Mỹ – Nhật họp thượng đỉnh về Bắc Triều Tiên và Trung Quốc
Đăng ngày: 21/01/2022
Thu Hằng
Cuộc họp đầu tiên qua hình thức trực tuyến giữa thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden diễn ra ngày 21/01/2022. Bắc Triều Tiên và Trung Quốc là hai chủ đề chính được đề cập tại thượng đỉnh.
Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ, Nhật diễn ra chỉ một ngày sau khi lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đề ra mục tiêu « tăng cường ngay » khả năng quân sự để chống lại « những hành vi thù nghịch » của Mỹ. Bình Nhưỡng tuyên bố có thể nối lại các vụ thử vũ khí hạt nhân.
Trung Quốc cũng khiến Hoa Kỳ và Nhật Bản quan ngại, đặc biệt là việc Bắc Kinh liên tục gia tăng sức ép nhắm vào Đài Loan, mà Trung Quốc coi là vùng lãnh thổ không thể tách rời và dọa dùng vũ lực để thống nhất nếu cần thiết. Theo Reuters, tuần này thủ tướng Nhật cho biết Tokyo « sẽ tăng cường phòng thủ các đảo gần Đài Loan », tiếp theo lời hứa vào tháng 10, sẽ sửa đổi chiến lược an ninh để xem xét « tất cả các lựa chọn ».
Ngoài vấn đề Đài Loan, chính quyền Tokyo còn lo ngại về những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông, cũng như việc Bắc Kinh không ngừng tăng cường hiện diện quân sự tại các khu vực này, trong đó có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi Nhật kiểm soát, nhưng Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền.
Việc Nga triển khai quân đội gần biên giới Ukraina, tình hình chống dịch Covid-19, các vấn đề an ninh và kinh tế, an ninh mạng cũng được lãnh đạo hai nước đề cập. Trước cuộc họp thượng đỉnh này, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, ông Jake Sullivan và đồng nhiệm Nhật Bản Takeo Akiba đã trao đổi trực tuyến hôm 20/01 về cách tiếp cận của mỗi bên về Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và các vấn đề kinh tế ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Cũng trong ngày 20/01, Tokyo và Washington ra thông cáo chung về Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (TNP). Theo NHK, hai bên công nhận Hiệp ước TNP là cần thiết để đi đến việc loại trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Phía Nhật Bản hoan nghênh tuyên bố ngày 03/01 của 5 cường quốc nguyên tử, theo đó « không có ai thắng trong chiến tranh hạt nhân » và khẳng định quyết tâm « ngăn ngừa việc theo đuổi phổ biến » loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này.