Những thiệt hại khổng lồ cho châu Âu nếu áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Nga
Đăng ngày: 29/01/2022
Chi Phương
Trong cuộc khủng hoảng Ukraina, châu Âu có nguy cơ hứng chịu nhiều mất mát, nếu áp đặt lệnh trừng phạt chống lại Nga. Tại Pháp, những mặt trái của mô hình viện dưỡng lão tư nhân được hé lộ, đặt ra vấn đề về việc thu lợi nhuận bằng mọi giá và sự yếu kém của Nhà nước trong việc giám sát các cơ sở được tài trợ. Miến Điện gần một năm sau đảo chính, người dân vẫn phản kháng bất chấp đàn áp. Trên đây là những chủ đề chính của Tạp chí đó đây tuần này.
Trong tuần vừa qua, sự kiện được công luận quốc tế quan tâm nhiều vẫn là hồ sơ Ukraina. Hoa Kỳ cùng với Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm thứ Tư, 26/01, đã trả lời Nga bằng văn bản bác bỏ các đòi hỏi của Nga không kết nạp Ukraina vào NATO, nhưng đưa ra “một con đường ngoại giao” để tránh xung đột vũ trang. Văn bản khẳng định rõ cam kết duy trì, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, các quốc gia có quyền được lựa chọn liên minh của mình. Cũng trong ngày thứ Tư, 26/01, các nhà đàm phán Nga Ukraina Pháp Đức, trong khuôn khổ Công thức Normandie, đã gặp nhau tại Paris với mục đích giảm căng thẳng leo thang giữa Matxcơva và Kiev.
Trong khi các cuộc đàm phán với Nga không có nhiều tiến triển, hơn 100 000 lính Nga đóng quân ở biên giới chung với Ukraina vẫn là mối đe doạ cho an ninh nước này. Phương Tây nhiều lần cảnh báo Nga sẽ phải đối mặt với biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nếu Nga tấn công Ukraina. Vậy câu hỏi đặt ra là trong kịch bản Nga bị trừng phạt do tấn công Ukraina, thì châu Âu sẽ bị ảnh hưởng ra sao?
Theo AFP, căng thẳng giữa Nga và Ukraina dường như làm cho quan hệ giữa châu Âu và Hoa Kỳ gắn kết hơn. Tuy nhiên, nếu tiến hành trừng phạt Nga, châu Âu có thể sẽ bị tổn thất nhiều hơn Hoa Kỳ, do gần gũi về vị trí địa lý cũng như mối liên hệ về an ninh và kinh tế với Nga.
Bất chấp các trừng phạt của châu Âu áp đặt sau khi Nga sáp nhập Crimée vào năm 2014, Nga vẫn là thị trường xuất khẩu lớn thứ năm của Liên Hiệp Châu Âu, trị giá khoảng 81 tỷ euro vào năm 2021. Nga cũng là nhà cung cấp lớn thứ ba của châu Âu sau Trung Quốc và Hoa Kỳ, với tổng trị giá 142 tỷ euro. Châu Âu rơi vào thế khó xử vì một bên phải đưa ra tiếng nói chung với đồng minh Mỹ, còn bên kia thì phải lo đến lợi ích kinh tế của mình. Lệnh trừng phạt đầu tiên được tính đến là về lĩnh vực năng lượng. Ngoại trưởng Pháp và Đức đều tuyên bố các lệnh trừng phạt, sẽ nhắm vào đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 nối giữa Nga và Đức, hiện vẫn chưa hoàn thiện.
Phụ thuộc khí đốt vào Nga
Trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao, 40% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu đến từ Nga. Le Figaro cho biết, vào năm 2021, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng lên gấp 4 lần do Nga chậm giao hàng vì khủng hoảng và tình trạng thiếu hàng. Hầu hết lượng khí đốt từ Nga vào châu Âu đi qua các đường ống như Yamal-Europe (đi qua Belarus và Ba Lan đến Đức) và Nord Stream 1 (đi thẳng đến Đức qua Biển Baltic và qua Ukraine.) Giả sử Nga ngừng giao hàng cho châu Âu, hoặc bị cấm vận khí đốt, liệu châu Âu có nguồn nào khác không ?
Theo Reuters, Đức có thể nhập khẩu khí đốt từ Na Uy , Hà Lan, Đan Mạch. Tuy nhiên, Na Uy là quốc gia cung cấp khí đốt lớn thứ hai châu Âu, hiện lượng khí đốt cung cấp đang ở mức tối đa, khó có thể cung ứng bù vào phần của Nga. Các nước Nam Âu có thể nhập khí đốt từ Thổ Nhĩ Kỳ qua đường ống Adriatic. Theo Le Figaro, Hoa Kỳ đang tìm nguồn cung thay thế cho châu Âu qua việc đàm phán với các quốc gia cung cấp khí đốt lớn, nhằm tăng sản lượng và định tuyến vận chuyển khí đốt đến châu Âu. Như trường hợp của Quatar can thiệp giải quyết gián đoạn nguồn cung ở Fukushima vào năm 2011. Tuy nhiên, Le Figaro cho biết thêm, châu Âu có đủ năng lực khí hóa cần thiết để nhập khẩu nhiều hơn từ Hoa Kỳ và Qatar, nhưng lại không có đủ thuyền để vận chuyển.
Dẫu sao, các nhà quan sát tin rằng Matxcơva không được lợi gì nếu ngừng giao hàng cho châu Âu. Kim ngạch xuất khẩu sang châu Âu mỗi tháng của Gazprom đạt từ 40 đến 80 tỷ mỗi tháng. Chính phủ được hưởng một phần ba trong số đó.
Trừng phạt ngân hàng Nga, ngân hàng châu Âu không khỏi liên luỵ
Thêm vào đó, một trong những biện pháp trừng phạt kinh tế khác chống lại Nga được đưa ra đó là chấm dứt hoạt động của hệ thống S.W.I.F.T, một mạng lưới dịch vụ viễn thông tài chính liên ngân hàng khổng lồ, có độ an toàn rất cao. Theo France Info, 11.000 tổ chức tài chính sử dụng hệ thống này ở 200 quốc gia trên thế giới. Việc gạt Nga ra khỏi hệ thống S.W.I.F.T sẽ ảnh hưởng đến khoảng 300 ngân hàng và tổ chức của Nga. Tuy nhiêu, nhiều doanh nghiệp châu Âu đang làm ăn với họ sẽ bị ảnh hưởng theo. Hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn nếu Mỹ đưa ra lệnh cấm các giao dịch bằng đô la, như đã làm với Iran. Trong khi đồng đô la hiện là tiền tệ chính được sử dụng trong các sàn giao dịch quốc tế, đặc biệt là lĩnh vực khí đốt.
Phát biểu trên France Info, chủ tịch viện nghiên cứu quan hệ quốc tế IFRI, Thierry de Montbrial, nhận định về các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga như sau :
“Tất cả những trừng phạt mà Nga phải hứng chịu. Trong trường hợp này, châu Âu sẽ là nạn nhân đầu tiên. Nga sẽ có phương án với Trung Quốc. Chúng ta đã xa lánh Nga và Trung Quốc từ nhiều năm trở lại đây và cả Iran nữa. Hoa Kỳ ở đằng sau, đợi thời cơ thích hợp nhất để chuyển hướng Liên minh Đại Tây Dương (alliance atlantique) chống lại Trung Quốc, chống lại Nga, chống lại Iran…Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề quan trọng bởi trong trường hợp này, chúng ta càng phụ thuộc vào các quyết định của Hoa Kỳ hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Hãy nhìn những gì xảy ra ở Trung Đông từ 40 năm nay. Vấn đề thực sự rất nghiêm trọng.”