho chồng trong tù và các con còn quá nhỏ. Chỉ buôn bán nhỏ ở quê. Bố mẹ, anh em phải giúp. Nghĩ đến hoàn cảnh gia đình và tương lai các con mịt mù quá nên không nguôi ngoai được tí nào nhưng cố nén để lo cho con. Nhiều người không hiểu vụ án nên cũng dè bỉu nhiều lắm.
Tôi không dám hy vọng chồng tôi được ra tù sớm vì tôi thất vọng quá nhiều. Trước đây người ta cũng hứa thế này thế khác nhưng cuối cùng ai cũng bị án quá nặng qua hai phiên xử. Không ai được minh oan. Các luật sư cũng bị sốc vì các bản án nên bây giờ tôi thất vọng quá rồi.”
Ngoài 29 người bị kết án tử hình, án tù giam hoặc tù treo trong vụ Đồng Tâm, một số người khác đưa tin mạnh mẽ về vụ này cũng bị bắt giam và chịu án tù như Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, bà Cấn Thị Thêu và bà Nguyễn Thị Tâm.
Ông Trịnh Bá Phương bị tuyên 10 năm tù giam cùng 5 năm quản chế, còn bà Nguyễn Thị Tâm thì chịu mức án 6 năm tù và 3 năm quản chế. Bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư mỗi người bị tuyên 8 năm tù giam và 3 năm quản chế với tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” theo Điều 117 Bộ luật hình sự.