Vụ Việt Á: Giới xã hội dân sự yêu cầu cải cách chính trị để chống lũng đoạn nhà nước
RFA
2022.01.27
Hình minh hoạ: Bộ kit xét nghiệm của Việt Á và tấm biển cố động cho Đảng Cộng sản VN trên đường phố Hà Nội Reuters/ RFA edit
Sáu tổ chức xã hội dân sự độc lập ra tuyên bố kêu gọi xử lý triệt để vụ công ty Việt Á bán bộ xét nghiệm COVID-19 với giá cao gấp nhiều lần giá trị thực, và yêu cầu cải cách thể chế chính trị để chống lũng đoạn nhà nước.
Hôm 27 tháng 1, một nhóm các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam đồng soạn thảo tuyên bố mang tên \”Tuyên bố về Vụ đại án Việt Á\”.
Nội dung xoay quanh sự việc được dư luận cả nước quan tâm về vấn đề công ty do ông Phan Quốc Việt đứng đầu, giả mạo tự sản xuất bộ xét nghiệm COVID-19, sau đó bán với giá cao cho các Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật trên cả nước, và đưa lại quả cho người đứng đầu các cơ quan này.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, ông Lê Thân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, một trong sáu tổ chức khởi xướng, cho biết nguyên do ra đời của tuyên bố này:
“Sở dĩ mà các tổ chức xã hội dân sự ra cái tuyên bố này, tức là đây là một vụ án mà cái tính chất vụ án đã trở thành cái chuyện lũng đoạn toàn bộ nhà nước rồi, chứ không còn là vấn đề đơn lẻ ở tỉnh này hay tỉnh kia, ở bộ phận này hay bộ phận khác. Mà nó trở thành một cái sự cấu kết của gần như cả hệ thống.
Và chính cái lũng đoạn nhà nước đấy nó sẽ là một cái nguy cơ dẫn đến cái chuyện suy vong của đất nước. Mà trước mắt nó là một cái tội ác không thể nào tha thứ được. Cho nên các tổ chức xã hội dân sự phải lên tiếng.”
Các tổ chức đồng ký tên vào tuyên bố này nhận định vụ án liên quan đến công ty Việt Á có tính chất lợi dụng thảm hoạ để làm giàu bất chính, và kết luận đây là hành vi “bán nước và diệt chủng”.
Nguyên do dẫn đến tình trạng này, theo như những tổ chức khởi xướng tuyên bố, là nằm ở thể chế chính trị “độc tài toàn trị” do Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu, dẫn đến việc bộ máy nhà nước bị hư hỏng và trở nên tha hoá.
Về vai trò của thế chế chính trị trong việc tạo ra lũng đoạn nhà nước, ông Lê Thân nói:
“Chúng tôi xác định rằng chính cái cơ chế này, cái thể chế này có hai vấn đề. Thứ nhất là độc tài toàn trị, thứ hai là không nghe phản biện. Chính hai cái này dẫn đến chuyện thứ nhất là làm hư con người, vì con người anh chọn lên không phải con người tốt, mà nếu là con người tốt thì cũng không thể hợp tác được. Và thứ hai là cái cơ chế, cách điều hành này thì dẫn đến hết sai lầm này đến sai lầm khác.”
Để xử lý dứt điểm vụ án Việt Á cũng như tình trạng lũng đoạn nhà nước, nhóm các tổ chức xã hội dân sự đã đưa ra năm yêu cầu, trong đó tập trung vào việc xử lý nghiêm minh vụ đại án, và cải cách thể chế chính trị.
“Ở đây người ta muốn thay đổi cái cơ chế là muốn giải quyết tận gốc cái nguyên nhân của mọi nguyên nhân đã tạo ra cái tình hình hiện tại, mà chính cái vụ Việt Á nó là cái biểu hiện rõ nhất về cái cơ chế, cái thể chế hiện nay.” – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng cho hay.
Từ Cộng hoà Liên bang Đức, ông Nguyễn Văn Đài, Chủ tịch Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức đấu tranh dân chủ cho Việt Nam, bình luận về sự kiện các tổ chức xã hội dân sự trong nước ra tuyên bố kêu gọi thay đổi thể chế chính trị để giải quyết tình trạng lũng đoạn nhà nước:
“Đứng trước cái thực trạng của đất nước là cái vụ tham nhũng này nó quá lớn, mà như cái bình luận ở trong kiến nghị thì nói đây là một đại án, và nó mang tính chất diệt chủng đối với người dân Việt Nam, thì tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm như vậy.
Và việc các tổ chức xã hội dân sự làm kiến nghị lên chính quyền yêu cầu phải xử lý một cách công khai, minh bạc, rõ ràng không có vùng cầm đối với những người mà đã liên quan đến vụ đại án Việt Á này, thì tôi cho rằng đó là một cái kiến nghị đúng đắn ở lúc này.”
Tuy nhiên, nhà hoạt động kỳ cựu này lại cho rằng, triển vọng để Đảng Cộng sản thực hiện cải cách thể chế chính trị nhằm giải quyết vấn nạn tham nhũng là không cao, ông nói:
“Bởi vì đối với chế độ độc tài Cộng sản Việt Nam thì ngay từ khi họ cướp chính quyền đến bây giờ, họ luôn luôn coi cái việc cải cách thể chế chính trị, tức là phải chấp nhận đã nguyên đa đảng, sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chính họ. Cho nên mọi cái sự thay đổi về pháp luật, hay kinh tế, hay một số phương diện xã hội thì họ có thể chấp nhận, nhưng mà riêng về khía cạnh chính trị thì chắc chắn là họ sẽ không bao giờ chấp nhận cái sự thay đổi đó.”
Trước đó, hôm 16 tháng 1 kênh truyền hình của Thông tấn xã Việt Nam cho phát chương trình Nhận diện, với tiêu đề “Đập tan Các Luận Điệu Xuyên Tạc, Chống Phá Đảng, Nhà Nước Xung Quanh Vụ Án Việt Á”.
Trong đó phủ nhận tham nhũng là vấn đề mang tính thể chế ở Việt Nam, và cáo buộc những cá nhân và tổ chức quy trách nhiệm cho Đảng Cộng sản trong việc để xảy ra tham nhũng là “xuyên tạc, bôi nhọ, và bịa đặt” nhằm làm “giảm niềm tin của dân chúng đối với đảng Cộng sản Việt Nam.\”