Một nhà văn nữ Trung Quốc biến mất khỏi internet sau khi đả kích Tập Cận Bình

Một nhà văn nữ Trung Quốc biến mất khỏi internet sau khi đả kích Tập Cận Bình

Đăng ngày: 16/02/2022

Thụy My

Theo báo Times hôm nay 16/02/2022, các tác phẩm của nhà văn Nghiêm Ca Linh (Geling Yan) hoàn toàn không còn dấu tích trên internet Trung Quốc. Tờ báo cho rằng đảng Cộng Sản Trung Quốc kiểm duyệt vì bà chỉ trích Tập Cận Bình là « kẻ buôn người ».

Nhà văn nữ nổi tiếng với nhiều tiểu thuyết và kịch bản phim, hiện sống ở Berlin, quy trách nhiệm cho chính quyền Trung Quốc trong nhiều vụ bắt cóc phụ nữ và trẻ em.

Gần đây, vụ một phụ nữ bị bắt về làm vợ và xiềng xích như nô lệ trong cảnh giá rét đã làm chấn động dư luận Hoa Lục ngay trong thời gian diễn ra Thế Vận Hội Bắc Kinh. Chính quyền ban đầu chối bỏ, tuy nhiên sau đó đã nhìn nhận sự kiện.

Nghiêm Ca Linh nằm trong số những người nổi tiếng đã tỏ ra bất nhẫn trước tình cảnh của người phụ nữ đáng thương. Nhưng mới đây, trong một cuộc trao đổi qua video với nhà xã hội học Chu Hiếu Chính (Zhou Xiaozheng) sống tại Hoa Kỳ, nhà văn nêu ra khía cạnh chính trị của bi kịch: các vụ bắt cóc phụ nữ, tỉ lệ cho con nuôi cao bất thường, mà chính quyền phải trực tiếp chịu trách nhiệm. Bà tuyên bố : « Tập Cận Bình là kẻ buôn người », gây ra cơn thịnh nộ của Bắc Kinh.

Tại Trung Quốc, chính sách mỗi gia đình chỉ có một con (từ 1979 đến 2015) khiến các cặp vợ chồng muốn giữ lại con trai thay vì con gái. Hệ quả là ở Hoa Lục, gần 120 nam chỉ có 100 nữ, so với tỉ lệ trung bình trên thế giới là 105 nam/100 nữ. Nhiều phụ nữ bị bắt cóc để bán đi nơi khác làm vợ cho những người đàn ông giàu có. Nghiêm Ca Linh cho rằng sự ủng hộ của Tập Cận Bình với chính sách một con đã mang lại hậu quả trầm trọng. Ông Tập cũng tạo điều kiện cho việc nhận con nuôi mà không quan tâm đến hiện tượng bắt cóc rồi ngụy trang thành con nuôi.

Bà Nghiêm Ca Linh sinh năm 1958 tại Thượng Hải, có cha bị lưu đày thời Cách mạng Văn hóa nên suốt thời trẻ bị coi là « phản động ». Du học ở Mỹ trong thập niên 80, bà viết nhiều tác phẩm nói về các vụ đàn áp thời Mao, như tiểu thuyết Xiu Xiu (chuyển thể thành phim năm 1998) kể về cuộc đời một thiếu nữ bị đưa đi lao động cải tạo ở Tứ Xuyên.

Bài Liên Quan

Leave a Comment