Trợ giúp nhân đạo cho Afghanistan: Mỹ và EU họp với phái đoàn Taliban ở Na Uy
Đăng ngày: 24/01/2022
Trọng Thành
Phái đoàn Taliban công du chính thức Na Uy để thảo luận với các đại diện Mỹ, Liên Âu và một số quốc gia châu Âu về vấn đề viện trợ nhân đạo khấn cấp và tình trạng nhân quyền tại Afghanistan. Thảo luận diễn ra hôm nay 24/01 và ngày mai 25/01/2022.
Sự kiện này được giới quan sát đánh giá như một bước tiến ngoại giao quan trọng đối với chế độ Taliban, đang rất cần đến viện trợ lương thực khẩn cấp.
Kể từ khi Taliban lật đổ chính quyền thân phương Tây tại Kabul, trợ giúp quốc tế – chiếm khoảng 80% ngân sách quốc gia – đã bị đình chỉ. Hoa Kỳ cũng phong tỏa 9,5 tỉ đô la tài sản của Ngân Hàng Trung Ương Afghanistan.
Đối với phương Tây, việc dỡ bỏ phong tỏa tài sản và nối lại viện trợ chỉ có thể khi chế độ Taliban bảo đảm nhân quyền được tôn trọng, trong lúc giới bảo vệ nhân quyền liên tục lên án chế độ Taliban chà đạp quyền con người, đặc biệt là quyền phụ nữ.
Đối thoại giữa Taliban và nhóm tranh đấu nhân quyền người Afghanistan
Ngày hôm qua, trong ngày đầu tiên của chuyến công du, phái đoàn Taliban đã có buổi làm việc với giới tranh đấu Afghanistan, đặc biệt giới bảo vệ nữ quyền, có mặt tại Na Uy. Một số dấu hiệu ban đầu cho thấy phái đoàn Taliban chấp nhận đối thoại. Sau cuộc họp, phát ngôn viên phái đoàn Taliban Zabihullah Mujahid cho biết hai bên nhất trí là « mọi người Afghanistan phải phối hợp hành động để cải thiện tình hình chính trị, kinh tế và an ninh của đất nước ».
Thông tín viên Frédéric Faux tường trình từ Stockholm:
« Phái đoàn Taliban, 100% là đàn ông, do ngoại trưởng Amir Khan Muttaqi dẫn đầu, muốn thể hiện là cởi mở trong buổi làm việc Chủ Nhật này. Đoàn Taliban đã họp kín với nhiều nhà tranh đấu nữ quyền người Afghanistan, tại một địa điểm gần Oslo. Một trong các thành viên phái đoàn thậm chí còn nhấn mạnh đến thiện chí của đoàn Taliban.
Tuy nhiên, các thảo luận có thể sẽ ít vui vẻ hơn hôm nay và ngày mai, khi các ông chủ mới của Afghanistan sẽ đối mặt với các đại diện của Hoa Kỳ và Liên Âu, và một số quốc gia như Pháp, hiện vẫn chưa công nhận chế độ Taliban.
Hiện tại, nạn đói đang đe dọa khoảng 23 triệu dân Afghanistan, tức hơn một nửa dân số, theo Liên Hiệp Quốc. Liên Hiệp Quốc yêu cầu các quốc gia tài trợ đóng góp, 4 tỉ đô la. Phe Taliban yêu cầu nối lại viện trợ nhân đạo, và dỡ bỏ việc phong tỏa các tài sản của chính quyền Taliban ở nước ngoài.
Các nước phương Tây, về phần mình, chờ đợi chế độ Taliban bảo đảm việc tôn trọng nhân quyền, đặc biệt về quyền phụ nữ. Đây cũng là yêu cầu của nhiều người biểu tình. Nhiều người tị nạn Afghanistan tập hợp tại Oslo, phản đối sự hiện diện của phái đoàn Taliban ».
Chính quyền Na Uy bị chỉ trích
Cho đến nay, chưa có quốc gia nào trên thế giới công nhận chế độ Taliban. Chính quyền Na Uy cũng bị nhiều chuyên gia, và một bộ phận cộng đồng Afghanistan ở hải ngoại chỉ trích về việc mời phái đoàn Taliban. Ngoại trưởng Na Uy Anniken Huitfeldt khẳng định, việc tổ chức các cuộc thảo luận nói trên không hàm nghĩa « công nhận chế độ Taliban », tuy nhiên, « cần đối thoại với những người đang kiểm soát quốc gia này trên thực tế ».
Một trong những lý do khiến chính quyền Na Uy bị chỉ trích mạnh trên các mạng xã hội, là do trong phái đoàn có Anas Haqqani, một thủ lĩnh của mạng lưới Haqqani, là thủ phạm của nhiều cuộc tấn công khủng bố đẫm máu tại Afghanistan, vốn bị Hoa Kỳ xếp vào danh sách tổ chức khủng bố.