Ngoại trưởng Mỹ trả lời phỏng vấn VOA về tình hình Ukraine

Ngoại trưởng Mỹ trả lời phỏng vấn VOA về tình hình Ukraine

20/01/2022


\"Ngoại
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken trả lời phỏng vấn của trưởng văn phòng Đông Âu của VOA, Myroslava Gongadze, vào ở Kyiv, Ukraine, ngày 19 tháng 1, 2022.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken ngày 19/1 trả lời phỏng vấn VOA tại Kyiv về các cuộc hội đàm của ông với giới lãnh đạo Ukraine và triển vọng ngăn ngừa một cuộc xâm lược tiềm năng của Nga nhắm vào Ukraine. Cuộc phỏng vấn do phóng viên Myroslava Gongadze, trưởng văn phòng Đông Âu của VOA thực hiện.

Xin chào, chúng tôi đang có mặt ở Ukraine, nước đã bị Nga xâm lược và đe dọa. Tổng thống Nga Vladimir Putin đang yêu cầu phương Tây rời khỏi Ukraine vì tiến vào vùng ảnh hưởng của Nga. Hôm nay, chúng tôi có cơ hội trao đổi với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken về cuộc khủng hoảng này. Cảm ơn ông dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

Rất vui có mặt ở đây với cô.

Chính quyền Mỹ nói rằng Nga có thể xâm lược Ukraine bất cứ lúc nào. Chính quyền Mỹ sẵn sàng làm gì để ngăn chặn sự xâm lược của Nga? Ba bước chính mà ông sẵn sàng làm sẽ là gì nếu Nga xâm lược ngày mai?

Trước hết, chúng tôi đã đưa ra cho Nga một lựa chọn rõ ràng, hoặc là theo đuổi đối thoại và ngoại giao, hoặc là đối đầu và hậu quả. Và chúng tôi vừa có một loạt những giao tiếp ngoại giao tăng cường với Nga, trực tiếp giữa chúng tôi thông qua Đối thoại Ổn định Chiến lược tại NATO, với Hội đồng NATO-Nga tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu OSCE. Tôi vẫn hi vọng là Nga sẽ theo đuổi con đường ngoại giao đó. Rõ ràng chúng tôi mong muốn điều đó hơn. Nhưng chúng tôi cũng đã nói rõ rằng nếu Nga chọn tiếp tục gây hấn với Ukraine, chúng tôi – không chỉ là Mỹ mà nhiều quốc gia trên khắp châu Âu và thậm chí một số quốc gia ngoài Châu Âu – sẽ phản ứng rất mạnh mẽ và kiên quyết và theo ba cách.

Trước nhất, chúng tôi đã nỗ lực ráo riết để vạch ra cụ thể những chế tài sâu rộng, về tài chính, kinh tế, kiểm soát xuất khẩu, và các biện pháp khác. Tôi sẽ không nêu chi tiết các chế tài này là gì, nhưng chúng tôi đang làm điều đó trong sự phối hợp rất chặt chẽ với các đồng minh và đối tác Châu Âu. Hậu quả thứ hai gần như chắc chắn sẽ là sự hỗ trợ thêm, hỗ trợ quân sự phòng thủ, cho Ukraine. Và thứ ba, gần như chắc chắn rằng NATO sẽ phải củng cố hệ thống phòng thủ ở sườn phía đông. Điều đáng chú ý ở đây là, Tổng thống [Nga Valdimir] Putin, trở lại hồi năm 2014, đã gây ra điều mà ông ấy nói là ông ấy muốn ngăn chặn, vì NATO đã phải củng cố chính mình sau khi Nga xâm lược Ukraine, chiếm Crimea, vùng Donbass sau khi sự kiện đó xảy ra. Vì vậy, chúng tôi đã vạch ra những hậu quả rõ ràng đối với Nga, nhưng cũng vạch ra con đường mà chúng tôi mong muốn là giải quyết những khác biệt theo con đường ngoại giao. Và chúng ta sẽ xem Tổng thống Putin quyết định chọn con đường nào.

Việc loại Nga ra khỏi Swift [Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu] hiện có đang được bàn tới hay không? Các chế tài cá nhân nhắm vào Putin và gia đình ông ấy có đang được tính tới không?

Điều tôi có thể nói là – mà không chỉ mình tôi nói mà G7, các nền kinh tế dân chủ hàng đầu trên thế giới, Liên hiệp Châu Âu, NATO đều đã tuyên bố là trong tư cách những định chế, một tập hợp các quốc gia – sẽ có, xin trích nguyên văn, “hậu quả to lớn” đối với Nga, nếu nước này tiếp tục gây hấn với Ukraine. Chúng tôi cũng đã nói rằng các biện pháp mà chúng tôi đang xem xét vượt xa các bước mà chúng tôi đã thực hiện trong quá khứ, kể cả trong năm 2014. Tôi sẽ không nói chi tiết ở đây hoặc gửi tín hiệu về các bước chúng tôi sẽ áp dụng. Nhưng tôi có thể nói là hậu quả sẽ rất nặng nề. Nhưng một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi không muốn phải đi theo con đường đó. Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ để làm điều đó. Nhưng chúng tôi muốn xem liệu chúng tôi có thể giải quyết những khác biệt, giải quyết quan tâm từ cả hai phía thông qua ngoại giao hay không.

Nga yêu cầu có phản hồi bằng văn bản về việc họ đòi NATO không bao giờ thu nạp Ukraine. Ông có đang chuẩn bị một văn bản phản hồi, và theo hình thức nào?

Tuần rồi chúng tôi đã có những giao tiếp quan trọng. Như tôi đã nói, bây giờ cả Nga và tất cả chúng tôi – Mỹ và các đối tác Châu Âu của chúng tôi – có cơ hội để nghiệm lại những gì chúng tôi đã nghe được từ phía bên kia. Phái đoàn Nga đã trở về và có lẽ đang tham khảo ý kiến của Tổng thống Putin. Trong trường hợp của tôi, chúng tôi cũng đã làm như vậy với Tổng thống Biden. Phía Châu Âu cũng đã làm như vậy với các nhà lãnh đạo của họ. Và bước tiếp theo trong quá trình này là tôi có cơ hội gặp Bộ trưởng Ngoại giao (Sergey) Lavrov tại Geneva vào ngày thứ Sáu, để xem Nga phản ứng ra sao với những gì đã được thảo luận. Họ sẽ nghe từ chúng tôi. Tuy nhiên trước đó, tôi quyết tâm, theo chỉ thị của Tổng thống Biden, đến Kyiv, để tham khảo ý kiến với các đối tác Ukraine của chúng tôi, và sau đó gặp gỡ các đối tác Châu Âu thân cận nhất của chúng tôi vào ngày mai tại Berlin. Đó chính xác là cách mà chúng tôi đang tiến hành. Chúng tôi thực hiện mọi việc trong sự tham vấn rất kĩ trước và sau bất cứ sự giao tiếp nào của chúng tôi với Nga.

Ông chưa trả lời câu hỏi của tôi rằng ông có đang chuẩn bị một phản hồi bằng văn bản cho Nga hay không.

Ngay lúc này, bước tiếp theo là gặp Bộ trưởng Lavrov. Để xem mọi việc ra sao sau ngày thứ Sáu rồi mới có quyết định tiếp theo.

Tôi có câu hỏi về ông Lavrov, theo lịch trình ông sẽ gặp ông ấy. Ông có thấy bất kì dấu hiệu nào cho thấy Điện Kremlin đang thay đổi lập trường vào thời điểm này không?

Tôi không thể nói rằng tôi thấy bất kì bằng chứng trực tiếp nào về điều đó. Đáng tiếc là, như chúng ta có thể thấy, chúng ta vẫn thấy Nga đang tăng cường lực lượng rất đáng kể trên biên giới của Ukraine. Quá trình đó dường như vẫn tiếp diễn. Mặt khác, việc chúng tôi sẽ gặp nhau ở Geneva, sẽ thảo luận về các cuộc trò chuyện và trao đổi mà chúng tôi đã có trong 10 ngày qua, cũng cho thấy rằng ngoại giao vẫn là một khả năng để ngỏ, một khả năng mà chúng tôi quyết tâm theo đuổi chừng nào còn có thể được. Chúng tôi muốn tận dụng mọi biện pháp ngoại giao, bởi vì, một lần nữa, đó là phương cách tốt hơn nhiều và có trách nhiệm hơn nhiều để đối phó với những vấn đề này.

Thỏa thuận Minsk được coi là giải pháp có giá trị duy nhất cho cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, Nga và Ukraine có cách hiểu khác nhau về thỏa thuận này. Phải làm gì để thực thi thỏa thuận hay đã đến lúc đàm phán lại?

Tôi không nghĩ rằng cần phải thương lượng lại bởi vì đã có một thỏa thuận. Thực tế là có ba thỏa thuận Minsk vì những diễn tiến trong giai đoạn 2014-2015. Và có một số bước rất rõ ràng mà cả hai bên phải thực hiện. Tôi nghĩ công bằng mà nói, có nhiều bước mà Ukraine đã thực hiện hoặc bắt đầu thực hiện và còn một số bước vẫn chưa được giải quyết. Cũng công bằng khi nói rằng Nga hầu như chẳng làm gì về phương diện các bước cần phải thực hiện trong thỏa thuận Minsk. Vì vậy, câu hỏi đầu tiên là liệu Nga có nghiêm túc trong việc giải quyết xung đột ở vùng Donbass thông qua quy trình Minsk hay không. Nếu đúng như vậy, tôi đồng ý với cô, tôi nghĩ đó là cách tốt nhất và hiện thực sự là con đường duy nhất tiến về phía trước. Pháp và Đức cũng là một phần quan trọng của cái gọi là thể thức Normandy này. Và sẽ có các cuộc họp sắp tới trong quá trình đó. Và, một lần nữa, đó là một phép thử xem Nga có nghiêm túc với thỏa thuận này hay không. Một dấu hiệu tích cực mà chúng ta đã thấy trong vài tuần qua khi nói đến Minsk là một thỏa thuận ngừng bắn lỏng lẻo, đó rõ ràng là một sự cải thiện so với trước, so với tình hình hồi năm 2020. Nhưng câu hỏi thực sự là Nga có nghiêm túc trong việc thi hành thỏa thuận Minsk hay không. Nếu đúng như vậy, chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện, chúng tôi sẵn sàng ủng hộ điều đó, chúng tôi sẵn sàng tham gia, ủng hộ tiến trình Normandy này mà Pháp, Đức, Nga và Ukraine đang tham gia.

Ông nhắc đến Đức, đến thể thức Normandy. Có rất nhiều thảo luận về việc Mỹ tham gia Thể thức Normandy đó. Mỹ có đang cân nhắc việc này?

Tôi không nghĩ vấn đề là chúng tôi có tham gia hay không. Vấn đề là liệu có ích gì hay không khi chúng tôi cố gắng tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ nó theo bất kì cách nào mà chúng tôi có thể. Nếu câu trả lời là có, chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng tham gia. Và tất nhiên, chúng tôi đã chia sẻ điều đó với các đồng minh và đối tác của chúng tôi là Pháp và Đức. Nhưng chúng tôi cũng đã nói điều đó với Nga, và tất nhiên là với Ukraine.

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ gần đây nói nếu Nga muốn đường ống khí đốt Nord Stream bắt đầu hoạt động, họ phải ngừng gây hấn ở Ukraine. Liệu Mỹ có sẵn sàng chấp nhận việc hoàn thành, và kích hoạt đường ống để Nga rút quân khỏi biên giới?

Chúng tôi tiếp tục phản đối đường ống này vì những lý do mọi người đã biết rõ từ lâu. Chúng tôi nghĩ rằng nó thực sự làm suy yếu an ninh năng lượng của Châu Âu và rõ ràng là gây ra thiệt hại tiềm tàng to lớn cho Ukraine, bao gồm cả việc cho Nga có được sự lựa chọn né tránh đường ống hiện có đi qua Ukraine. Điều đó dẫn đến rất nhiều phí quá cảnh cho Ukraine, và thêm những tổn hại khác nữa. Đường ống đã hoàn tất, việc xây dựng đã hoàn tất, và nó chưa đi vào hoạt động. Như cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã nêu, đường ống dẫn này đối với chúng tôi cũng quan trọng như đối với Nga, nếu không muốn nói là hơn, bởi vì nếu Nga tiếp tục gây hấn với Ukraine, rất khó có khả năng khí đốt được tiếp tục chạy qua đường ống này. Đó là một yếu tố thú vị để xem nó có ảnh hưởng đến suy nghĩ của Nga hay không khi họ quyết định sẽ làm gì.

Xin phép có hai câu hỏi về nghị trình đối nội của Ukraine. Tổng thống Zelenskiy đã đích thân hứa với Tổng thống Biden là sẽ chống tham nhũng. Ông ấy hứa sẽ bổ nhiệm công tố viên đặc biệt chống tham nhũng trước cuối năm 2021. Tuy nhiên, nhiều người Ukraine cho rằng có sự phá hoại cải cách chống tham nhũng. Hoa Kỳ với tư cách là đối tác chiến lược của Ukraine có hài lòng với tiến trình cải cách ở Ukraine không? Và Ukraine có nguy cơ đánh mất sự ủng hộ của Mỹ hay không nếu chính phủ không đáp ứng cam kết cải cách?

Tôi đã có cơ hội gặp gỡ Tổng thống Zelenskiy hôm nay, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện rất cởi mở về hầu như tất cả những vấn đề này, bao gồm cả câu hỏi về cải cách. Và Tổng thống Zelenskiy đã và đang theo đuổi cải cách, bao gồm cải cách tư pháp, gần đây nhất. Nhưng có những điều khác cần phải thực hiện, bao gồm, cuối cùng là việc bổ nhiệm uỷ viên này. Việc này có thể diễn ra bất cứ lúc nào, vì vậy chúng tôi đang mong chờ điều đó diễn ra. Việc này là một thách thức vì có những áp lực ngoài nước, trong nước, nhưng ông ấy đang trên đường cải cách. Và cuối cùng, tiến bộ của Ukraine, điều mà chúng tôi quyết tâm ủng hộ, phụ thuộc vào cải cách, vì vậy chúng tôi mong tổng thống tiếp tục những nỗ lực đó, chúng tôi rất ủng hộ ông ấy trong những nỗ lực đó và sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine khi nước này thực hiện những nỗ lực đó.

Tôi có một câu hỏi nữa. Đối diện tòa nhà nơi chúng ta đang thực hiện cuộc phỏng vấn này hôm nay là tòa án. Tòa án đang nghe các cáo buộc phản quốc nhắm vào cựu Tổng thống Poroshenko. Nhiều chuyên gia và cựu chính trị gia Nga đã bày tỏ lo ngại, một số cho rằng các cáo buộc này có động cơ chính trị. Ông có nghĩ rằng những cáo buộc và tiến trình này là đúng đắn trong thời điểm này không?

Tôi không thể bình luận chi tiết về trường hợp cụ thể này. Tất cả những gì tôi có thể nói là điều rất quan trọng là trong bất cứ thủ tục tố tụng nào, dù là vụ này hay bất cứ vụ án nào khác, mọi việc được tiến hành thông qua một cơ quan tư pháp độc lập, tuân theo pháp luật và như chúng tôi vẫn nói, không lo sợ ai hay ưu ái ai, không truy tố một cách có chọn lọc. Đó là nguyên tắc chung mà chúng tôi áp dụng ở mọi nơi. Thứ hai, đây là lúc cần đề cao sự đoàn kết dân tộc vì mối đe dọa mà Nga đang đề ra. Và điều quan trọng là người dân Ukraine phải đoàn kết với nhau, dù họ có những khác biệt chính trị nào đi chăng nữa. Một trong những phương thức của Nga là tìm cách chia rẽ, tạo ra sự chia rẽ, gây phân tâm. Và điều quan trọng là người Ukraine phải đoàn kết với nhau để chống lại điều đó và đối phó với thách thức mà Nga đề ra, như một quốc gia với một tương lai xán lạn mà Mỹ ủng hộ mạnh mẽ nhưng đang bị thách thức.

Xin cảm ơn ông rất nhiều.

Bài Liên Quan

Leave a Comment