Khủng hoảng Ukraina tạo động lực thúc đẩy liên kết Nga-Trung chống Mỹ
Đăng ngày: 31/01/2022
Minh Anh
Căng thẳng gia tăng giữa Nga với Mỹ và các nước đồng minh phương Tây trong hồ sơ Ukraina đang gây ra một tác động khác : Việc cùng chia sẻ thái độ thù nghịch với Mỹ khiến Trung Quốc muốn gần gũi với Nga hơn.
Một quan chức cao cấp Nga hồi tháng 12/2021 từng tuyên bố quan hệ giữa hai nước « vượt qua cả khuôn khổ một liên minh ». Sự năng động trong mối liên kết này còn được thể hiện rõ qua việc Bắc Kinh ngày 27/01/2022, công khai bày tỏ ủng hộ « những mối bận tâm hợp lý của Nga trên phương diện an ninh » và những mối lo đó « phải được xem xét nghiêm túc và phải có được một giải pháp », theo như lời phát biểu của ngoại trưởng Vương Nghị với đồng nhiệm Mỹ Anthony Blinken trong một cuộc điện đàm.
Chưa có lúc nào mối quan hệ Nga – Trung lại tốt đẹp như lúc này kể từ thời Stalin và Mao Trạch Đông, khi đôi bên hiện giờ có cùng một cảm nhận chung, theo đó, Hoa Kỳ là thách thức chính trị của mỗi nước. Nước Nga của ông Vladimir Putin dưới áp lực trừng phạt của Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu sau vụ sáp nhập bán đảo Crimée và hậu thuẫn phe ly khai trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraina. Còn Trung Quốc của ông Tập Cận Bình bị nước Mỹ từ thời Donald Trump xem như là « một đối thủ chiến lược ».
Theo giới quan sát, cuộc khủng hoảng Ukraina từ năm 2014 thật sự là một chất xúc tác để Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn. Quan hệ Nga – Trung không ngừng được tăng cường qua từng năm tháng. Điều này thể hiện rõ nhất qua trong thương mại. Năm 2021, trao đổi mậu dịch giữa hai nước tăng đến 35,8%. Xuất khẩu từ Nga sang Trung Quốc chiếm 14%, tập trung chủ yếu vào dầu khí và quặng mỏ và trong chiều ngược lại là 2%, Trung Quốc cung cấp cho Nga các dòng sản phẩm công nghiệp và công nghệ cao.
Thế nên, theo quan điểm của Xu Poling – chuyên gia về kinh tế Nga, Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Trung Quốc trên tờ South China Morning Post, « quan hệ thương mại giữa Nga và Trung Quốc cho thấy rõ có một sự hỗ trợ chiến lược lẫn nhau trong khuôn khổ một tin cậy hỗ tương ».
Ông Wan Qingsong, phó giáo sư Trung Tâm Nghiên Cứu về Nga, đại học Sư phạm Hoa Đông giải thích với South China Morning Post rằng « đối với Trung Quốc, Nga không chỉ là một hậu phương chiến lược ổn định, một nguồn cung cấp năng lượng đáng tin cậy để có thể củng cố cuộc chiến chống Hoa Kỳ ».
Ngược lại, đối với Nga, Bắc Kinh là một đối tác không thể thiếu trong cuộc khủng hoảng ngoại giao đang diễn ra. Với tư cách là một nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, Trung Quốc có thể giúp Nga thoát thế cô lập do các lệnh trừng phạt như mở rộng việc thanh toán thương mại bằng đồng nội tệ của nhau trong những năm qua, như ghi nhận của Yang Cheng, đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải với tờ nhật báo Hồng Kông.
Giờ đây có một câu hỏi lớn được đặt ra : Liệu Trung Quốc có đi đến hậu thuẫn Nga xâm chiếm Ukraina hay không ? Điều này đang thật sự gây lo lắng. Nếu như sự ủng hộ này biến thành hiện thực, hậu quả đối với Mỹ cũng như là Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản sẽ là rất khó lường.
Nhưng có một điều chắc chắn, theo như ông Chris Miller – giám đốc trung tâm cố vấn Foreign Policy Research Institute của Mỹ, lưu ý thêm rằng qua quan sát những cuộc họp thượng đỉnh tiếp nối nhau giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng như việc ông Tập mô tả nguyên thủ Nga như là « người bạn tốt nhất », cách tiếp cận của Trung Quốc đối với Nga trong cuộc khủng hoảng này cũng sẽ được diễn giải như là đang gửi đi những tín hiệu về năng lực và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế cũng như là đối với nước Nga của ông Putin.