Kênh tuyên truyền của Trung Quốc phát tín hiệu thanh trừng phe Giang Trạch Dân

\"Kênh

Cuộc đấu đá nội bộ giữa phe Giang Trạch Dân và phe Tập Cận Bình chưa bao giờ dừng lại. Ảnh chụp Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. (Feng Li / Getty Images)

Kênh tuyên truyền của Trung Quốc phát tín hiệu thanh trừng phe Giang Trạch Dân

 Bình luậnĐông Phương •  31/01/22 942

Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ quyết định liệu ông Tập Cận Bình có tái đắc cử hay không. Mức độ “gió tanh mưa máu” lần này không nhất định thua kém Đại hội Đảng 18 khi ông Tập Cận Bình nhậm chức. Có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Tập đang dốc toàn lực để đối phó với thế lực mang tính thách thức cuối cùng trong nội bộ: phe Giang Trạch Dân.

Tác giả Hà Thanh Liên (He Qinglian): là nhà kinh tế học người Trung Quốc, đồng thời là tác giả của nhiều cuốn sách phê phán xã hội và kinh tế Trung Quốc đương đại. Bà tốt nghiệp khoa lịch sử Đại học Sư phạm Hồ Nam và lấy bằng thạc sĩ kinh tế tại Đại học Phúc Đán Thượng Hải. Các bài viết của bà thường chỉ ra những vấn đề thâm sâu trong cấu trúc hệ thống thống trị của ĐCSTQ và rằng cải cách chính trị triệt để sẽ là điều cần thiết nếu cải cách kinh tế thành công. Những quan điểm này đã khiến một số quan chức Trung Quốc không hài lòng và gây áp lực khiến bà phải rời khỏi quê nhà vào ngày 14/6/2001. Hiện bà đang sống ở Hoa Kỳ.

Sau đây là bài phân tích – bình luận của bà Hà Thanh Liên về đấu đá nội bộ ĐCSTQ:

Duowei News, một kênh truyền thông Hoa ngữ của Mỹ có trụ sở chính tại Bắc Kinh, gần đây đã đăng loạt bài \”30 năm chuyến công du phía Nam của Đặng Tiểu Bình\”. Ngoài việc nói rằng Tập Cận Bình phải kế thừa đường lối ‘cải cách và mở cửa’ của Đặng Tiểu Bình, còn có nhiều bài nhắc đến cái tên Giang Trạch Dân. 

Khi nói đến những thất bại chính trị của Giang, nó không chỉ còn giới hạn ở phạm vi tham nhũng. Bài báo đăng ngày 24/1 trên Duowei News có tiêu đề \”Ván cờ của hai thế lực trước và sau cuộc đàm thoại ở phía Nam\” (sau đây gọi tắt là \”Ván cờ\”). Đây là lần đầu tiên Giang Trạch Dân bị đặt vào phía đối lập chính trị, do từng phủ định đường lối cải cách và mở cửa của Đặng Tiểu Bình, và bị đẩy lên thành đấu tranh đường lối.Ông Đặng Tiểu Bình (trái) và ông Triệu Tử Dương tại Đại hội ĐCSTQ 13 chụp ngày 21/10/1987 tại Bắc Kinh. (JOHN GIANNINI/AFP via Getty Images)

\’Đấu tranh đường lối\’ – Sàn đấu sinh tử trong ĐCSTQ

Những ai quen thuộc với lịch sử của ĐCSTQ đều biết rằng cụm từ \”đấu tranh đường lối\” mang một sức nặng rất lớn. Trong 100 năm thành lập, ĐCSTQ đã trải qua 11 lần đấu tranh đường lối. Cũng chính là cuộc tranh giành quyền lực ‘kẻ sống người chết’ giữa các lãnh đạo cấp cao nhất của chế độ này.

Bài báo \”Ván cờ\” viết rằng, vào ngày 20/5/1989, ông Đặng Tiểu Bình và giới lãnh đạo chóp bu của ĐCSTQ quyết định đưa Bí thư Thành ủy Thượng Hải Giang Trạch Dân lên thay vị trí tổng bí thư ĐCSTQ của ông Triệu Tử Dương. Sau đó đến ngày 31/5, ông Đặng Tiểu Bình đề xuất “bàn giao chính trị” (di sản chính trị) trong cuộc trò chuyện với Thủ tướng Lý Bằng và Phó Thủ tướng Diêu Y Lâm như sau: 

\”Chính sách cải cách và mở cửa không thay đổi, trong vài thập kỷ tới không thay đổi, phải luôn được nhắc đến cùng. Cần tiếp tục thực hiện quán triệt đường lối, phương châm, chính sách kể từ sau Hội nghị toàn thể lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khoá XI, ngay cả ngôn ngữ cũng không thay đổi\”. 

Cốt lõi của nó là \”một trọng tâm, hai điểm cơ bản\”. Trong đó, “một trọng tâm” là lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm; “hai điểm cơ bản” là ‘kiên trì cải cách và mở cửa’, ‘tuân thủ bốn nguyên tắc cơ bản’. Trong đó, điều Đặng Tiểu Bình xem trọng nhất là \”kiên trì cải cách và mở cửa\”, đây được xem là di sản chính trị quan trọng nhất của ông ta.

Giang Trạch Dân đứng giữa hai đường lối, lựa chọn ‘bỏ Đặng theo Trần’

Khi đó, ĐCSTQ do các nguyên lão đứng đầu. Hai nguyên lão Đặng Tiểu Bình và Trần Vân (Phó Chủ tịch ĐCSTQ) đã hình thành một \”nền chính trị hai đầu\”. Ông Đặng muốn cải cách mở cửa, nhưng ông Trần không muốn từ bỏ nền kinh tế kế hoạch. Sau Thảm sát Thiên An Môn năm 1989, phần đông ĐCSTQ phản đối cải cách, Đặng Tiểu Bình mất thế thượng phong. Giang Trạch Dân cân nhắc lợi ích và lựa chọn “bỏ Đặng theo Trần”. 

Trong \”bài phát biểu ngày 1/7\” năm 1989, Giang Trạch Dân đề xuất phân biệt rõ hai quan điểm cải cách, một là cải cách xã hội chủ nghĩa, một nữa là cải cách tư bản chủ nghĩa; và chống diễn biến hòa bình phải được giáo dục trong đảng đến cùng. 

Năm 1991, trong bài phát biểu nhân dịp 70 năm ngày thành lập ĐCSTQ, Giang Trạch Dân nói rằng “trọng tâm của đấu tranh giai cấp hiện nay là cuộc đấu tranh giữa ‘bốn nguyên tắc cơ bản’ và ‘tự do hóa giai cấp tư sản’\”.

Khi nói về việc bồi dưỡng người kế vị, ông ta đề xuất rằng “trong thực tiễn kiến thiết hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa và cải cách mở cửa, trong thực tiễn phản đối tự do hóa giai cấp tư sản và chống diễn biến hòa bình, phải khảo sát và bồi dưỡng cán bộ”. Giang đặt ‘cải cách mở cửa’ ngang hàng với ‘phản đối tự do hóa giai cấp tư sản và chống diễn biến hòa bình’. Điều này tương đương với việc phủ định hoàn toàn đường lối ‘cải cách và mở cửa’ cũng như kế hoạch đào tạo thế hệ cán bộ thứ 3 của Đặng Tiểu Bình.

Chuyến công du phía Nam giúp Đặng Tiểu Bình đảo ngược tình thế

Trước tình hình đó, Đặng Tiểu Bình không thể ngồi nhìn công cuộc cải cách và mở cửa bị chém ngang lưng. Ông đến Thượng Hải gặp Trần Vân vào Tết Nguyên đán năm 1991 nhưng bị từ chối. Tuy nhiên, ông đã có 2 cuộc gặp ở Thượng Hải với Dương Thượng Côn, người chủ trì Quân ủy Trung ương, và đạt được một thỏa thuận. Bên trái là hình ảnh ông Trần Vân chụp năm 1959 ở Trung Nam Hải, Bắc Kinh (Phạm vi công cộng). Bên phải là hình ảnh ông Dương Thượng Côn chụp ngày 20/9/1991 ở Bắc Kinh (FIALA/AFP via Getty Images).

Với sự hỗ trợ của quân đội, “Chuyến công du phía Nam” của Đặng Tiểu Bình từ ngày 18/1 đến ngày 21/2/1992 đã đảo ngược tình thế thành công. Ngày 24/2 cùng năm, Nhân dân Nhật báo đăng bài xã luận “Lòng can đảm cải cách phải lớn hơn nữa”, công khai ủng hộ đường lối của Đặng Tiểu Bình. Kể từ khi Dương Thượng Côn gia nhập phe Đặng Tiểu Bình, cán cân chính trị nghiêng hẳn về phía Đặng. Sau 2 năm 8 tháng do dự, cuối cùng Giang Trạch Dân đã chọn đứng về phía Đặng Tiểu Bình.

\’Giang Trạch Dân phạm sai lầm khi lựa chọn đường lối\’ trở thành nội dung nhạy cảm

Sau đó, vì hai thế hệ lãnh đạo cấp cao “Giang, Lý, Chu” và “Hồ, Ôn” đều khẳng định rằng họ \”kiên trì đi theo đường lối cải cách và mở cửa của Đặng Tiểu Bình\”, nên sự do dự và lung lay năm đó của Giang Trạch Dân giữa hai phe Đặng và Trần không còn được nhắc đến. 

“Giang, Lý, Chu” là chỉ thế hệ lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, Lý Bằng và Chu Dung Cơ. “Hồ, Ôn” là thời ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo.

Bài báo \”Ván cờ\” trích nguyên văn nội dung trong cuốn sách \”Cuộc đấu tranh chính trị trong niên đại cải cách của Trung Quốc\” của cựu phóng viên Tân Hoa Xã Dương Kế Thằng (Yang Jisheng). Nhưng lại không đề cập đến việc sau khi cuốn sách này được xuất bản ở Hong Kong năm 2010, Bộ Tuyên truyền Trung ương ĐCSTQ đã triệu tập tác giả nhiều lần để ngăn cấm lan truyền. Tất nhiên, đó là để ngăn chặn lan truyền các nội dung nhạy cảm, bao gồm cả \”sai lầm về đường lối\” của Giang Trạch Dân khi ông ta ‘bỏ Đặng theo Trần’.Ông Giang Trạch Dân (trái) và ông Đặng Tiểu Bình tại Đại hội Đảng 14 ở Bắc Kinh hồi tháng 10/1992. (AFP via Getty Images)

Duowei News thay đổi thái độ với phe Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng

Duowei News không phải lúc nào cũng nghiêm khắc với Giang Trạch Dân như vậy. Vào ngày 17/1/2015, Duowei News đã đăng một bài báo có tiêu đề “Trong ngoài biến đổi nhanh chóng, nhận lệnh lúc lâm nguy – Công trạng và sai lầm của Giang Trạch Dân song hành” nhằm bênh vực Giang Trạch Dân. 

Giúp Giang Trạch Dân tẩy trắng

Bài báo mở đầu bằng lời kêu oan cho Giang Trạch Dân: \”Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo ĐCSTQ, người đã nhiều lần \’bị tử vong\’, hiện đang trải qua cơn cuồng phong chính trị khốc liệt nhất trong đời. Bởi vì trong hai năm kể từ khi lên nắm quyền tại Đại hội Đảng 18, Tập Cận Bình đã hô vang khẩu hiệu \’đả Hổ diệt Ruồi\’ và vung gươm chống tham nhũng. Tất cả những kẻ ngã xuống đều là người của phe Giang”. 

Tác giả bài báo này nói rằng: \”Vấn đề nằm ở chỗ, liệu có thể chỉ dựa vào mức độ tham nhũng của cấp dưới mà xác định tính chất của nhà lãnh đạo? Xảy ra ở thời Giang Trạch Dân, lẽ nào vì quan chức bên cạnh ông ấy không chừng mực nên bản thân Giang Trạch Dân bị chụp lên cái mũ tội nhân lịch sử?”. 

Tất nhiên, bài báo không phủ nhận mức độ tham nhũng cao trong thời đại Giang cầm quyền. Trong bài cũng nhắc lại một câu vè dân gian khi đó: “Cán bộ của Mao Trạch Đông liêm khiết thanh bạch, cán bộ của Hoa Quốc Phong bặt vô âm tín, cán bộ của Đặng Tiểu Bình [là] phú ông triệu phú, cán bộ của Giang Trạch Dân vét sạch quốc khố\”. Nhưng vẫn nhấn mạnh rằng Giang Trạch Dân đã thành công khi “tuân theo đường lối cải cách và mở cửa do Đặng Tiểu Bình thiết kế”.

Ám chỉ sai lầm đường lối năm đó

Duowei News bắt đầu thay đổi thái độ đối với Giang Trạch Dân vào khoảng năm 2019, có thể tìm thấy dấu hiệu trong các bài báo. Một vài năm trước, một người thạo tin nội bộ đã công khai nói rằng \”Duowei News không phải là kênh truyền thông tuyên truyền đối ngoại, mà là kênh truyền thông của một phe nào đó trong Đảng [Cộng sản Trung Quốc]”. Từ góc độ này, có thể dễ hiểu tại sao trước đó Duowei News lại bênh vực Giang Trạch Dân.

Bây giờ, Duowei News lại ám chỉ sai lầm trong đường lối của Giang Trạch Dân năm đó. Một kênh tuyên truyền hải ngoại phát đi tín hiệu như vậy là quá rõ ràng. Cộng thêm bài bình luận trên tờ Nhân dân Nhật báo đăng ngày 22/1 vừa qua, có thể hiểu rằng quá trình thanh trừng phe Giang Trạch Dân đã bắt đầu. 

Mở đầu bài viết này là phát biểu của ông Tập Cận Bình: \”Kiên trì trừng trị tham nhũng với thái độ không khoan nhượng, kiên trì chấn chỉnh sự hủ bại và nếp sống không lành mạnh làm tổn hại đến lợi ích của quần chúng, kiên trì bắt được \’thiểu số chủ chốt\’ để làm gương cho cấp dưới, kiên trì hoàn thiện hệ thống giám sát của đảng và nhà nước, … và kiên trì không ngừng thúc đẩy nghiêm trị đảng theo chiều sâu\”.

Kết luận

Cần phải chỉ ra rằng: Hiện giờ trong phe Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng, Giang chỉ còn là một biểu tượng. Và cũng chỉ có phe này trong ĐCSTQ mới có thể thách thức ông Tập Cận Bình. Các thế lực trong đảng bất mãn với ông Tập đều kỳ vọng rằng phe Giang – Tăng sẽ đối chọi với Tập. Điều mà Tập Cận Bình cần đề phòng chính là sự lôi bè kết cánh của các lực lượng chống Tập, vậy nên ông cần dứt khoát đốn hạ cây cao bóng cả để phe đối lập không còn nơi dựa dẫm.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung

Bài Liên Quan

Leave a Comment