Các nhà lập pháp Mỹ yêu cầu IOC chứng minh trang phục Olympic không xuất xứ từ lao động cưỡng bức

Các nhà lập pháp Mỹ yêu cầu IOC chứng minh trang phục Olympic không xuất xứ từ lao động cưỡng bức

Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) gần đây đã tuyên bố rằng không có hành vi vi phạm nghiêm trọng nào, chẳng hạn như cưỡng bức lao động, từ các nhà cung cấp trang phục cho Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh, kể cả Hằng Nguyên Tường (Hengyuanxiang) và Anta, hai thương hiệu bị cáo buộc trục lợi từ hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

January 27, 2022

\"\"
Các nhà hoạt động đeo mặt nạ có hình gương mặt của Chủ tịch IOC Thomas Bach (bên trái) và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đứng chụp ảnh trước các Vòng tròn Olympic trong cuộc biểu tình trên đường phố phản đối việc tổ chức Thế vận hội Mùa Đông Trung Quốc 2022, ở Dharmsala, Ấn Độ, hôm 03/02/2021. (Ảnh: Ashwini Bhatia/AP Photo)

Đáp lại nghi vấn từ một nghị sĩ Hoa Kỳ, IOC tuyên bố hôm 19/01 rằng họ đã tiến hành một cuộc điều tra thẩm định đối với các nhà cung cấp Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh, bao gồm cả Tập Đoàn Hằng Nguyên Tường và thương hiệu Thời trang thể thao Anta, và không tìm thấy vi phạm nghiêm trọng nào đối với Quy chế dành cho Nhà cung cấp của IOC, bao gồm cả hành vi ép buộc, thoái thác nợ, lao động theo hợp đồng, hoặc lao động trẻ em.

Tuyên bố dẫn lời giải thích của hai công ty trên rằng, “Hằng Nguyên Tường khẳng định rằng bông được sử dụng trong các sản phẩm của họ không có xuất xứ Trung Quốc, trong khi Anta nói rằng họ sử dụng nguyên liệu có thể tái chế và không chứa bông,” nhưng không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào.

Hằng Nguyên Tường và Anta được IOC chỉ định làm nhà cung cấp trang phục thi đấu cho Thế vận hội Mùa Hè Tokyo và Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh. Lo ngại về các sản phẩm may mặc của hai công ty Trung Quốc này, ba thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ đã gửi một lá thư tới IOC hôm 12/01, yêu cầu cơ quan này bảo đảm rằng trang phục cho Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh không liên quan đến những lo ngại về lao động cưỡng bức và tuyên bố rằng họ không muốn các thành viên Ủy ban Olympic hay vận động viên mặc quần áo được làm ra từ lao động cưỡng bức.

Ba nhà lập pháp này đều là thành viên của Ủy ban Điều hành Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc (CECC). Họ đã yêu cầu Chủ tịch IOC Thomas Bach xác nhận rằng các hợp đồng của IOC với Anta và Hằng Nguyên Tường, vốn sử dụng bông từ Tân Cương, được chứng minh là đúng.

Bức thư trích dẫn một dự luật được Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ký vào tháng 12/2021, Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ, cấm tất cả các sản phẩm từ khu vực Tân Cương trừ khi có bằng chứng rằng những mặt hàng đó không phải do lao động cưỡng bức làm ra.

Tân Cương là khu vực sản xuất bông lớn nhất ở Trung Quốc, và theo Cục Thống kê Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc, khu vực này chiếm 87.3% tổng sản lượng bông của Trung Quốc vào năm 2020.

Thông tin công khai cho thấy Anta và Hằng Nguyên Tường đã sử dụng bông Tân Cương trong quá trình sản xuất của họ. Ví dụ: nhiều sản phẩm của Hằng Nguyên Tường được quảng cáo công khai là có chứa bông Tân Cương trên các nền tảng thương mại điện tử như Taobao, JD.com, và Suning. Ngoài ra, trang web chính thức của Hằng Nguyên Tường cho thấy rằng công ty này có một nhà máy ở Tân Cương.

Anta, mặt khác, thông báo hồi tháng 03/2021 rằng họ sẽ rời khỏi cơ quan giám sát bông quốc tế, Sáng kiến ​​Bông Tốt hơn (BCI), và tuyên bố công khai rằng “chúng tôi luôn tìm nguồn và sử dụng bông Trung Quốc, bao gồm cả bông Tân Cương, và sẽ tiếp tục làm như vậy trong tương lai.”

Hồi tháng 10/2020, sau một cuộc điều tra độc lập, BCI đã quyết định ngừng lấy nguồn bông từ Tân Cương do các cáo buộc liên tục về lao động cưỡng bức và vi phạm nhân quyền khác trong khu vực này, nơi có tới 1.8 triệu người Duy Ngô Nhĩ và người thuộc các dân tộc thiểu số khác đã bị giam cầm trong những gì được mô tả là trại giam lớn nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến.

Quyết định của BCI đã vấp phải sự trả đũa mạnh mẽ từ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hồi tháng 03/2021, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã huy động các phương tiện truyền thông nhà nước để khuyến khích công chúng chỉ trích hành động của BCI và tẩy chay các thương hiệu quốc tế như H&M và Nike vốn tuân theo khuyến nghị của BCI về việc ngừng sử dụng bông Tân Cương.

Chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ vì bắt giam người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương trên quy mô lớn, cùng với các nước như Hoa Kỳ, Úc, Canada, Anh Quốc, và Nhật Bản đã thực hiện một cuộc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh.

IOC vẫn giữ im lặng về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương.

Các nhà bình luận Nhật Bản Takamine Hajime và Yang Guiyuan nói với The Epoch Times rằng có lý do để nghi ngờ rằng IOC đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mua chuộc và rằng hối lộ là một chiến thuật thường được ĐCSTQ sử dụng.

Ông Takamine Hajime nói rằng thế giới bên ngoài có thể yêu cầu IOC cung cấp bằng chứng cho thấy các nhà cung cấp không sử dụng bông từ Tân Cương, hoặc nếu không thì cũng giống như cuộc điện thoại của cô Bành Soái (Peng Shuai) với Chủ tịch Ủy ban Olympic Bach được sử dụng làm bằng chứng cụ thể để thuyết phục công chúng rằng cô ấy hoàn toàn tự do.

“Tất nhiên, không thể loại trừ một khả năng khác. Ngay cả khi IOC đưa ra bằng chứng, điều này cũng có thể xuất phát từ Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng là điều hông đáng tin cậy, bởi vì Đảng Cộng sản Trung Quốc được lập nên bởi những người dối trá,” ông nói.

Ông Yang Guiyuan nói với The Epoch Times: “Phân tích thái độ của IOC đối với ĐCSTQ có vẻ khá lạ đối với những người có lý trí, họ có thể đặt câu hỏi liệu IOC có bị ĐCSTQ mua chuộc hay không, và liệu Thế vận hội Olympic có dần đi lệch khỏi nguyên tắc cạnh tranh công bằng trong thể thao hay không.”

Theo Epoch Times

Bài Liên Quan

Leave a Comment