Don’t Look Up lấy cảm hứng từ những nhân vật có thật nào?

Don’t Look Up lấy cảm hứng từ những nhân vật có thật nào?

  • PGS.TS Nguyễn Phương Mai
  • ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam

18 tháng 1 2022

\"Đoàn
Chụp lại hình ảnh,Đoàn làm phim Don\’t look up

Bộ phim châm biếm kiểu sâu cay \”Don\’t Look Up\” nói về một ngôi sao chổi sắp hủy diệt Trái Đất, nhưng cũng như biến đổi khí hậu, chúng ta giễu nhại, đùa cợt mà không hiểu rằng ngày tận thế sắp tới.

Dù đang dẫn đầu Netflix, nhưng bộ phim lại bị giới phê bình điện ảnh dập cho tơi tả vì yếu tố nghệ thuật không được khai thác tới nơi tới chốn. Don\’t Look Up thậm chí bị đánh giá \”bốc mùi\” trên Rotten Tomatoes (55%).

Tuy nhiên, khán giả đại chúng chấm bộ phim này 7,3/10 (IMDb). Một trong những lý do khiến phim hấp dẫn có lẽ là những nhân vật và sự việc có thật được dùng làm cảm hứng cho bộ phim.

Tổng thống Janie Orlean

Vai bà tổng thống Mỹ Orlean (diễn viên Meryl Streep) được xây dựng dựa trên khá nhiều những khía cạnh tính cách phản cảm đã trở nên nổi tiếng của các tổng thống Mỹ trước đây

Đó là cái sự trơn tuột đến đôi khi thành giả tạo của Bill Clinton, sự ngớ ngẩn hậu đậu của George Bush, sự sùng bái các ngôi trường danh tiếng và các tên tuổi giàu có của Barack Obama, và cuối cùng, không chệch đi đâu được, sự coi mình là trung tâm vũ trụ, cách ăn nói phân biệt giới tính cùng tư tưởng phủ nhận khoa học của Donald Trump. z

Trong bảng so sánh dưới đây, so với các tổng thống khác, Trump đứng gần áp chót trong việc dùng các bằng chứng khoa học.

\"Hình

Cũng như ông Trump ngoài đời thực, bà Orlean trong phim từng là ngôi sao của thế giới giải trí. Khi hai nhà khoa học phải chờ hơn một ngày để có thể thông báo khẩn cấp với bà rằng Trái Đất sắp bị diệt vong bởi một ngôi sao chổi trong vòng 6 tháng, bà đã cười cợt và cho rằng khoa học đang làm quá lên. Bà ta chỉ hành động khi nhận ra việc khuếch trương các kế hoạch giải cứu Trái Đất sẽ giúp mình thoát nạn trong một vụ xì-căng-đan liên quan đến ảnh sex.

Ngoài đời thực, Trump từng tuyên bố Trái Đất \”bắt đầu nguội đi, hãy đợi mà xem\”. Khi đối mặt với các bằng chứng khoa học, ông thản nhiên trả lời: \”Tôi không nghĩ là khoa học thực sự có hiểu biết về vấn đề này\”. Một trong những quyết định gây tranh cãi nhất của Trump là chỉ định một doanh nhân ngành năng lượng (Exxonmobil Rex Tillerson) vào vị trí Ngoại trưởng.

Với trận đại dịch COVID-19, Trump cho rằng đây chỉ là một cú lừa (hoax), một trò chơi khăm của đảng đối lập, và nó sẽ biến mất vào mùa xuân năm 2020 một cách thần kỳ. Ông kịch liệt phản đối nhiều chế tài cách ly trong thời gian đại dịch. Ngoài ra, một số động thái và phát biểu của ông hàm ý gắn vaccin với bệnh tự kỷ.

Con trai tổng thống Jason Orlean

Trong bộ phim, tổng thống Orlean bổ nhiệm con trai mình là giám đốc nhân sự của Nhà Trắng (Jonah Hill thủ vai). Trong lịch sử, rất nhiều tổng thống Mỹ đã bị chỉ trích khi chia sẻ lợi ích con ông cháu cha đến người thân của mình.

Ví dụ, năm 1797, tổng thống Adams bổ nhiệm con trai mình vào các chức vụ ngoại giao ở châu Âu. Một thế kỷ sau, tổng thống Taylor bổ nhiệm anh trai và con rể làm cố vấn không chính thức. Tổng thống Hayes cũng để con trai làm thư ký khi mới có 21 tuổi. Tổng thống Grant có lẽ là vô địch \”một người làm quan cả họ được nhờ\” khi bất chấp điều tiếng, bổ nhiệm ba con rể vào các chức vụ ngoại giao cùng hàng loạt anh em họ hàng và bạn bè khác đều được \”thụ lộc\”. Đến tận thế kỷ 20, con trai của tổng thống Eisenhower vẫn được bổ nhiệm làm thư ký tại Nhà Trắng và anh trai của tổng thống Kennedy được chỉ định là bộ trưởng tư pháp.

Chính vì thế, với ông Trump, việc bổ nhiệm con gái Ivanka và con rể Jared Kushner vào vị trí cố vấn cấp cao đương nhiên không thoát khỏi sự soi mói và chỉ trích.

Dù cả hai không nhận lương, nhưng ai cũng biết vấn đề không phải là lương, nhất là với một gia đình giàu có như Trump, mà là các mối quan hệ, lợi lộc và ảnh hưởng toàn cầu mà họ được tiếp cận.

\"Đoàn

Trong suốt nhiệm kỳ của Trump, báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực để bình luận về việc hai vợ chồng trẻ tuổi, hoàn toàn không có kinh nghiệp và bằng cấp liên quan, nhưng lại thay mặt nước Mỹ ngồi đàm phán với những nhà lãnh đạo thế giới về đủ các vấn đề từ chính trị, xung đột tôn giáo, hạt nhân, cho đến giáo dục, kinh tế và cách chống trả đại dịch COVID-19.

Trong phim, mối quan hệ giữa bà mẹ tổng thống và con trai cũng làm khán giả vừa buồn cười vừa sởn gai ốc khi anh chàng Jason huênh hoang về thân hình nóng bỏng của mẹ mình: \”Tôi không thể hình dung một nữ tổng thống nào xứng đáng xuất hiện trên tạp chí khiêu dâm hơn là mẹ tôi\”.

Và tất nhiên ngoài đời thực, nhiều người khó mà quên được cách ông Trump liên tục nhận xét về cơ thể con gái mình là cực kỳ hấp dẫn, tất cả mọi đàn ông đều muốn hẹn hò cùng con gái ông, rằng cô có những đường cong tuyệt đẹp, rằng cô là \”a piece of ass\”, rằng nếu như Ivanka không phải là con gái ông đẻ ra thì ông nhất định sẽ tán tỉnh cô bằng đổ mới thôi. Khó hiểu hơn, khi được hỏi giữa ông và con gái có điểm gì chung, Trump trả lời: \”Tôi đang định nói là \’sex\’ nhưng rồi chợt nghĩ ra nó có vẻ chẳng liên quan\” (!).

Ông trùm dữ liệu cá nhân Peter Isherwell

Trong phim, nhân vật ông trùm dữ liệu xuất hiện trong hình hài một ông già đi đứng hơi chậm chạp, nói năng thậm chí hơi lắp bắp (Mark Rylance thủ vai). Nhưng việc ông ta lúc nào cũng cầm trên tay một thứ máy móc công nghệ siêu hiện đại, cộng với tâm địa của một bậc thầy thao túng khiến Isherwell đem đến cảm giác vừa súng kính, vừa hoang mang cho những người xung quanh.

Isherwell có thể là tổng hòa của rất nhiều những nhân vật đã và đang là bá chủ của dữ liệu cá nhân và công nghệ toàn cầu. Big Tech biết nhiều về chúng ta hơn cả chính chúng ta, những bí mật riêng tư, những căn bệnh còn tiềm ẩn, những thú vui, những nỗi lo sợ, và thậm chí cả tương lai như việc ta sẽ chết ra sao.

Đôi mắt vô hồn và khuôn mặt không biểu cảm của Isherwell mang ánh lạnh robot khiến ta liên tưởng đến ông chủ Facebook, sự sùng kính cá nhân và cách xử sự của một kẻ độc tài khiến ta nhớ đến Steve Jobs. Và cuối cùng, khát vọng vươn đến các vì sao như một cách kiếm tiền từ thảm họa khí hậu, đồng thời giải thoát nhân loại khỏi ngày tận thế phản chiếu giấc mơ vũ trụ của Elon Musk và Jeff Bezos.

Nhà khoa học phát hiện ra sao chổi hủy diệt Kate Dibiasky

Trong phim, Kate Dibiasky (Jennifer Lawrence thủ vai) đang làm luận án Tiến Sĩ cùng thầy hướng dẫn của mình là Giáo Sư Mindy (Leonardo DiCaprio). Họ được mời đến một buổi quay hình để chia sẻ về phát hiện khoa học của mình, đồng thời cảnh tỉnh thế giới.

Tuy nhiên, sự cợt nhả và coi thường của người dẫn chương trình khiến cả hai vừa lúng túng, vừa giân giữ. Và thế là Kate Dibiasky phẫn uất gào lên: \”Các người hãy thôi đùa cợt. Trái Đất sẽ bị sao chổi đâm và tất cả chúng ta sẽ bị hủy diệt\”.

Đó cũng là khoảnh khắc nhân vật tạo cảm hứng cho Dibiasky hiện ra: nhà hoạt động vì môi trường: Greta Thunberg. Trong phim, nhà khoa học Dibiasky bị khắp cõi mạng chê cười ghét bỏ. Không ai thèm đếm xỉa đến thông điệp cô đưa ra. Cô bị gọi là kẻ dối trá, kẻ hung dữ, kẻ chỉ biết làm nghiêm trọng vấn đề nhằm thu hút sự chú ý, và trên hết, một phụ nữ chỉ-biết-gào-thét.

\"Đoàn

Ngoài đời thực, Greta Thunberg mắc chứng Asperger\’s – một dạng tự kỷ. Ở mức độ nhẹ, hội chứng này có thể gây thiếu trơn tru trong giao tiếp, vô tình gây mất thiện cảm. Với Greta, sự nghiêm nghị, khắc khổ, cách ăn nói khô khan, kiểu giao tiếp hơi thô, khuôn mặt biểu cảm quá mức của em có thể khiến nhiều người thấy khó gần, thậm chí đáng ghét.

Đó là lý do những meme đả kích Greta hoặc những bài viết về em thường dùng hình ảnh khi em giận giữ hoặc hét lên các thông điệp môi trường. Điều trớ trêu là nội dung của thông điệp và các bằng chứng khoa học của thông điệp thường bị bỏ qua.

Một chi tiết khá thú vị nữa là sao chổi tận thế do Dibiasky tìm ra nên tên cô được đặt luôn cho sao chổi. Tuy nhiên, đó cũng là ngôi sao hủy diệt nên việc đặt tên như vậy không hẳn là một sự vinh danh. Thật khó mà thấy tự hào khi tên mình bị cả thế giới căm ghét. Ngôi sao chổi hủy diệt bỗng có thịt da và tâm hồn của một con người, và chính bản thân mình trở thành hình ảnh mà cả thế giới tìm cách phá hủy.

Trong thực tế, từ năm 1953, những cơn bão lớn vốn luôn được các nhà khí tượng Mỹ đặt cho những cái tên của phụ nữ. Họ lý luận rằng khi phụ nữ nổi giận, họ cũng như những cơn bão, không thể đoán trước, điên cuồng và nguy hiểm.

Dần dần, việc dùng tên phụ nữ cho những cơn cuồng nộ của thiên nhiên trở thành cái cớ cho vô số những câu đùa và phát biểu phân biệt giới tính, ngày càng làm nặng thêm định kiến đổ lỗi cho phụ nữ, coi sự xấu xa trên đời về gốc rễ là do phụ nữ gây ra (original sin). Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tư tưởng đó đã ăn sâu từ câu chuyện trong kinh thánh khi Adam bị nàng Eva xúi giục ăn trái cấm, hay trong thần thoại Hy Lạp với nàng Pandora mở chiếc hộp chứa những điều xấu xí để nó bay đi khắp thế gian gây họa cho nhân loại.

Vào đầu những năm 70s, việc đặt tên phụ nữ cho những thảm họa bão tố bị phong trào nữ quyền phản đối mạnh mẽ và buộc phải thay đổi. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cố biện hộ rằng việc gọi các cơn bão bằng tên đàn ông không khiến cho thiên hạ thực sự sợ hãi, vì vậy không có hiệu quả bằng tên phụ nữ.

Các thông số hóa ra ngược lại. Vào năm 2014, trong một nghiên cứu so sánh thiệt hại của các cơn bão mang tên phụ nữ và đàn ông, các nhà khoa học phát hiện ra những cơn bão mang tên phụ nữ gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn dù có cùng cường độ.

Hóa ra, trái với suy nghĩ rằng phụ nữ nổi giận thì mới đáng sợ, những cái tên phụ nữ lại vô thức gắn liền với khuôn mẫu phụ nữ thì dịu hiền và yếu đuối, trong khi đàn ông thì hay nổi nóng, dùng vũ lực, và gây thiệt hại nhiều hơn bởi họ khỏe mạnh hơn. Kết quả là khi những cơn bão được đặt tên của phụ nữ thì ta vô thức coi nhẹ sự chuẩn bị và ứng phó, khiến cho hậu quả của nó bi thương hơn.

Ngoài những nhân vật chính như trên, bộ phim còn có rất nhiều nhân vật phụ và tình tiết khác lấy cảm hứng từ đời thực như ca sĩ Ariana Grande, hai người dẫn chương trình của Morning Joe và Good Morning America, cảnh sát trưởng có tư tưởng phân biệt chủng tộc với người gốc latin Joe Arpaio, và vụ lùm xùm trong việc bổ nhiệm Harriet Miers vào tòa thượng thẩm của chính quyền Bush.

Như vậy, dù Don\’t Look Up không được đánh giá cao về nghệ thuật, cách thông điệp của bộ phim được truyền tải thông qua hình thức giễu nhại bằng thực tế trần trụi và các nhân vật sự kiện có thật là một lý do khiến nhiều khán giả đại chúng thấy đồng cảm và yêu thích bộ phim.

PGS.TS Nguyễn Phương Mai làm việc tại ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan, với chuyên môn quản trị đa văn hoá kết hợp với kiến thức thần kinh não bộ (neuroscience). Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Bài Liên Quan

Leave a Comment